Điện ảnh quả thật đã làm rất tốt nhiệm vụ “chép sử” (mà không “nệ sử”), một khi được đặt vào tay những đạo diễn, diễn viên... tài hoa. Cùng lật lại những trang sử hào hùng về ngày 30.4.1975 qua những thước phim kinh điển, là niềm tự hào của điện ảnh Việt... |
Lấy cảm hứng và phần nào dựa theo những câu chuyện có thật của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn trong những năm chống Mỹ, đặc biệt là chiến dịch Mậu Thân năm 1968, hai nhà biên kịch Lê Phương - Nguyễn Thanh đã phát triển thành 4 tập phim vừa độc lập vừa kết nối chặt chẽ với nhau. Đạo diễn Long Vân, một tên tuổi mới nổi của điện ảnh phía Bắc lúc bấy giờ được giao trọng trách đạo diễn 4 tập phim này.
Trong Điểm hẹn - tập phim đầu tiên, Tư Chung, biệt danh của Hoàng Sơn (do Quang Thái đóng) - Tư lệnh trưởng Biệt động Sài Gòn cùng người đồng đội là Ngọc Mai (Hà Xuyên) đóng giả một cặp vợ chồng tư bản giàu có để cài vào lòng địch. Dưới sự bảo trợ của người chú Ngọc Mai, họ trở thành chủ nhân hãng sơn Đông Á nổi tiếng. Với khả năng hoạt động tình báo và sự thông minh, mưu lược, “vợ chồng” Tư Chung - Ngọc Mai dần dần chinh phục và tạo lòng tin với những tướng tá quan trọng của Việt Nam Cộng hòa và qua mặt cả tình báo của Mỹ.
![]() |
Nếu Tư Chung và Ngọc Mai hoạt động trong lòng địch thì Huyền Trang (Thanh Loan), một chiến sĩ biệt động khác và là người yêu của Tư Chung, lại cải trang thành ni cô để che mắt kẻ thù. Những chiến sĩ kiên cường khác của nhóm Biệt động như Sáu Tâm (Thương Tín), Ngọc Lan (Thúy An) và Năm Hòa (Bùi Cường) hay những thường dân yêu nước như bà má hậu phương, cô bé giao liên bán báo... cũng hoạt động rất tích cực, hỗ trợ cho chiến dịch. Mỗi chiến sĩ biệt động có một mật danh như Z20, K9, F8, H3... khiến quân đội của Việt Nam Cộng hòa và CIA của Mỹ run sợ vì hành tung bí mật và hoạt động “xuất quỷ nhập thần”, như trong một câu thoại của viên Đại tá Việt Nam Cộng hòa: “Ở đất nước này, Việt Cộng có thể từ trên trời rơi xuống hoặc từ dưới đất chui lên”.
Chiến công của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn với những trận nổ súng, gài mìn, bắt cóc, trao đổi tù binh, những cuộc tấn công theo kiểu du kích chớp nhoáng khiến kẻ thù lên kế hoạch phản công mạnh mẽ. Trong tập 2 (Tĩnh lặng) và tập 3 (Cơn giông), bộ phim bắt đầu đề cập đến những danh phận bị bại lộ của các chiến sĩ biệt động như cô bé giao liên bán báo và ni cô Huyền Trang bị bắt và tra tấn dã man. Sáu Tâm, chiến sĩ anh dũng cũng bị một kẻ phản bội chỉ điểm và chết dưới họng súng kẻ thù.
Cao trào của bộ phim được đẩy lên trong tập cuối (Trả lại tên cho em) với kế hoạch tổng tấn công của nhóm biệt động Sài Gòn trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Dưới sự chỉ đạo của Tư Chung, các mũi tấn công dồn dập được lên kế hoạch vào đúng đêm Giao thừa. Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc lập, Tổng nha Cảnh sát, Bộ Tổng tham mưu, Đài Phát thanh, Sân bay Tân Sơn Nhất... đều trở thành mục tiêu của nhóm biệt động Sài Gòn, làm cho đầu não của quân đội Việt Nam Cộng hòa và Mỹ rối loạn. Nhưng cùng đó, lại có thêm những chiến sĩ ngã xuống cho lý tưởng mà họ theo đuổi, như Huyền Trang, Năm Hòa... Bộ phim kết thúc sau trận tổng tấn công mùa Xuân năm 1968, nhưng được tiếp diễn với phần vĩ thanh kéo dài đến năm 1973 khi Việt Nam thắng lợi trên bàn đàm phán Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh. Hình ảnh những người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, cùng với lời đề từ được nhắc lại ở đầu mỗi tập phim: “Người lính Mỹ đến Việt Nam, từ lần đầu tiên cho đến lần cuối cùng, đều được tiếp đón nồng hậu”.
![]() Những chiến sĩ biệt động Sài Gòn “xuất quỷ nhập thần” qua diễn xuất của Quang Thái, Hà Xuyên, Thanh Loan... |
Sự xen kẽ giữa các cảnh hành động hấp dẫn kết hợp với đấu trí căng thẳng, những trường đoạn tâm lý và góc khuất nội tâm nhân vật khiến bộ phim giàu sức thuyết phục và hấp dẫn về mặt giải trí. Bối cảnh phim được dàn dựng công phu, từ cuộc tấn công của nhóm Biệt động vào Dinh Độc lập, Tòa Đại sứ Mỹ, cảnh nổ bom trên đường phố Sài Gòn, cho đến những hư cấu thiên về hành động... Một số cảnh phim như ni cô Huyền Trang hay cô bé giao liên bán báo bị CIA của Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa tra tấn dã man hay cảnh Ngọc Lan đột nhập vào nhà kẻ phản bội để trả thù cho người yêu, cũng gây ấn tượng mạnh mẽ nhờ sự chân thực trong dàn dựng và diễn xuất.
Biệt động Sài Gòn là loạt phim đầu tiên và gần như duy nhất làm về lực lượng “biệt động thành”. Kịch bản được xây dựng chặt chẽ, các tuyến nhân vật ở cả 3 phía (nhóm biệt động Sài Gòn; tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa và CIA, quân đội Mỹ) đều được mô tả khá công phu và cân bằng, tránh được sự thiên lệch hay minh họa. Bên cạnh các nhân vật biệt động Sài Gòn được xây dựng rất thành công như Tư Chung, Ngọc Mai, Huyền Trang, Sáu Tâm hay Ngọc Lan; tuyến nhân vật bên kia như Trung tá Sông; Đại tá CIA Michael hay Cordell cũng tạo được ấn tượng với khán giả và là bệ phóng giúp các diễn viên trở nên nổi tiếng trong thập niên 1980.
Năm nay kỷ niệm 50 năm chiến dịch Mậu Thân năm 1968, và hơn 30 năm bộ phim Biệt động Sài Gòn ra đời, loạt phim 4 tập này vẫn là một mốc son của điện ảnh cách mạng Việt Nam.