Cách đây hơn 7 tháng, chị Đ bị tai nạn lao động, máy ép trong cơ sở sản xuất của gia đình ép vào bàn tay trái gây thương tích. Sau tai nạn, bệnh nhân được xử lý phẫu thuật cắt lọc, xử lý vết thương ngón II - V, sửa mỏm cụt ngón I tay trái, ghép da.
Sau khi về nhà từ bệnh viện với bàn tay chỉ có 4 ngón, cuộc sống của chị bị đảo lộn, khó khăn bội phần. Chưa kể đến những đau đớn do tai nạn gây ra, mất ngón tay cái khiến chị không thể cầm nắm hay sinh hoạt. Ngón tay luôn có cảm giác đau nhức khó tả. Chị không thể trở lại với công việc hàng ngày mà thậm chí không thể buộc tóc cho bản thân mình!
Theo Bs Hoàng Hồng, Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, bàn tay có vai trò rất quan trọng trong lao động, đặc biệt hơn nữa là ngón tay cái chiếm tới 50% chức năng của bàn tay, nên việc tạo hình lại ngón tay cái với những bệnh nhân bị cụt ngón cái như trường hợp của chị Đ là việc quan trọng trong quá trình điều trị.
Bệnh nhân Đ bị tổn thương mất tới nền đốt bàn ngón I tay trái; gân duỗi ngón cái dài, gân duỗi ngón cái ngắn, gân gấp ngón cái dài bị co rút. Bên cạnh đó, dây thần kinh chi phối ngón tay cái cũng bị tổn thương.
Bác sỹ Hoàng Hồng, người phụ trách phẫu thuật và điều trị cho chị Đ cho biết, sau khi thăm khám bệnh nhân, bác sỹ đã quyết định lựa chọn lấy ngón chân II bên trái, để chuyển lên tạo hình ngón cái tay trái cho chị Đ. Sự lựa chọn này do tính tương đồng, kích thước ngón chân trái đó gần giống với ngón tay cái còn lại của bệnh nhân. Ngoài ra vẫn đảm bảo được chức năng của bàn chân cho ngón với ngón chân cái còn nguyên vẹn.
Ngày 13/4, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện đại học Y Hà Nội đã tiến hành phẫu thuật vi phẫu, chuyển ngón II chân trái lên tay, tái tạo ngón I tay trái cho bệnh nhân Đ. Bệnh nhân được găm kim Kirschner cố định xương đốt bàn ngón I tay trái với xương đốt bàn ngón II bàn chân trái; khâu tạo hình phục hồi lại gân gấp ngón cái dài, các gân duỗi ngón cái dài, ngón cái ngắn; khâu nối động mạch, tĩnh mạch của vạt với động mạch cấp máu ở bàn tay và nối phục hồi dây thần kinh chi phối ngón tay cái bên trái.
Bệnh nhân được tập sớm và vận động ngay sau mổ. Đến nay, kết quả ca phẫu thuật rất khả quan. Bệnh nhân được phục hồi ngón cái của tay trái với kích thước tương đương so với ngón tay của bàn tay lành. Ngón tái tạo thực hiện được các vận động gấp, duỗi, đối chiếu ngón, và cầm nắm sử dụng được đồ vật…
Theo BS Hoàng Hồng, phẫu thuật chuyển ngón chân lên tạo hình ngón tay luôn là một thử thách đối với các phẫu thuật viên, đòi hỏi các phẫu thuật viên phải có nhiều kinh nghiệm, và kiến thức chuyên môn sâu. Bác sỹ Hồng cho biết đối với một bệnh nhân tạo hình ngón tay cái, ngoài mục tiêu phục hồi chức năng, cảm giác, các bác sỹ sẽ cân nhắc phương án sao cho đạt tính thẩm mỹ cao để cho ngón ghép phù hợp với các ngón khác, tương đồng với ngón cái còn lại; và di chứng ảnh hưởng đến chức năng của bản chân sau phẫu thuật gần như không đáng kể.
Và giờ đây khi đã có ngón tay cái mới, chị Đ thấy tự tin trở lại, không phải giấu bàn tay mình khi ở chỗ đông người. Chị đã có thể dùng điện thoại bằng ngón tay cái mới, có thể cầm nắm, sinh hoạt với ngón cái mới, tự mình buộc tóc gọn gàng và hy vọng thời gian sắp tới chị sẽ tập để sử dụng ngón tay linh hoạt như ngón tay cái bình thường trước đây.