Bệnh sĩ còn làm cho nhiều người không dám sống thật với mình, trở nên dối trá, thậm chí lừa bịp. Chỉ là điều dưỡng viên hoặc y tá, nhân viên hành chính nhưng có người tự khoe mình là bác sĩ. Lại có người chỉ buôn bán nhì nhằng hoặc làm những công việc đơn giản… nhưng “bốc” mình là cán bộ nhà nước, có khi còn làm “sếp”. Bệnh sĩ dẫn đến thói dở khác là “thấy sang bắt quàng làm họ”. Những người loại này thường khoe mình có họ hàng hoặc quen thân với những người danh giá, có địa vị hoặc giỏi giang, nổi tiếng, mà sự thực không như vậy. Không ít người in danh thiếp với rất nhiều chức danh, nhưng chỉ là “nguyên”, rồi phát mọi nơi, mọi lúc…
Căn bệnh đang bàn gắn với sự khoe khoang, thích sự hào nhoáng, không thực chất. Đó là khía cạnh kém văn hóa, ít nhiều tiêu cực, thường có ở những người hạn chế về hiểu biết, nhận thức. Nhưng cũng có điều cần nắn chỉnh bởi đã có sự hiểu sai, ngộ nhận về từ “sĩ”. Một người có cuộc sống nghèo khó được ai đó tặng tiền hoặc thứ vật chất gì đó mà khước từ, liền bị nói: “Đã nghèo còn sĩ”. Trong cơ quan, có người gặp khó khăn được trợ cấp đột xuất nhưng từ chối không nhận, cũng bị phê phán là “sĩ”. Trong những trường hợp này, đó là bởi đương sự không muốn mang ơn huệ hoặc làm phiền tập thể. Rõ ràng bên cạnh một số người nghĩ họ “sĩ”, nhiều người nể trọng họ hơn từ sự từ chối đó. Và như vậy, chữ “sĩ” ở đây chính là sĩ diện. Bất cứ ai cũng phải có sĩ diện tối thiểu để khẳng định giá trị của mình với tư cách một con người. Mất đi điều này cũng có nghĩa con người không còn liêm sỉ, có thể không giữ được nhân cách khi ứng xử trong các mối quan hệ xã hội.
Mới hay cái gì cũng có hai mặt. Bệnh sĩ với nghĩa phô trương, tạo vỏ bọc hào nhoáng để che đậy thực chất còn bất cập thì là hạn chế về văn hóa. Nhưng sĩ diện của con người thì lại là điều rất cần có, vì khiến ta trở nên có văn hóa hơn ở mọi nơi, mọi lúc.