Trước đó ngày 1.9, bệnh nhân D. đang điều trị Lao kê/Đái tháo đường tại Bệnh viện Phổi Thái Nguyên và được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong tình trạng khó thở kèm theo đau tức ngực xuyên ra sau lưng.
Các bác sỹ đo được nhịp tim chậm (28l/p, nguy cơ ngừng tim rất cao) kèm chóng mặt, vã mồ hôi nhiều và được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp. Sau 2 giờ được ê-kíp bác sỹ khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch cứu chữa bằng phương pháp đặt stent động mạch vành, dưới sự hỗ trợ của máy chụp mạch số hóa xóa nền DSA hiện đại, bà D. nhanh chóng trở về trạng thái ổn định.
Theo Phó Trưởng khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch TS.BS Đặng Đức Minh, người trực tiếp thực hiện can thiệp cho bà D., can thiệp tim mạch nói chung, đặt stent động mạch vành nói riêng là kỹ thuật khó, từng thao tác phải thật chuẩn xác và nhanh chóng để không bỏ lỡ “thời gian vàng” cứu sống người bệnh.
Bệnh nhân D. đã xuất viện sau 5 ngày được đặt stent kịp thời
“Với trường hợp của người bệnh D., kết quả chụp động mạch vành cho thấy bà D. bị hẹp lan tỏa động mạch liên thất trước 50-60% và hẹp khít động mạch vành phải, nhiều huyết khối bám thành. Sau khi hội chẩn, ekip can thiệp quyết định tiến hành đặt máy tạo nhịp tạm thời, thực hiện hút huyết khối, nong bóng và đặt stent tái thông động mạch vành bị tổn thương cho người bệnh,” bác sỹ Minh thông tin thêm.
Đặt stent mạch vành là kỹ thuật hiện đại, xâm lấn tối thiểu nhưng đem lại hiệu quả nhanh chóng, rõ ràng. Người bệnh không cần gây mê, chỉ gây tê tại chỗ khi thực hiện thủ thuật. Người bệnh tỉnh táo suốt quá trình can thiệp, có thể trò chuyện được với bác sĩ và cảm nhận được tình trạng tiến triển trong thời gian can thiệp.
Tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, kỹ thuật này đã và đang được khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch thực hiện thường quy, cứu sống nhiều ca bệnh nhồi máu cơ tim cấp.