Theo Sở Công thương Gia Lai, thời gian qua, việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động thương mại điện tử, công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp được quan tâm chú trọng, bước đầu đáp ứng những yêu cầu đặt ra. Hệ thống mạng lưới viễn thông, internet cáp quang trên địa bàn được nâng cấp, mở rộng; giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt được chú trọng với sự ra đời và phát triển của các ứng dụng thanh toán trực tuyến như ví điện tử, Internet Banking, Smart Banking... đã đáp ứng nhu cầu sử dụng giao dịch điện tử của người dân và doanh nghiệp.
Các siêu thị, trung tâm mua sắm, đơn vị cung cấp dịch vụ đã xây dựng hệ thống trang thiết bị cho phép khách hàng thanh toán trực tuyến. Giờ đây, chiếc điện thoại thông minh trở nên phổ biến với người dân để phục vụ nhu cầu trao đổi thông tin, mua bán hàng hóa... góp phần thúc đẩy hoạt động bán lẻ, tạo ra sự chuyển hướng căn bản trong mối quan hệ tương tác giữa người tiêu dùng, nhà bán lẻ và thương hiệu hàng hóa.
Đại diện Sở Công thương cho biết, doanh số trong giao dịch thương mại điện tử hàng năm tăng khoảng 15%, chiếm 4% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh. Hiện nay, Gia Lai có 316 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (49 sản phẩm 4 sao và 267 sản phẩm đạt 3 sao), 5 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, 12 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và nhiều mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU.
Đây là điều kiện để hỗ trợ đưa sản phẩm có chứng nhận lên các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí khuyến công hàng năm, Sở Công thương cũng hỗ trợ nhiều đơn vị sản xuất mua máy móc, thiết bị hiện đại để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã khai thác các kênh bán hàng hiện đại trên môi trường không gian mạng một cách hiệu quả, mở ra nhiều triển vọng. Không chỉ tiêu thụ hàng hóa trong nước, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã còn đẩy mạnh bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng, vừa qua, Sở Công thương đã phối hợp với Công ty cổ phần Vipavo và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Chi hội miền Trung - Tây Nguyên tổ chức kết nối các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh tham gia trưng bày sản phẩm bằng hình thức triển lãm trực tuyến. Điều đáng mừng là nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh đã gửi nội dung, thông tin hình ảnh sản phẩm và các dữ liệu để cập nhật lên trang triển lãm tại địa chỉ: trienlamgialai.com với các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản, đặc trưng; sản phẩm làng nghề và các sản phẩm thuộc lĩnh vực khai thác và chế biến nông - lâm - thủy sản; chế biến, sản xuất thực phẩm và đồ uống; thủ công mỹ nghệ.
Thông qua triển lãm trực tuyến đã tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong và ngoài tỉnh giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến khách hàng và đối tác trong cả nước, mở ra cơ hội kết nối giao thương rộng khắp qua mạng lưới XTTM rộng lớn của chương trình.
“XTTM trên nền tảng số đã trở thành công cụ giới thiệu, quảng bá hữu hiệu cho các sản phẩm của tỉnh cũng như làm cầu nối giúp các doanh nghiệp chúng tôi tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường”, chị Hoàng Yến, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chia sẻ.
Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Phạm Văn Binh, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong XTTM đã trở thành hướng đi bắt buộc. Hệ sinh thái XTTM số là kết cấu hạ tầng mềm trong thương mại do Chính phủ đầu tư, phát triển gồm các nền tảng cơ bản dùng chung cho nền kinh tế như: hội chợ, triển lãm số, kết nối giao thương thông minh, cơ sở dữ liệu chuyên ngành XTTM, tư vấn - huấn luyện trực tuyến… Các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất ở Gia Lai trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh hơn việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật vào quá trình sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh về giá cả, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng; đồng thời, đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong phương thức bán hàng để tăng được tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.