Bài 1: Trẻ hóa đối tượng vi phạm
Thống kê của Bộ Công an cho thấy trong giai đoạn 2018 - 2020, cả nước đã ghi nhận 10.786 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, với 16.583 đối tượng có liên quan. Trong đó, nữ giới chiếm 5%, nam giới chiếm đến 95%. Riêng năm 2020, đã ra 4.262 vụ, với hơn 6.500 đối tượng phạm pháp.
Những con số biết nói
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình trạng thanh thiếu niên phạm tội có chiều hướng gia tăng, cùng với việc tăng về số vụ thì tính chất phức tạp và mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm này cũng gia tăng. Nhất là hiện nay, khi mà dịch bệnh Covid – 19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, tình trạng thất nghiệp không có việc làm, không có thu nhập. Vì vậy, để có tiền ăn chơi, tiêu xài, một số không ít các đối tượng thanh thiếu niên đã sa vào con đường trộm cướp, vi phạm pháp luật.
Điển hình gần đây nhất là vụ cướp xe máy của chị Lê Thị Trâm, nữ nhân viên Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội xảy ra ngày 3.8 vừa qua, cơ quan chức năng đã bắt giữ 4 đối tượng trực tiếp gây án, gồm: Bùi Quý Phương (Sinh năm 2003, trú tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) và Trịnh Minh Hiếu (Sinh năm 2002, trú tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội), Lê Minh Khánh (Sinh năm 2002 trú tại phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Trương Thiên Bình (Sinh năm 2003 ở phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội). 2 đối tượng còn lại là Nguyễn Huy Hoàng (Sinh năm 2000, hộ khẩu thường trú tại ngõ 10 Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội) và Lê Thủy Trang (Sinh năm 2004, hộ khẩu thường trú tại ngõ 3 đường Hoàng Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) bị bắt giữ về hành vi không tố giác tội phạm.
Số liệu của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP. Hồ Chí Minh từ năm 2018 đến quý I.2021, trên địa bàn đã xảy ra 516 vụ phạm pháp do người dưới 18 tuổi thực hiện, truy bắt được 884 đối tượng. Trong đó, độ tuổi tội phạm dưới 14 tuổi chiếm 3,62%, đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm 27,26% và dưới 18 tuổi chiếm 69,12%. Trong số 884 người phạm tội thì có tới 553 thiếu niên bỏ học, chiếm tỉ lệ 71,44%. Tại Bến Tre, quý I.2021, Công an tỉnh đã phát hiện 21 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, tăng 7 vụ so với cùng kỳ năm trước, gồm các tội danh: cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, đánh bạc, tàng trữ trái phép chất ma túy và những vi phạm khác. Kết quả, xử lý hình sự 3 vụ, 3 đối tượng và xử lý hành chính 18 vụ với 31 đối tượng.
Ủy ban An toàn giao thông cho biết, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, hàng loạt tai nạn giao thông chết người đã xảy ra. Trong đó, tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông của thanh thiếu niên lên tới 7,39/1000 em. Nguyên nhân chủ yếu là do các em điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi cho phép. Điển hình là vụ việc hồi tháng 2 vừa qua tại Gia Lai - một vụ tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của 4 em học sinh chưa đến 16 tuổi. Nguyên nhân được xác định là do điều khiển xe máy trên 50 phân khối chạy tốc độ cao.
Vì đâu nên nỗi?
Th.S Ngô Thế Nghị, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam chỉ ra “Nhiều em gia đình thực sự khó khăn nhưng đua đòi, tâm lý muốn có tiền mua sắm, ăn chơi, hút chích nên sẵn sàng tham gia các băng nhóm trộm cắp, cướp giật”. Cùng với đó, các yếu tố xã hội cũng có tác động đến tâm lý của trẻ vị thành niên; thiếu các sân chơi bổ ích có tính định hướng nhân cách và nghề nghiệp cho trẻ; do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng xấu đến văn hóa, giáo dục, sự tha hóa biến chất, lối sống thực dụng trong một bộ phận tầng lớp trẻ hiện nay. Ngoài ra, một nguyên nhân khác có tính thời sự chính là dịch bệnh Covid - 19 kéo dài, diễn biến phức tạp dẫn tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ. Công ăn việc làm, thu nhập của một số thanh thiếu niên bị ảnh hưởng dẫn tới thiếu thốn về vật chất cũng là nguyên nhân làm gia tăng các hoạt động tội phạm, nhất là nạn trộm cắp, cướp giật…
Luật sư Nguyễn Hoàng Thịnh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, một nguyên nhân cần phải nói đến đó là vai trò định hướng của xã hội đối với trẻ vị thành niên vẫn còn mờ nhạt và chưa hiệu quả. Trong khi, các yếu tố văn hoá nước ngoài du nhập vào nước ta phong phú và phức tạp trong quá trình hội nhập, nhưng xã hội lại thiếu một bộ lọc hiệu quả đối với các yếu tố văn hoá đó. Kết quả là bên cạnh những yếu tố văn hoá tích cực, tiến bộ cũng không ít yếu tố văn hoá tiêu cực. Sự bùng nổ thông tin với sự xâm nhập của các băng, đĩa có nội dung bạo lực, khiêu dâm, đồi trụy, khiến một bộ phận không nhỏ trẻ em vùi đầu vào các quán internet để chát, chơi game online (chủ yếu là game bạo lực). “Trong môi trường xã hội nhiều biến động đó, đã dẫn đến đạo đức của một bộ phận không nhỏ trẻ em đi xuống, với biểu hiện là đề cao lối sống hưởng thụ, ăn chơi lêu lổng, đua đòi thích thể hiện mình nên dẫn đén phạm tội nghiêm trọng”, Luật sư Thịnh nhấn mạnh.
Vụ án mạng kinh hoàng xảy ra cách đây không lâu tại địa bàn xã Tân Lập giữa nhóm thanh thiếu niên xã Tân Lập với nhóm thanh thiếu niên xã Trung Hòa (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) là một minh chứng điển hình. Lêu lổng, đua đòi, các đối tượng lên mạng facebook và thành lập nhóm có tên “1 sống - 2 chết”, tập hợp khoảng 20-30 thành viên tham gia. Chỉ là do mâu thuẫn cá nhân, ngày 23.1, tại khu vực Vòng xuyến Yên Mỹ, giữa hai nhóm xảy ra xô xát. Hậu quả là Lê Văn Hai (Sinh năm 2003 tại xã Trung Hòa) bị đối tượng Nguyễn Văn Nhớ (Sinh năm 2001 tại xã Tân Lập) đâm tử vong. Đáng nói, đa số các đối tượng vi phạm còn lại trong nhóm này đều trong độ tuổi 15 đến 16. Vụ án đang được Công an huyện Yên Mỹ phối hợp với Phòng PC02 điều tra mở rộng vụ án. Đây là hiện tượng rất đau lòng, cho thấy thực trạng đáng lo ngại về trẻ vị thành niên phạm tội.
Theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật Hình sự có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, … của Bộ luật Hình sự.