Giữ phạm vi điều chỉnh như Điều 1 của dự thảo Luật
Trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, sau khi Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ Bảy, dự luật còn 10 nội dung lớn còn ý kiến khác nhau: về phạm vi điều chỉnh của Luật; về biện pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng (Điều 51); về các trường hợp không được áp dụng xử lý chuyển hướng (Điều 38); về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (Điều 52); về các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội (Điều 108); về mức phạt tù có thời hạn (Điều 112); về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (Điều 114); về sự tham gia của người làm công tác xã hội trong hoạt động tố tụng hình sự (Điều 32 và Điều 143); về tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội (Điều 136); về điều kiện cơ sở vật chất của trại giam (Điều 155).
Đa số ý kiến nhất trí phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên. Có ý kiến đề nghị chỉ nên tập trung quy định về xử lý chuyển hướng và một số vấn đề có tính chất nguyên tắc về tội phạm, hình phạt.
Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, xuất phát từ đặc điểm của người chưa thành niên là người chưa trưởng thành về mọi mặt, đặc biệt là khi tham gia vào các quy trình tư pháp hình sự đều dễ bị tác động tiêu cực, nhất là khi phải đối diện với các biện pháp có tính chất cưỡng chế. Đặc điểm này đòi hỏi Nhà nước khi thiết kế chính sách xử lý cần có cách tiếp cận chuyên biệt, khác với người trưởng thành.
Với mục đích xây dựng một đạo luật chuyên biệt và toàn diện về tư pháp người chưa thành niên thì hai vấn đề cốt lõi là hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự cần phải được điều chỉnh trong Luật này. Đây là hai trong số 6 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định khi bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp và các cơ quan thống nhất đề nghị cho giữ phạm vi điều chỉnh như Điều 1 của dự thảo Luật.
Có nên tách riêng vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết độc lập?
Về tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội (Điều 136), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật phải tách riêng vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết độc lập. Một số ý kiến đề nghị không tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội. Có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát.
Giải trình nội dung này, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho biết, nhằm thể chế hóa các yêu cầu của Đảng về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”, thực thi đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, dự thảo Luật bổ sung nhiều chính sách và quy định chuyên biệt, thân thiện và nhân văn hơn dành cho người chưa thành niên.
Cụ thể, thời hạn điều tra, truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên không quá 1/2 thời hạn đối với người trưởng thành, trừ trường hợp vụ án có tính chất phức tạp. Theo quy định này, nếu gộp chung vụ án có đồng phạm là người chưa thành niên và người trưởng thành để giải quyết sẽ dẫn đến thời hạn tiến hành tố tụng đối với người chưa thành niên đã hết nhưng thời hạn tiến hành tố tụng đối với người trưởng thành vẫn còn nhưng chưa hoàn thành việc giải quyết vụ án. Trong trường hợp này cũng không thể kết luận điều tra và đề nghị truy tố, ra cáo trạng hoặc ra quyết định đưa vụ án ra xét xử vì chưa hoàn thành việc giải quyết vụ án.
Cùng với đó, dự luật quy định người tiến hành tố tụng phải đáp ứng điều kiện đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người chưa thành niên. Quy định cụ thể về việc giữ bí mật thông tin cá nhân của người chưa thành niên trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng nhằm nội luật hóa Điều 40 Công ước quốc tế về quyền trẻ em “Mọi điều riêng tư của trẻ em phải được hoàn toàn tôn trọng trong mọi giai đoạn tố tụng”. (Quy định này liên quan trực tiếp đến các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về nội dung của Kết luận điều tra, nội dung Cáo trạng, nội dung Bản án và việc gửi, công khai các văn bản tố tụng này tới các chủ thể liên quan).
Dự thảo Luật cũng quy định trong giai đoạn điều tra, truy tố, nếu xét thấy người chưa thành niên bị buộc tội có đủ điều kiện được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại Trường giáo dưỡng thì Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát có văn bản gửi kèm theo hồ sơ vụ án đề nghị Tòa án xem xét, quyết định. (Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan nào quyết định cuối cùng về vụ án thì hồ sơ vụ án lưu tại cơ quan đó. Nếu vụ án có đồng phạm là người chưa thành niên và người trưởng thành thì không thể gửi hồ sơ của vụ án này sang Tòa án để đề nghị xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại Trường giáo dưỡng vì việc tiến hành tố tụng đối với người trưởng thành vẫn đang được thực hiện).
Quy định trình tự, thủ tục, thời hạn chuyên biệt và cụ thể để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng và biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại Trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên.
Ngoài ra, dự thảo Luật còn nhiều chính sách chuyên biệt khác chỉ áp dụng với người chưa thành niên trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Quá trình chỉnh lý, trên cơ sở nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng các chính sách mới của dự thảo Luật, đại diện các cơ quan tham gia chỉnh lý (Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao) đều thống nhất nếu không tách riêng vụ án đối với người chưa thành niên để giải quyết (mà vẫn giải quyết chung trong cùng vụ án với người trưởng thành) thì sẽ không thể thực hiện được những chính sách mới của dự thảo Luật, thậm chí tạo ra mâu thuẫn giữa các quy định của dự thảo Luật, mâu thuẫn với Bộ luật Tố tụng hình sự và sẽ gây khó khăn rất lớn trong thực tiễn thi hành.
Vì vậy, đại diện các cơ quan tham gia chỉnh lý đều thống nhất với dự thảo Luật phải tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết riêng. Đồng thời, để bảo đảm việc giải quyết vụ án chính xác, khách quan và hạn chế tối đa phát sinh thêm các thủ tục tố tụng, các cơ quan đã đề xuất bổ sung khoản 2 Điều 136 theo hướng: cho phép các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án có người chưa thành niên và vụ án có người trưởng thành sẽ được sao chụp để phục vụ giải quyết cả hai vụ án này.
Thảo luận trong Thường trực Ủy ban Tư pháp có 2 loại ý kiến đối với vấn đề này:
Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định phải tách riêng vụ án đối với người chưa thành niên để giải quyết. Đồng thời, đề nghị giao Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn về phối hợp trong thực hiện việc tách vụ án. Phương án này sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các chính sách mới nhân văn của dự thảo Luật; đồng thời không tạo ra mâu thuẫn giữa các quy định của dự thảo; không làm phát sinh các mâu thuẫn với Bộ luật Tố tụng hình sự, loại trừ những vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên (nếu không tách riêng vụ án để giải quyết) như ý kiến của đại diện các cơ quan tham gia chỉnh lý đã nêu ở trên.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định theo hướng cơ quan tiến hành tố tụng “có thể” tách riêng vụ án đối với người chưa thành niên để giải quyết. Phương án này tạo sự linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện, giao cơ quan tiến hành tố tụng cân nhắc, quyết định. Trên cơ sở từng vụ án cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đánh giá, đối chiếu với các quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên và Bộ luật Tố tụng hình sự để quyết định tách riêng vụ án với người chưa thành niên hoặc vẫn giải quyết chung trong cùng vụ án với người trưởng thành.
Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tán thành với loại ý kiến thứ hai, quy định theo hướng cơ quan tiến hành tố tụng “có thể” tách riêng vụ án đối với người chưa thành niên để giải quyết, trên cơ sở các quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên và Bộ luật Tố tụng hình sự để quyết định tách riêng vụ án với người chưa thành niên hoặc vẫn giải quyết chung trong cùng vụ án với người trưởng thành.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc có nên tách riêng vụ án đối với người chưa thành niên để giải quyết hay không cần căn cứ không chỉ trên nguyên tắc xử lý vụ án đối với người chưa thành niên được quy định tại Luật mà còn cần phải được đặt trong tổng thể các nguyên tắc, điều kiện về tách vụ án hình sự được quy định tại Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó, cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, việc quy định tách riêng vụ án đối với người chưa thành niên để giải quyết (theo loại ý kiến thứ nhất) không bảo đảm gắn với nguyên tắc, điều kiện về tách vụ án hình sự được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, không dựa trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ, số lần phạm tội, mối quan hệ giữa các hành vi phạm tội.
"Với phương án này, trong một số trường hợp, quy định tách riêng vụ án đối với người chưa thành niên để giải quyết cũng chưa hẳn là tốt đối với người chưa thành niên phạm tội, bởi lẽ nếu không quy định bắt buộc trong luật thì người chưa thành niên phạm tội chỉ phải tham gia một quy trình tố tụng chung, nhưng nếu quy định bắt buộc thì người chưa thành niên phạm tội có thể phải tham gia hai quy trình tố tụng nếu người chưa thành niên phạm tội đóng vai trò chủ chốt trong vụ án có cả người chưa thành niên và người đã thành niên", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chỉ rõ.
Về việc cho phép các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án có người chưa thành niên và vụ án có người trưởng thành được sao chụp để phục vụ giải quyết cả hai vụ án này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, vấn đề này liên quan đến việc bảo mật, giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên trong quá trình thi hành án. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong quá trình tố tụng liên quan đến người chưa thành niên. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ hai, đề nghị quy định theo hướng cơ quan tiến hành tố tụng “có thể” tách riêng vụ án đối với người chưa thành niên để giải quyết.