Tham dự Hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; các Bí thư Trung ương Đảng: Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc và Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.
Cùng dự còn có: đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể Trung ương và TP. Hà Nội; đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, địa phương cùng 200 đại biểu văn nghệ sĩ đại diện cho văn nghệ sĩ trên các lĩnh vực nghệ thuật cả nước.
Báo cáo khái quát tình hình hoạt động của đội ngũ văn nghệ sĩ trong cả nước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nêu rõ, 76 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các thế hệ văn nghệ sĩ đã viết hàng nghìn tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có giá trị về lịch sử truyền thống, phản ánh tinh thần yêu nước của nhân dân, của dân tộc về công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây đắp, củng cố, phát huy nhân lên niềm tin và khát vọng của các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, của dân tộc.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam cho biết, trong những tháng cuối năm nay và trong năm 2025, Liên hiệp đã, đang và sẽ tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 36-CT/TW của Ban Bí thư về Đại hội các hội văn học nghệ thuật và Liên hiệp hội Văn phòng nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2025 - 2030, Hướng dẫn của các Ban Đảng Trung ương, Ban Chỉ đạo Đại hội các cấp ủy Đảng, Đại hội nhiệm kỳ 2025 - 2030, Đại hội các chi bộ, đảng bộ đảm bảo đúng quy định, quy trình, tiến độ và chất lượng; triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm, chào mừng các sự kiện, các ngày lễ lớn trong năm 2025 Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, thiết thực.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam nêu rõ, trong thời gian này, Liên hiệp đã và đang triển khai thực hiện tốt chủ trương, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương về việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đảng đoàn, Đảng ủy Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Đảng đoàn Đảng ủy Hội Nhà văn Việt Nam đã thống nhất và khẩn trương xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; Đề án kết thúc hoạt động của hai Đảng đoàn và thành lập Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời; Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Liên hiệp các hội, văn phòng nghệ thuật Việt Nam và các hội chuyên ngành Trung ương, bảo đảm yêu cầu tinh gọn, giảm đầu mối, tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng hoạt động.
Để phát huy vai trò, nhiệm vụ, chức năng của văn hóa nghệ thuật, tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ hoàn thành mọi nhiệm vụ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam kiến nghị, tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, của các ngành, các cấp ủy, chính quyền đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động từ Trung ương đến cơ sở, về vai trò, vị trí, quan điểm xây dựng, phát triển văn hóa và văn học nghệ thuật, khẳng định và làm sâu sắc hơn nữa vai trò của văn học nghệ thuật trong Chiến lược phát triển văn hóa quốc gia. Đặt văn học nghệ thuật ngang tầm với các lĩnh vực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Về phần mình, đội ngũ văn nghệ sĩ cần có khát vọng, lý tưởng cao cả, có sự sáng tạo để có tác phẩm hay, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thể hiện bổn phận, trách nhiệm với Đảng, với Nhà nước, với Nhân dân và Tổ quốc.
Trong những năm qua, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận có tầm chiến lược, có giá trị lâu dài về công tác văn hóa - văn học nghệ thuật, nhưng được thể chế hóa và tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, còn nhiều chậm trễ, khó khăn cần tiếp tục thể chế hóa đầy đủ và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về lĩnh vực này. Việc xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật phải trên cơ sở tính đến tính đặc thù của nghề nghiệp, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa văn học nghệ thuật với đời sống chính trị - xã hội trong tổ chức thực hiện, khắc phục hiện tượng các cơ quan, cá nhân “đưa bóng”, “chuyền bóng”, “đưa đẩy”, chưa nhiệt tình, trách nhiệm chưa cao trong xem xét, giải quyết các vấn đề.
Tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa; tiếp thu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong xây dựng, phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật; tăng cường nguồn lực xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa, các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các trung tâm sáng tạo, viện nghiên cứu nghệ thuật, thư viện, nhà hát, trung tâm biểu diễn, triển lãm theo hướng hiện đại đáp ứng yêu cầu phục vụ sáng tác và phổ biến văn học nghệ thuật và hội nhập quốc tế; hình thành các quỹ đầu tư phát triển cho các loại hình văn học nghệ thuật bằng nhiều nguồn vốn.
Có cơ chế đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, tạo điều kiện để phát huy trí tuệ, sức sáng tạo, cảm hứng, ngòi bút của văn nghệ sĩ và phục vụ lợi ích nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc. Tiếp tục sửa đổi, xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ văn nghệ sĩ về điều kiện làm việc, sáng tác, xuất bản, phổ biến, quảng bá tác phẩm. Đồng thời, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các văn nghệ sĩ, nhất là những người trẻ tài năng và những người hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ kế cận, đổi mới chương trình giáo dục đào tạo, nghệ thuật, khuyến khích sáng tạo từ những cái lứa tuổi nhỏ, phát hiện và bồi dưỡng hiện tại một cách toàn diện, tôn vinh và khích lệ tài năng sáng tạo. Tổ chức các giải thưởng, chương trình vinh danh những đóng góp xuất sắc của văn nghệ sĩ. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá đối ngoại nhân dân trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ giao lưu với các nền văn học, nghệ thuật các nước, trao đổi đoàn người nghệ sĩ trẻ đi đào tạo tại nước ngoài.
Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực quan trọng, đặc biệt tinh tế và nhạy cảm. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng khẳng định, đội ngũ văn nghệ sĩ mong muốn có môi trường, điều kiện thuận lợi để cống hiến, sáng tạo hết mình, đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần vào thành tựu phát triển toàn diện của đất nước...
Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục thông tin về Hội nghị...