Hội thảo chuyên đề "Báo chí giải pháp trong phát triển bền vững" có sự tham gia của các nhà báo, nhà làm phim tài liệu quan tâm đến việc đưa thông tin về các chủ đề bền vững. Đây là một phần trong sáng kiến thường niên sản xuất phim tài liệu về phát triển bền vững năm 2023 - 2024, do Viện Goethe Hà Nội khởi xướng.
Nhà đào tạo về báo chí giải pháp của Mạng lưới Báo chí giải pháp tại Việt Nam, nhà báo Nhung Nguyễn cho biết, với 10 năm kinh nghiệm, chuyên viết về biến đổi khí hậu và bất bình đẳng ở Việt Nam, mảng quan tâm hiện tại của cô là những phương thức ứng phó của cộng đồng và cá nhân trước các thách thức này và ý nghĩa của chúng.
Theo nhà báo Nhung Nguyễn, báo chí giải pháp là cách đưa tin về các nỗ lực đang được thực hiện để giải quyết các vấn đề xã hội. Trong báo chí giải pháp, các nhà báo đưa tin về các vấn đề và giải pháp đang diễn ra một cách chặt chẽ, dựa vào bằng chứng.
Báo chí giải pháp có thể nhìn nhận là những bài điều tra về giải pháp, được thực hiện với tiêu chuẩn báo chí cao, đầy đủ các thao tác, nguyên tắc như khi làm báo chí vấn đề, với các câu chuyện, nhân vật, bằng chứng, dự liệu, nhận định chuyên gia và phản biện đa chiều.
"Có điều, nếu báo chí tập trung vào vấn đề thường xoay quanh các câu hỏi như ai, cái gì, tại sao, khi nào, ở đâu, bằng cách nào, thì báo chí giải pháp đặt thêm một câu hỏi khác - rồi sao, chuyện gì xảy ra tiếp theo sau những vấn đề đó”, Nhung Nguyễn nói.
Với nhiều năm kinh nghiệm đưa tin các dự án dài hạn về phát triển bền vững tại Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin UNESCO, nhà báo Đinh Đức Hoàng cho rằng, trong xu thế hiện nay rất cần một sự thay đổi toàn cầu trong báo chí, tập trung vào cách mọi người đang cố gắng giải quyết vấn đề và những gì chúng ta có thể học hỏi từ thành công và thất bại.
Đạo diễn phim tài liệu Nguyễn Tài Văn chỉ ra mối tương quan giữa báo chí truyền thông và phim tài liệu trong việc thông tin về các giải pháp bền vững trong xã hội. Theo đó, cả hai lĩnh vực đều có vai trò quan trọng và có tác động xã hội to lớn khi thông tin về các giải pháp. Điều quan trọng là nhà báo, nhà làm phim tài liệu cần đưa thông tin tận tâm, cho khán giả có cái nhìn công tâm và tổng quát nhất về các giải pháp bền vững trong xã hội.
Theo Viện trưởng Viện Goethe tại Hà Nội Oliver Brandt, hiện nay, báo chí chủ yếu thông tin vấn đề, trong khi xã hội rất cần những giải pháp để phát triển bền vững. "Qua trao đổi, thảo luận của các diễn giả, nhà báo, nhà làm phim tài liệu, tôi tin tưởng rằng, chúng ta có thể tạo ra cầu nối giữa các thực hành tài liệu hóa khác nhau, bao gồm phim tài liệu và báo chí; đồng thời mở rộng các thảo luận chuyên môn trong ngành truyền thông, giúp hình dung ra một thế giới công bằng và bền vững hơn. Để từ đây, đưa báo chí giải pháp vào câu chuyện hàng ngày của phát triển bền vững”, ông Oliver Brandt nói.