Ban chỉ đạo thi địa phương phải chịu trách nhiệm toàn bộ về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra trên toàn quốc từ ngày 27 - 30.6. Ban chỉ đạo thi quốc gia và các tỉnh thành phố đang khẩn trương triển khai những công việc theo kế hoạch để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, hiệu quả. Theo đó, Ban Chỉ đạo cấp địa phương (tỉnh/thành phố) cần chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại địa phương.

 Thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị 17

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, kỳ thi năm 2023 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2022.

Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương. Các Hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 27, 28, 29 và 30.6; chấm thi từ ngày 1.7; công bố kết quả thi vào ngày 18.7; hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất ngày 20.7.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã được thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện; hướng tới kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan, đúng quy chế.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng  cho biết, các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia đã làm việc với các tỉnh/thành phố về công tác chuẩn bị thi, công tác coi thi và chấm thi. Đến nay đã có 5 Đoàn công tác làm việc với 14 địa phương (tỉnh, thành phố), trong đó có Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Qua làm việc trực tiếp với 14 địa phương và báo cáo của 63 tỉnh/thành phố gửi về Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, các địa phương đã chủ động trong triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Các tỉnh/thành phố đã ban hành Chỉ thị về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện đều được thành lập từ sớm và ban hành kế hoạch công tác, phân công, phân nhiệm rõ ràng trong Ban Chỉ đạo.

Công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đang diễn ra theo đúng kế hoạch -0
Thí sinh đang nỗ lực ôn tập để chuẩn bị dự thi tốt nghiệp THPT 2023 (Ảnh: minh hoạ)

Ngoài triển khai theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Quy chế, hướng dẫn chung của Bộ GD-ĐT, các tỉnh thành phố tuỳ theo điều kiện cụ thể còn có những chỉ đạo, hướng dẫn riêng để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện tổ chức kỳ thi.

Ngoài ra, xây dựng kịch bản, phương án dự phòng các tình huống về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, giao thông, phòng cháy chữa cháy, cung ứng điện… để kịp thời ứng phó, xử lý trong những ngày diễn ra kỳ thi.

Đặc biệt, các địa phương đều quan tâm chỉ đạo việc hỗ trợ cho thí sinh có điều kiện hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo không để bất kỳ thí sinh nào vì khó khăn kinh tế hay đi lại mà không thể tham gia thi. Thứ trưởng khẳng định, cho tới thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đang diễn ra bình thường và theo đúng kế hoạch.

Gần 8.000 cán bộ tham gia kiểm tra công tác coi thi, chấm thi

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng cho biết, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra thi đến từ 63 Sở GD-ĐT và 133 cơ sở GD-ĐT trong cả nước, với tổng số 650 người.

Ngoài ra, tập huấn nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra thi cho cán bộ công chức của Bộ GD-ĐT; tập huấn nghiệp vụ kiểm tra chấm thi cho 300 cán bộ, công chức, viên chức dự kiến bố trí tham gia đoàn kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Bộ cũng đã có văn bản phân công các cơ sở giáo dục đại học cử người tham gia các đoàn kiểm tra công tác coi thi tại các địa phương. Theo đó, huy động gần 8.000 cán bộ, viên chức các cơ sở giáo dục đại học để tổ chức 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi của Bộ và 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi của Bộ tại 63 sở GD-ĐT. Đồng thời, thành lập 10 Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại 20 địa phương.

Về công tác tập huấn, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị tập huấn về thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vào các ngày 17, 18.4 tại Đà Nẵng với sự tham gia của đại diện Sở GD-ĐT và PA03 (Phòng An ninh chính trị nội bộ) của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Từ đó, quán triệt quy chế, tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, công tác đăng ký dự thi trực tuyến và nghiệp vụ sử dụng phần mềm quản lý kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Về vấn đề tổ chức đăng ký dự thi, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các Sở GD-ĐT tổ chức cho thí sinh thử đăng ký dự thi trực tuyến từ ngày 26.4 đến ngày 30.4; chính thức đăng ký dự thi trực tuyến và đăng ký dự thi trực tiếp từ ngày 4.5 đến 17 giờ ngày 13.5.

Số liệu thống kê cho thấy kỳ thi năm nay có tổng số 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi. Tổng số Điểm thi trên toàn quốc là 2.273, tổng số Phòng thi là 44.661.

Ban Chỉ đạo cấp địa phương (tỉnh/thành phố) chịu trách nhiệm toàn bộ về tổ chức kỳ thi 

Theo Thứ trưởng, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tiếp tục tổ chức các đoàn làm việc với các địa phương về công tác chuẩn bị thi tổ chức thi; công tác coi thi và chấm thi; kết nối thường xuyên với Ban Chỉ đạo các địa phương để phối hợp tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai công tác truyền thông, gắn với các công việc cụ thể theo tiến trình tổ chức kỳ thi; Huy động đội ngũ giáo viên trên toàn quốc triển khai công tác làm đề thi 15 môn và bàn giao cho các địa phương để triển khai công tác in sao đề thi. Tiếp tục tổ chức các đoàn đi kiểm tra và làm việc với các địa phương về công tác tổ chức kỳ thi.

Với Ban Chỉ đạo cấp địa phương (tỉnh/thành phố) cần chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại địa phương. Cần tập trung thực hiện theo lộ trình các công việc sau.

Thứ nhất, chỉ đạo các sở GD-ĐT tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc hoàn thành chương trình và tổ chức ôn tập cho học sinh. Lưu ý thí sinh và các nhà trường sử dụng đề thi tham khảo Bộ GD-ĐT đã công bố ngày 1.3 để làm tài liệu tham khảo ôn tập và hướng dẫn thí sinh.

Thứ hai, phân công nhiệm vụ, phân cấp trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo; tăng cường công tác thanh, kiểm tra của Ban Chỉ đạo trước, trong và sau kỳ thi, phối hợp chặt chẽ, đúng người, đúng việc, rõ trách nhiệm trong tất cả các khâu công tác chuẩn bị và tổ chức thi, đặc biệt bảo đảm an ninh, an toàn và thuận lợi cho thí sinh trong những ngày thi.

Thứ ba, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức kỳ thi, đặc biệt trong điều kiện thiên tai hoặc dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, đặc biệt thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu xa.

Thứ tư, rà soát tổng thể các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ kỳ thi: địa điểm in sao đề thi và triển khai công tác in sao đề thi; địa điểm lưu trữ bài thi; địa điểm làm phách; địa điểm chấm thi; hạ tầng công nghệ thông tin...

Thứ năm, tổ chức tập huấn nghiệp vụ thi cho các cán bộ làm công tác thi đúng thời gian và hiệu quả.

Công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đang diễn ra theo đúng kế hoạch -0
Các địa phương cần tổ chức tập huấn nghiệp vụ thi cho các cán bộ làm công tác thi đúng thời gian và hiệu quả

Thứ sáu, công tác in sao, vận chuyển, lưu trữ đề thi cần bảo đảm an toàn tuyệt đối, bố trí khu vực in sao đề thi ba vòng độc lập đáp ứng an toàn, bảo mật theo đúng quy định của Quy chế.

Thứ bảy, thiết lập và cài đặt hệ thống trang thiết bị phục vụ chấm thi. Tổ chức chấm thi nghiêm túc, an toàn và hiệu quả. Gửi dữ liệu chấm thi về Bộ GD-ĐT theo đúng tiến độ thời gian. Tổ chức xét công nhận tốt nghiệp chính xác.

Thứ tám, thực hiện công tác báo cáo về công tác tổ chức thi, cập nhật số liệu theo từng buổi thi, ngày thi, môn thi theo đúng quy định.

Thứ chín, chủ động xây dựng phương án dự phòng các kịch bản tổ chức kỳ thi nếu gặp các tình huống bất thường về thiên tai, dịch bệnh hoặc các vấn đề khác mà thường hay gặp hoặc dự báo có thể gặp.

Thứ mười, tăng cường và chủ động công tác truyền thông trong ngành và toàn xã hội.

Giáo dục

TP. Hồ Chí Minh: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng 4.500 phòng học
Giáo dục

TP. Hồ Chí Minh: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng 4.500 phòng học

Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP. Hồ Chí Minh vừa làm việc với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh về thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phổ điểm thi tháng Ba Đánh giá năng lực (HSA): Điểm trung bình là 80,0/150, cao hơn năm trước
Giáo dục

Phổ điểm thi tháng Ba Đánh giá năng lực (HSA): Điểm trung bình là 80,0/150, cao hơn năm trước

Ngày 2.4, Viện Đào tạo số và Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố phổ điểm thi Đánh giá năng lực (HSA) tháng Ba, năm 2025. Theo đó, đến hết tháng Ba năm 2025, kỳ thi đã tổ chức được 2 đợt thi liên tiếp, phục vụ 30.793 thí sinh dự thi, đạt tỉ lệ 99,4% đăng ký của hai đợt thi này.

Tạo điều kiện cho trường nghề đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Thời sự Quốc hội

Tạo điều kiện cho trường nghề đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Chiều 1.4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2021 - 2024.

Viện CFA, Hoa Kỳ trao giấy chứng nhận đối tác cho Đại học Kinh tế Quốc dân
Giáo dục

Viện CFA, Hoa Kỳ trao giấy chứng nhận đối tác cho Đại học Kinh tế Quốc dân

Sáng 1.4, Viện CFA (Hoa Kỳ) đã trao giấy chứng nhận đối tác cho các chương trình đào tạo Tài chính Doanh nghiệp Chất lượng cao và Tài chính Tiên tiến của Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khẳng định chất lượng đào tạo chuẩn quốc tế của nhà trường.