Phân loại rác thải sinh hoạt tại Hà Nội

Bài cuối: Từ quyết sách tới lộ trình phù hợp

Nhiều chuyên gia cho rằng, những nội dung của Luật Bảo vệ môi trường 2020 rất hợp lý và vô cùng cần thiết, nhằm nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả tại TP. Hà Nội, cần có khảo sát cụ thể và bảo đảm lộ trình phù hợp. 

Một trong những nội dung có ý nghĩa thiết thực của Luật Bảo vệ môi trường 2020 có thể kể đến quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân (theo Khoản 1 Điều 75) và cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định (Khoản 2 Điều 77)

Cần có khảo sát thực tế

Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt thời gian qua là do chưa thực hiện được việc phân loại tại nguồn và chưa áp dụng được triệt để nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

Việc phân loại tại nguồn mới chỉ được triển khai ở quy mô nhỏ tại một số địa phương mà chưa trở thành quy định bắt buộc; mặt khác phần lớn kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được ngân sách nhà nước chi trả. Việc thu nguồn kinh phí này tại các địa phương hầu hết được thực hiện thu bình quân theo hộ gia đình, một số địa phương thu theo số nhân khẩu của hộ gia đình mà chưa thu theo thực tế khối lượng chất thải phát sinh hoặc các loại chất thải phát sinh.

Bài cuối: Từ quyết sách tới lộ trình phù hợp -0
Hà Nội cần sớm có hướng dẫn thực hiện phân loại rác tại nguồn được xây dựng dựa trên khảo sát thực tế

"Điều này dẫn đến không thúc đẩy được các hoạt động giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải, chưa tận dụng được tối đa giá trị của chất thải để phục vụ trở lại cho nền kinh tế; hàng năm nước ta vẫn phải nhập một khối lượng lớn phế liệu từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất. Trong khi, xu thế chung của thế giới hiện nay đều coi chất thải là tài nguyên, áp dụng phổ biến kinh tế tuần hoàn để tận dụng giá trị tài nguyên từ chất thải, đồng thời giảm gánh nặng cho môi trường" - ông Nguyễn Hưng Thịnh nhấn mạnh. 

Để khắc phục vấn đề này, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý phải được thu thông qua khối lượng hoặc thể tích chất thải. Nghĩa là nếu phát sinh nhiều chất thải thì sẽ đồng nghĩa với việc phải trả nhiều tiền hơn, do đó, sẽ khuyến khích tổ chức, cá nhân giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế lượng chất thải phải thải ra môi trường, đồng thời, thực hiện được nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

Quy định là vậy, song có một vấn đề khá bất cập khi triển khai phân loại rác thải sinh hoạt, đó là sau khi phân loại rác thải tại nhà, người dân vẫn phải để các túi rác vào chung một thùng rác như trước đây. Như vậy, hiệu quả phân loại rác sẽ kém đi và công nhân thu gom, vận chuyển rác thải sẽ phải mất công phân loại các túi rác một lần nữa. Nếu các đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải đầu tư thêm thùng gom rác để người dân bỏ riêng chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác theo đúng quy định sẽ thuận lợi hơn cho việc thu gom, vận chuyển. Có ý kiến cho rằng, quá trình xây dựng quy định hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020, các cơ quan chức năng cần đưa thêm yêu cầu này vào đối với cơ sở thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt.

Về phía chính quyền, các chuyên gia cho rằng, thành phố Hà Nội cần sớm có hướng dẫn thực hiện phân loại rác tại nguồn được xây dựng dựa trên khảo sát thực tế kết hợp với thu nạp kinh nghiệm từ các mô hình phân loại rác thành công trong nước và nước ngoài - nơi có một số hình thái dân cư tương đồng với Việt Nam.

Hà Nội cũng cần tham khảo nhanh ý kiến từ đại diện nhân dân để bảo đảm tính phù hợp với phong tục tập quán, điều kiện, phong cách sống, từ đó ban hành các văn bản hướng dẫn vừa mang tính đại chúng vừa bảo đảm yếu tố đặc thù, ứng dụng được trên các địa bàn và hình thái bố trí dân cư, phù hợp với đại đa số người dân. Có như vậy, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn theo đúng những quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020 trên địa bàn Hà Nội mới sớm được thực hiện.

Bài cuối: Từ quyết sách tới lộ trình phù hợp -0
Cần khảo sát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng về công tác quản lý rác trên địa bàn Hà Nội

Theo Chi cục Môi trường Hà Nội, để có cái nhìn tổng thể về chương trình, đơn vị hiện đang được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội giao tiến hành khảo sát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng về công tác quản lý rác trên địa bàn Hà Nội. Các vấn đề như cơ sở pháp lý, cơ sở kỹ thuật hạ tầng đến năng lực thu gom, xử lý và đặc biệt khả năng thực thi từ phía người dân… đều được tính đến. Việc khảo sát, đánh giá này sẽ cho phép Hà Nội có một cái nhìn tổng quan và chi tiết hơn, tiếp cận đồng thời cả thuận lợi và vướng mắc, khó khăn để bảo đảm đề án được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, bám sát thực tế, mang tính khả thi, ứng dụng cao và đủ sức bền…. 

Theo các chuyên gia, những mô hình ở Đông Anh và Hoàn Kiếm đều được ghi nhận và đánh giá cao, tuy nhiên, không thể bê nguyên xi một mô hình từ ngoại thành vào áp dụng trong phố và ngược lại… Vì vậy, cần cẩn trọng để có những quy định cụ thể phù hợp trong từng khu vực. 

Rõ trách nhiệm, rõ lộ trình

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh nhấn mạnh, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 không quy định cứng những nội dung trên phải được bắt buộc thực hiện ngay khi có hiệu lực thi hành mà giao trách nhiệm cho các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tiễn của mình ban hành lộ trình triển khai thực hiện phù hợp trong 3 năm tới, tức là thời điểm thực hiện chậm nhất là ngày 31.12.2024.

Đặc biệt, để đảm bảo tính khả thi của quy định này, Luật cũng giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh trong việc ban hành các quy định cụ thể về lộ trình, hình thức và mức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh. PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, đây là quy định hoàn toàn đúng đắn. Bởi, chỉ khi tổ chức phân loại rác thải tại nguồn, môi trường mới được đảm bảo, mới xây dựng được nền kinh tế tuần hoàn. Để thực hiện được mục tiêu này, cần có lộ trình thực hiện, thí điểm ở một số phường, xã trước khi triển khai trên toàn TP. Hà Nội.

Bài cuối: Từ quyết sách tới lộ trình phù hợp -0
Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn và triển khai phân loại rác thải sinh hoạt theo lộ trình phù hợp​​​

Có ý kiến cho rằng, các địa phương cần hướng dẫn cụ thể về vai trò của từng đối tượng có liên quan như người dân, đơn vị thu gom, vận chuyển, tái chế… Đơn cử như tổ dân phố, tổ chức chính trị xã hội có trách nhiệm phối hợp đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hướng dẫn, vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị thu gom, vận chuyển hoặc điểm tập kết đúng quy định; giám sát và công khai hành vi vi phạm của hộ gia đình, cá nhân trong phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời, UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền. 

Bên cạnh đó, cần làm rõ cơ chế hỗ trợ chính sách, xử phạt đối với các đơn vị không thực hiện nghiêm các quy định đề ra để bảo đảm các quy định thực hiện một cách có hiệu quả, đem lại giá trị bền vững. Với những quy định trên và sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó có sự tham gia tuyên truyền, phổ biến các quy định của các cơ quan báo chí, các quy định này sẽ dần đi vào cuộc sống, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Xã hội

Bảo hiểm Agribank – Lá chắn tài chính trước thiên tai
Đời sống

Bảo hiểm Agribank – Lá chắn tài chính trước thiên tai

Thiên tai luôn là nỗi ám ảnh đối với người dân Việt Nam, nhất là những người sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Sau khi bão qua đi, hoàn lưu bão đã và đang tiếp tục gây ra mưa lớn, lũ quét và sạt lở ở các tỉnh miền núi phía Bắc khiến mức độ thiệt hại càng trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong những tình huống khó khăn như vậy, bảo hiểm nói chung, Bảo hiểm Agribank nói riêng đã và đang phát huy vai trò là tấm lá chắn tài chính giúp người dân vượt qua khó khăn.

Ngân hàng Chính sách xã hội tạm dừng thu lãi hộ vay bị thiệt hại do bão
Đời sống

Ngân hàng Chính sách xã hội tạm dừng thu lãi hộ vay bị thiệt hại do bão

Ngày 19.9, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Huỳnh Văn Thuận cho biết sẽ tạm dừng thu lãi đối với hộ vay bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão đến hết ngày 31.12.2024. Đồng thời, NHCSXH sẽ xây dựng phương án bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 và đề xuất Chính phủ bổ sung 4.900 tỷ đồng tín dụng chính sách.

Agribank chi nhánh tỉnh Tiền Giang ủng hộ hơn 520 triệu đồng khắc phục thiệt hại bão số 3
Đời sống

Agribank chi nhánh tỉnh Tiền Giang ủng hộ hơn 520 triệu đồng khắc phục thiệt hại bão số 3

Bão Yagi (bão số 3) đã gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của Nhân dân và nhà nước. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, tập thể cán bộ, đoàn viên Đoàn Thanh niên và người lao động Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh Tiền Giang đã tích cực ủng hộ, hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả bão, lũ.

Phát động cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024
Đời sống

Phát động cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024

Ngày 18.9, tại thành phố Đà Nẵng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Daikin Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024”.