Tăng gấp đôi đầu tư
Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu, có tính quyết định đến sự thành công trong tổ chức thực hiện. Nghị quyết cũng đưa ra các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm đối với hoàn thiện chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển thị trường tài chính, tín dụng vi mô, các sản phẩm dịch vụ tài chính mới. Đặc biệt là ưu tiên nguồn lực cho việc thực hiện Nghị quyết.

Hiện, Agribank là ngân hàng thương mại duy nhất Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có quy mô và mạng lưới hoạt động lớn nhất hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam. Agribank đang thực hiện hiệu quả 7 chính sách tín dụng, 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn, việc ưu tiên tăng đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 2011 - 2020 trong Nghị quyết số 19-NQ/TW là hoàn toàn phù hợp. Bởi về mặt nguyên tắc, khi GDP của nông nghiệp xuống còn 10%, lao động của nông nghiệp còn 35%, thậm chí dưới 25% thì tất cả các nước trên thế giới sẽ dùng các nguồn khác để hỗ trợ lại nông nghiệp, nông thôn. Trong khi hiện nay, chúng ta vẫn đang sử dụng nông nghiệp như một trụ đỡ. Khái niệm trụ đỡ có thể hiểu ở giai đoạn này là đỡ về xã hội, về an sinh, hay nói cách khác đóng góp về môi trường, an sinh xã hội là đóng góp lớn nhất. Vì vậy giai đoạn này, vốn của khu vực công nghiệp, dịch vụ phải bù đắp lại cho nông nghiệp.
Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh nhấn mạnh, cần có các phương án tài chính hợp lý để thu hút đầu tư cho "Tam nông". Cụ thể như phát triển đồng bộ thị trường tài chính, tín dụng vi mô, các sản phẩm tài chính mới và củng cố lại các hệ thống tài chính ở cấp nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ cho Quỹ tín dụng Nhân dân bảo đảm tính an toàn, hiệu quả. Bởi với khu vực "Tam nông", Quỹ tín dụng Nhân dân rất quan trọng, là nơi cấp vốn tương đối bền vững và vốn giá rẻ của hệ thống của các đô thị nông thôn.
Trên thực tế, tăng đầu tư cho khu vực "Tam nông" chính là tăng đầu tư để đào tạo, tri thức hóa nông dân, đào tạo nông dân chuyên nghiệp, thông minh, phát triển hạ tầng bài bản hơn; giúp cho doanh nghiệp kinh doanh theo chuỗi giá trị hợp lý hơn, tạo môi trường nông thôn, môi trường nông nghiệp chuẩn mực.
Chủ động nguồn vốn
Ngày 24.6.2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 101/2023/QH15, trong đó, chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021 - 2023 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2023 của Agribank, tối đa là 17.100 tỷ đồng. Việc tăng vốn giúp Agribank đạt hệ số CAR 8% (Hệ số an toàn vốn) theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Đồng thời, gia tăng giá trị doanh nghiệp cho Agribank, bảo đảm duy trì và phát huy vai trò chủ lực của Agribank trong đầu tư phát triển "Tam nông" và thực hiện các Nghị quyết của Đảng về lĩnh vực này.
Cùng với đó, Agribank triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như lúa gạo, thủy sản. Agribank đã tích cực triển khai các giải pháp điều hành ổn định nguồn vốn, tiết giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và chia sẻ với khách hàng như 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất thông thường, 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên.
Agribank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng, ưu tiên các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy hải sản, nghề muối, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Chương trình tín dụng ưu đãi tài trợ khách hàng xuất, nhập khẩu áp dụng cho doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Chương trình tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản dành cho các pháp nhân, cá nhân có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực lâm sản và thủy sản. Chương trình cho vay tiêu dùng dành cho cán bộ công nhân viên ngành y tế với lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn đến 1,5%/năm so với lãi suất hiện hành, tùy từng thời hạn vay. Chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước có nhu cầu vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống.
Bản thân Agribank cũng luôn chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đến 30.6.2023, Agribank có tổng tài sản hơn 1,9 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,75 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế vượt 1,46 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của Agribank đạt hơn 900.000 tỷ đồng, chiếm 64% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và tiếp tục đứng đầu ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực "Tam nông". Với thực lực này, Agribank đã sẵn sàng phục vụ "Tam nông" trên nấc thang mới.