Gia tăng giá trị lên tầm quốc gia, toàn cầu
Trên cơ sở nhìn nhận những kết quả đã đạt được và hạn chế, vướng mắc, để nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm, Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực, chủ động thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2023 - 2025 với mục tiêu “OCOP là sản phẩm của địa phương nhưng phải gia tăng giá trị lên tầm quốc gia, toàn cầu”; việc “gắn sao đánh giá chất lượng sản phẩm phải là gắn sao trong lòng dân”. Rà soát, kiện toàn tổ chức, quy chế hoạt động Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và cấp huyện. Tổ chức triển khai Chương trình OCOP linh hoạt, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của sản phẩm, phát huy các điều kiện về nguồn nguyên liệu, lao động địa phương, lợi thế về chất lượng sản phẩm.

Cùng với đó, UBND tỉnh sớm xây dựng chuyên trang điện tử về sản phẩm OCOP; tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức truyền thông về Chương trình, sản phẩm OCOP. Chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng, chuẩn hóa sản phẩm OCOP theo 2 hướng: phát triển các sản phẩm đặc trưng, chủ lực, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế của địa phương, ưu tiên phát triển sản phẩm các làng nghề, làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn và các sản phẩm mới dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, có chất lượng nổi trội, đặc sắc và tiềm năng thị trường. Quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, cấp mã số vùng trồng theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Có chính sách khuyến khích hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có sản phẩm phát triển thành sản phẩm OCOP 5 sao.
Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm
Đoàn giám sát cũng kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, giám sát, hướng dẫn các địa phương thực hiện theo Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Trong đó, có một số tiêu chí, điều kiện, quy trình đánh giá có sự thay đổi so với giai đoạn trước, nhất là việc điều chỉnh cơ quan ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao là UBND cấp huyện, tránh tình trạng chạy theo thành tích, không quan tâm tới giá trị cốt lõi của sản phẩm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông, xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua sử dụng các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.
Phát biểu tại buổi giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả thực hiện Chương trình OCOP, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Bích đề nghị, ngành nông nghiệp chú trọng phát triển các sản phẩm tiềm năng gắn với vùng nguyên liệu địa phương. Cần lựa chọn sản phẩm OCOP chủ lực để đầu tư phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt, cần có bộ máy quản lý vận hành chuyên nghiệp cho sản phẩm OCOP, xây dựng mạng lưới cửa hàng trưng bày sản phẩm ở các địa phương. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP, nhất là Liên minh Hợp tác xã tỉnh để nâng cao tỷ lệ chủ thể là hợp tác xã...
Đối với Sở Khoa học và Công nghệ, cần bố trí kinh phí hỗ trợ đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng để bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến, kết nối với thị trường tiêu thụ.
Cùng với đó, UBND các huyện, thị, thành phố căn cứ vào kế hoạch 1366/KH-UBND của UBND tỉnh và điều kiện của địa phương ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2022 - 2025 với các nội dung, mục tiêu phù hợp gắn với lợi thế của địa phương; chú trọng phát triển sản phẩm đặc trưng, chủ lực, làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn. Xác định phát triển sản phẩm OCOP gắn liền với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Có phương án hình thành các sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng, an toàn, thân thiện với môi trường, hướng đến sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn và sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị. Nghiên cứu, xây dựng phát triển 1 - 2 sản phẩm OCOP theo mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm, nông nghiệp sinh thái tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế.