Người dân mong dừng dự án để ổn định cuộc sống
Có lẽ, người dân cả nước nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng vẫn chưa quên sự cố môi trường xảy ra tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra vào năm 2016. Hơn ai hết, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh là những người “thấm” nhất trong câu chuyện thu hút đầu tư bền vững, lâu dài, gắn với bảo vệ môi trường. Không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư bằng mọi giá sẽ là việc được ưu tiên vì “không có cái giá nào vừa đủ” cho việc huỷ hoại môi trường…
Trong chuyến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh mới đây, trước kiến nghị Trung ương sớm có chủ trương chấm dứt Dự án mỏ sắt Thạch Khê của lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Các Bộ, ngành liên quan và tỉnh cần bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 11.6.2022; đánh giá nghiêm túc, khách quan, khoa học, thận trọng, lắng nghe nhau để báo cáo Bộ Chính trị sớm có quyết sách ổn định sinh kế cho người dân và tập trung phát triển kinh tế ở vùng dự án… “Chuyến thăm lần này có ý nghĩa quan trọng, thêm cơ sở để sau này Đảng đoàn Quốc hội sẽ có ý kiến về dự án này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trở lại câu chuyện mỏ sắt Thạch Khê, khi mới triển khai, dự án kỳ vọng sẽ biến tỉnh thuần nông Hà Tĩnh thành một trong những trung tâm công nghiệp nặng của cả nước và là trung tâm khai thác luyện cán thép lớn nhất Việt Nam. Thế nhưng đã hơn 11 năm trôi qua, khi các Bộ, ngành đang bàn cãi việc dừng hẳn hay tiếp tục để mỏ sắt “tái sinh” lần nữa, thì hàng ngàn người dân đã và đang “vắt sức” mong ngóng được giải thoát khỏi sự “ràng buộc” do dự án mang lại… Ông Nguyễn Công Thắng (xã Thạch Đỉnh) bày tỏ: Hiệu quả kinh tế chưa thấy đâu nhưng dự án đã gây nhiều hệ lụy cho bà con. Nếu tiếp tục khai thác thì nơi đây có nguy cơ trở thành “vùng đất chết”. Chúng tôi mong Chính phủ cho dừng dự án để ổn định lại cuộc sống.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo các xã vùng ảnh hưởng dự án đều chung phản ánh: Nhiều lúc bà con hỏi “ai sẽ chịu trách nhiệm?” mà chúng tôi không có câu trả lời. Bởi, dân không có đất sản xuất; môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng; lao động không có việc làm; nhiều gia đình rơi vào cảnh “đi không được, ở cũng chẳng xong”… Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Nguyễn Thị Nguyệt thì chia sẻ, dự án dang dở, các địa phương không thể lập quy hoạch phát triển, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng; đời sống người dân hết sức khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong vùng từ 11-13,7%...
Thực tế, đến thời điểm này, nếu so sánh giữa việc “được và mất” từ dự án mỏ sắt Thạch Khê thì đã quá rõ ràng. Bởi, hệ quả mất là thứ mà địa phương và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phải nhận quá nhiều so với hiệu quả. Nếu như trước đây, người dân chờ đợi khai thác mỏ sắt bao nhiêu thì nay lại mong mỏi Chính phủ sớm ra quyết định dừng dự án bấy nhiêu… Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, nhiều người dân còn bày tỏ: Nếu lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tổ chức trưng cầu dân ý xem có nên dừng hẳn dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê hay không, chắc chắn câu trả lời của 100% người dân nơi đây sẽ là “ủng hộ”!
“Cơm chưa ăn, gạo hãy còn”
Thực tế, sau sự cố môi trường biển, dư luận các tỉnh miền Trung rất nhạy cảm và lo lắng trước một số dự án có quy mô đầu tư vào địa phương. Nhiều ý kiến còn cho rằng, “cơm chưa ăn thì gạo hãy còn”. Khi nào mỏ sắt Thạch Khê được thăm dò, đánh giá khách quan và đầy đủ về các thông số kỹ thuật; khi có công nghệ khai thác hiện đại… thì khai thác cũng chưa muộn.
Theo tìm hiểu, từ trước đến nay trên địa bàn Hà Tĩnh, chưa có một dự án nào nhận được cái “lắc đầu” từ lãnh đạo cho tới người dân như dự án mỏ sắt Thạch Khê… Từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã có hàng loạt báo cáo, kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban kinh tế Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm xem xét chấm dứt dự án. Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải, việc đề xuất chấm dứt dự án dựa trên cơ sở đánh giá một cách khoa học, khách quan của các Bộ, ngành chuyên môn, các chuyên gia, là yêu cầu của phát triển bền vững và là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.
Trong các văn bản gửi Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh đã phân tích và đưa ra nhiều lo ngại, trong đó đặc biệt nhấn mạnh những tiềm ẩn và rủi ro hiện hữu, như: Công nghệ, kỹ thuật khai thác chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động lớn đến môi trường; phương thức vận chuyển quặng khó khả thi; thị trường tiêu thụ quặng sắt chưa chắc chắn; năng lực tài chính không bảo đảm… Bên cạnh đó, dự án khó bảo đảm hiệu quả kinh tế; quá trình thực hiện đã để lại nhiều hệ lụy, khó khăn về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh cho các xã vùng ảnh hưởng trực tiếp.
Mang thông điệp của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tới Hội thảo khoa học do Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tổ chức (23.9) tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phan Thành Biển một lần nữa khẳng định: Việc chấm dứt dự án sẽ bảo đảm được vấn đề môi trường, nhất là môi trường dọc dải ven biển miền Trung; sẽ không đặt ra các vấn đề rủi ro, hệ lụy có thể đe dọa nghiêm trọng; bảo vệ nguồn tài nguyên đến khi đủ điều kiện khai thác hiệu quả; góp phần thực hiện chủ trương, định hướng phát triển xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng… “Sau khi dự án được cấp có thẩm quyền quyết định chấm dứt hoạt động, tỉnh sẽ có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, đơn vị liên quan trong việc xây dựng phương án xử lý tổng thể khắc phục các hệ lụy, tồn tại theo đúng quy định”, ông Biển nhấn mạnh.
Rời Hà Tĩnh - nơi có mỏ sắt được mệnh danh lớn nhất Đông Nam Á khi màn đêm buông xuống, con đường trở lại Hà Nội với chúng tôi dường như xa hơn. Viễn cảnh về dự án được thêu dệt thành một “bức tranh màu nhiệm” tại vùng quê nghèo Thạch Hà, với “lời hứa” người dân hưởng lợi lớn… ngày nào, nay được thay bằng những câu chuyện buồn, những “tiếng thở dài” của bà con…