>> Bài 2: Việt Nam xác lập chủ quyền gần 5 thế kỷ trước
>> Bài 1: Luận cứ lịch sử và pháp lý
Cực Nam của Trung Quốc chỉ đến Hải Nam
Từ năm 1909 trở về trước, trong những tấm bản đồ Trung Quốc, phần cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc chỉ kéo dài đến hết đảo Hải Nam. Có thể kể đến những bản đồ của Trung Quốc được dùng phổ biến trong lịch sử như: Bản đồ Trung Quốc cổ do nhà bản đồ học người Pháp tên Jean - Baptiste Bourguignon d’ Anville vẽ thời Càn Long, xuất bản ở Đức năm 1735. Nhiều bản đồ khác như “Hoàng Thanh nhất thống dư địa bản đồ” xuất bản năm 1894, “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” xuất bản năm 1904, “Trung Quốc địa đồ” xuất bản năm 1908, hay bộ Atlas có tên tiếng Anh là “Atlas of the Chinese Emprise” xuất bản năm 1919, 1933 do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa dân quốc ấn hành phổ biến rộng rãi trên thế giới với 3 thứ tiếng Trung, Anh và Pháp…
Đáng chú ý là bản đồ cổ mang tên “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”, xuất bản mùa xuân năm Giáp Thìn, 1904. Tấm bản đồ cổ có niên đại hơn 100 năm này đã thể hiện sự phát triển của bản đồ học Trung Quốc thời nhà Thanh và nêu rõ cương giới lãnh thổ thuộc chủ quyền của Trung Hoa. Hiện nay, tấm bản đồ cổ đang được lưu trữ trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ông Nguyễn Quốc Hữu, Phó Trưởng phòng trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, đây là tấm bản đồ ứng dụng kỹ thuật trắc địa phương Tây với hệ kinh tuyến, vĩ tuyến chuẩn xác, gần giống bản đồ ngày nay. “Tên bản đồ có ghi chú bằng chữ Trung Quốc và chữ Pháp, do nhà thiên văn người Pháp Stanislaus Chevalier chủ biên, nhà in Từ Gia Hối xuất bản và in tại nhà in Hồng Bảo Trai ở Thượng Hải, Trung Quốc. Bản đồ khẳng định tính chính thống vì được triều đình nhà Thanh giao cho các nhà thiên văn của đài thiên văn quốc gia vẽ các địa danh hành chính thuộc Trung Quốc. Theo bản đồ thì biên giới cực Nam của Trung Quốc chỉ kéo dài đến đảo Hải Nam, không hề nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa”.
![]() Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ |
TS. Mai Ngọc Hồng, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam, người đã hiến tặng “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cho biết, đây là tấm bản đồ nguyên vẹn, chiều ngang 115cm, chiều dọc 140cm. Bản đồ được làm trong 196 năm, bởi những nhà khoa học lớn phương Tây. Người trực tiếp chỉ đạo là 6 đời vua Thanh. Đặc biệt, lời dẫn trên bản đồ có ghi: “Nếu ta chỉ mắc một lỗi thì không biết lấy gì đền đáp lại cách nhìn của hàng vạn con mắt người đời (pháp nhãn)”, cho thấy tính khoa học, ràng buộc pháp lý chắc chắn. “Người Trung Hoa chỉ thừa nhận đất của mình đến đấy (Hải Nam) thì làm gì có Hoàng Sa, Trường Sa” - TS. Mai Ngọc Hồng nói.
“Paracels… không thuộc Trung Quốc”
Bên cạnh bản đồ, nhiều tác phẩm, tài liệu, bản ghi cho thấy Trung Quốc từng phủ nhận chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cuốn Phủ Biên tạp lục, ngoài những căn cứ khẳng định chủ quyền của chính quyền chúa Nguyễn trên hai quần đảo, Lê Quý Đôn còn cho biết chi tiết quan chức nhà Thanh thừa nhận chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Ông viết: “Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương, Quỳnh Châu (Hải Nam, Trung Quốc) gửi cho Thuận Hóa nói rằng: năm Kiền Long (Càn Long) thứ 18 (1753) có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh đội Cát Liềm (có thể là Cát Vàng, tức đội Hoàng Sa) huyện Chương Nghĩa, phủ Quảng Ngãi, nước An Nam, ngày tháng 7 đến Vạn Lý Trường Sa tìm kiếm các thứ. Có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, dạt vào cảng Thanh Lan, quan ở đấy xét thực, đưa trả về nguyên quán. Nguyễn Phúc Chu sai cai bạ Thuận Hóa là Thức Lượng Hầu làm thư trả lời”. Như vậy là chính quyền Quỳnh Châu sau khi biết rõ 2 người Việt là lính đang thực thi nhiệm vụ ở Hoàng Sa, chẳng những đã không gây khó dễ hoặc trừng trị như đối với kẻ “xâm phạm chủ quyền quốc gia”, mà còn tạo điều kiện để trở về nước. Thời điểm đó là giữa thế kỷ XVIII.
Năm 1895 - 1896, tại khu vực quần đảo Hoàng Sa xảy ra hai vụ đắm tàu. Một của Đức, con tàu mang tên Bellona và một của Nhật, tàu Imegi Maru. Cả hai tàu này đều mua bảo hiểm của Anh. Khi nghe tin dân Trung Quốc thừa cơ tàu bị nạn đã ra cướp bóc, công ty bảo hiểm và đại diện chính phủ Anh ở Trung Quốc đã yêu cầu phía Trung Quốc phải có trách nhiệm, nhưng họ từ chối với lý do: “… Paracels… không thuộc Trung Quốc… chúng không được sáp nhập về hành chính vào bất kỳ quận nào của Hải Nam…”. Như thế, đến tận cuối thế kỷ XIX, nhà chức trách ở vùng đất cực Nam của Trung Quốc hoàn toàn chưa có ý tưởng gì về chủ quyền của họ đối với Hoàng Sa (gần Trung Quốc hơn) chứ chưa nói đến Trường Sa (ở rất xa Trung Quốc).
Liên quan đến sự kiện này, học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa (Trung tâm Thông tin Hải dương Trung Quốc) nói trong tham luận tại một hội thảo khoa học: “Nói đến quyền lợi ở Nam Hải, chúng ta (Trung Quốc) thường thích nói một câu là: Từ xưa đến nay thế này thế nọ, có lúc hứng lên còn thêm vào hai chữ “thiêng liêng”… nhưng chứng cứ thật sự có sức thuyết phục chính là sự kiểm soát thực tế. Anh nói chỗ đó là của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa? Người ở đó có phục tùng sự quản lý của anh không? Có phải người khác không có ý kiến gì không? Nếu đáp án của những câu hỏi này đều là “có” thì anh thắng là điều chắc. Ở “Nam Sa” (tức Trường Sa của Việt Nam) chúng ta đã không có được điều đó…”.
“Đất của Thiên triều đến đây là hết”
Vào thời nhà Thanh (đời Hàm Phong hoặc Đồng Trị), có một chiếc tàu Pháp chở đồng đi qua vùng biển Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam) thì gặp cướp biển, bị cướp sạch. Theo quy tắc vận tải hàng hóa trên biển, họ phải đến gặp chính quyền sở tại để trình báo, đề nghị giúp đỡ đồng thời xin xác nhận làm bằng cứ để khi về báo cáo và đòi bảo hiểm bồi thường. Viên thuyền trưởng đưa tàu chạy đến cảng gần nhất là Du Lâm ở đảo Hải Nam, trình báo với tri phủ địa phương. Viên quan địa phương đó nói với thuyền trưởng rằng: “Nơi chúng ta đứng đây có tên là Thiên Nhai Hải Giác (chân trời góc biển). Đất của Thiên triều đến đây là hết rồi. Chuyện ông bị cướp ngoài biển biết là chỗ nào? Ông bị cướp, chúng tôi không chịu trách nhiệm, không quản được và cũng không muốn quản”. Thế rồi tống cổ vị thuyền trưởng bị cướp ra khỏi nha môn. Viên thuyền trưởng đành phải cho tàu chạy vào cảng Hải Phòng. Quan chức địa phương ở đó xác nhận cho ông ta, lại còn cho tàu ra chạy vòng vòng, coi như đã truy bắt cướp.
Phân tích tài liệu này, GS. TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: Đó chính là chứng cứ về kiểm soát và quản lý thực tế. Chứng cứ này nói lên một điều: Chính phủ Trung Quốc ngay từ thời nhà Thanh đã không thừa nhận cái gọi là Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam) là lãnh thổ của mình, cũng không đảm trách công tác trị an ở đó. Còn chính quyền Việt Nam khi đó không những đã khẳng định Hoàng Sa là lãnh thổ của mình, mà còn thực thi công tác giữ gìn trật tự ở đó. Điều đó chẳng phải đã chứng minh Hoàng Sa từ xưa đến nay thuộc về Việt Nam hay sao?