Điều này được được quy định tại Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tại Hà Nội, việc tuân thủ phân loại rác thải vẫn mang tính cục bộ ở một số quận, huyện, xã, phường. Hiện nay, phần lớn người dân còn hiểu chưa đầy đủ về quy định thu gom xử lý rác theo số lượng/khối lượng hay việc sử dụng túi với kích cỡ, màu sắc như thế nào là đúng quy định. Chính vì thế, việc thực hiện những quy định này còn gặp nhiều khó khăn.
Tại Hà Nội, phân loại rác thải sinh hoạt đã bắt đầu được quan tâm trong vài năm trở lại đây. Đặc biệt, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành cùng sự đồng hành của doanh nghiệp, nhiều nơi đã xây dựng và hình thành được một số mô hình điểm về phân loại rác thải sinh hoạt, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, tạo động lực thay đổi hành vi, thực hiện phân loại rác và bỏ rác đúng nơi quy định.
Khởi sắc từ một Dự án…
Nhằm giải bài toán môi trường và rác thải theo hướng tiên tiến, hiện đại và tiết kiệm tài nguyên, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, ngay từ tháng 4.2021, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) và Liên minh Tái chế bao bì (Pro Việt Nam) đã ký Biên bản ghi nhớ về quản lý, phân loại rác thải tại nguồn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Theo đó, ngày 10.6.2021, thực hiện Biên bản ghi nhớ, URENCO và Pro Việt Nam đã ký Hợp đồng hợp tác “Dự án quản lý, phân loại rác thải tại nguồn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trên địa bàn Thành phố Hà Nội”. Đối tượng mà Dự án hướng tới là người dân trên địa bàn TP. Hà Nội, tập trung làm điểm tại 5 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm.
Theo đại diện URENCO, với Dự án này, URENCO đặt kỳ vọng sẽ dần thay đổi nhận thức về rác của người dân, tạo động lực thay đổi hành vi, thực hiện phân loại rác và bỏ rác đúng nơi quy định; thúc đẩy và nhân lên các mô hình phân loại rác tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tái chế trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội; tiến tới góp phần thay đổi diện mạo thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, phát triển bền vững trong xu hướng phát triển chung của thế giới.
Để thực hiện mục tiêu trên, URENCO đã xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể dựa trên nghiên cứu địa bàn, đặc điểm dân cư, tình hình kinh tế - xã hội… của 5 quận thí điểm. Trong đó, xây dựng và triển khai kế hoạch truyền thông; tập huấn tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức; hướng dẫn phương pháp phân loại rác tại nguồn; xây dựng mạng lưới kết nối giữa các đơn vị thu gom vận chuyển, đơn vị tái chế trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn; nghiên cứu, đề xuất với các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý nhằm tạo ra các cơ chế khuyến khích và điều kiện thị trường thuận lợi đối với chất thải tái chế…
Dự án được thực hiện trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn TP. Hà Nội. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho Nhân dân và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh lây lan trên diện rộng, Hà Nội đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế tập trung đông người.
Đây là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ thực hiện tuyên truyền phân loại rác trên địa bàn thành phố Hà Nội, bởi một trong những điều kiện dẫn tới thành công của công tác truyền thông, tuyên truyền là tổ chức sự kiện đông người để khích lệ thông qua việc đổi rác lấy quà, lan tỏa thông điệp và trực tiếp hướng dẫn thực hành.
Tuy nhiên, URENCO đã chủ động nắm bắt tình hình, triển khai kế hoạch chương trình với biên độ thời gian mở, chuyển đổi hình thức tuyên truyền và duy trì trong đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Đơn cử như tổ chức các Ngày Hội tái chế nhằm tuyên truyền giới thiệu mục đích, ý nghĩa của Dự án.
Trước thời điểm dịch diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội, một số sự kiện truyền thông đã được thực hiện tại các cơ quan, trường học, thu hút hàng nghìn người tham gia. Đặc biệt, giữa những đợt giãn cách, URENCO đã tranh thủ tổ chức các hoạt động duy trì công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp…Nhờ đó, mà trong năm 2021, hoạt động phân loại rác trên địa bàn 5 quận thí điểm đã duy trì thường xuyên và thu được nhiều kết quả tốt đẹp với con số 2.000 tấn rác.
Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, URENCO vẫn tiếp tục duy trì các phương án thực hiện phân loại rác trên địa bàn Hà Nội. Trước mắt, mục tiêu đặt ra là khoảng 95.000 hộ dân 5 quận thuộc dự án (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm) và 3.000 đơn vị cơ quan, nhà hàng siêu thị trên địa bàn 3 quận (Ba Đình, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm) tiếp cận dự án phân loại rác; thu gom đạt 4.010 tấn (trong đó bao gồm 1.360 tấn nhựa, 156 tấn kim loại, 2.332 tấn giấy, 162 tấn vỏ hộp sữa).
… tới điểm sáng trong thu gom, phân loại
Huyện Đông Anh là một trong những địa phương của Hà Nội triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn một số xã. Với sự đồng hành của Chi cục Môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), sự hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp và sự vào cuộc nghiêm túc của người dân, đến nay, Đông Anh đã hình thành một mô hình phân loại điểm với việc 100% các hộ dân của 28/28 xã thực hiện phân loại rác, thực hiện chế ủ rác hữu cơ thành phân bón ruộng và tự kiểm toán rác khi giao nộp cho đơn vị thu gom.
Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh, năm 2021, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh là 227 tấn/ngày; trong khi đó, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trong năm 2020 là 239 tấn/ngày. Tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh năm 2021 thấp hơn so với năm 2020 khoảng hơn 12 tấn/ngày do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình.
Kết quả kiểm kê từ hộ gia đình cho thấy, việc xử lý rác tại nhà, đặc biệt là rác hữu cơ từ nhà bếp đã giúp giảm khoảng 50 - 70% khối lượng rác của mỗi hộ gia đình trước khi đổ. Khi tiến hành kiểm kê rác 9 xã tại huyện Đông Anh (với 309 hộ gia đình), lượng rác hữu cơ được phân loại xử lý tại hộ gia đình là 59%, rác tái chế thu gom cho ve chai 12% và rác còn lại để đổ là 29%. Nhiều hộ gia đình ở huyện Đông Anh đã quen với việc phân loại rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ và rác thải tái chế để có hướng xử lý với từng loại rác.
Quận Hoàn Kiếm cũng là một trong những điểm sáng về phân loại rác thải. Được biết, ngay từ năm 2020 và 2021, các hoạt động tuyên truyền phân loại rác tại nguồn được tổ chức phối hợp với hoạt động đổi rác lấy quà. Sự quan tâm của chính quyền địa phương, tinh thần tích cực phối kết hợp tổ chức sự kiện của các cơ quan, đơn vị và sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của người dân đã mang lại động lực cho bản thân người tham gia cũng như công nhân môi trường - những người làm công tác thu gom hàng ngày.
Để làm được điều này, công tác tuyên truyền đã được quận Hoàn Kiếm thực hiện tới 18 phường với 132 tổ dân phố, Bí thư Chi bộ, các trưởng ngành, đoàn thể, tuyên truyền đến toàn thể các hộ dân, đặc biệt là các hộ kinh doanh trên địa bàn quận và người thu gom rác tự do… Nhờ vậy, ý thức phân loại rác tại nguồn của người dân Hoàn Kiếm đã ngày một nâng lên.
Để hiện thực hóa mục tiêu 100% rác thải sinh hoạt được phân loại, Quận Hoàn Kiếm đang triển khai dự án “Mô hình Kinh tế tuần hoàn rác thải dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm” do UBND quận Hoàn Kiếm, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng và Dow Việt Nam phối hợp thực hiện, đã được triển khai từ tháng 5.2022 và kéo dài tới hết tháng 6.2022.
Trải qua khoảng thời gian ngắn tổ chức thí điểm tại 6 phường Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Trống, Cửa Đông và Phúc Tân, mô hình đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Sau 1 tháng triển khai, đã có 5.400 hộ gia đình được tuyên truyền và hướng dẫn, gần 5.000 hộ được ghi nhận đã tham gia phân loại rác thải tại nguồn. Kết quả, 4.200kg rác thải nhựa giá trị thấp cũng đã được phân loại, riêng tại phường Hàng Đào đã ghi nhận được gần 700kg rác thải nhựa giá trị thấp sau thời gian triển khai.
Đại diện UBND Quận Hoàn Kiếm cho biết, bên cạnh các biện pháp mà dự án đang thực hiện, thời gian tới, cần tổ chức tốt công tác thông tin truyền thông, giáo dục vận động tuyên truyền để thay đổi nhận thức, tạo chuyển biến trong thái độ, hành vi hàng ngày của người dân và các bên liên quan trong toàn bộ dây chuyền quản lý rác thải. Qua đó, xây dựng được ý thức và hình thành được thói quen trong mỗi gia đình và ngoài cộng đồng.