Chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ: Tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế

Bài 1: Còn bỏ ngỏ

Chăm sóc sức khỏe người lao động là nhân tố quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Dù đã được quy định rõ trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhưng trên thực tế, việc chăm sóc sức khỏe cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn còn những khoảng trống trong tiếp cận dịch vụ y tế.

Thiếu thông tin, thiếu kỹ năng, dẫn đến việc nhiều công nhân trẻ hiện nay quan hệ tình dục không an toàn, mang thai và sinh con ngoài ý muốn; nạo phá thai, đặc biệt là nạo phá thai trong những điều kiện không an toàn phải gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề về tâm lý, sức khoẻ… Vậy nhưng, hiện việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe của lao động nữ, nhất là chăm sóc sức khỏe sinh sản lại chưa được quan tâm đúng mức từ chính những người lao động.

Khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ_ ITN
Khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ
Nguồn: ITN

Khám sức khỏe định kỳ: Còn xa lạ

Chăm sóc sức khỏe cho người lao động nói chung và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ là quy định bắt buộc và được quy định cụ thể tại Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015. Cụ thể, hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động. Đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần. Bên cạnh đó, lao động nữ phải được khám thêm chuyên khoa phụ sản.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ vẫn chưa được nhìn nhận và quan tâm đúng mức. Đáng nói, ngay chính bản thân lao động nữ cũng vẫn còn chủ quan và chưa thực chú trọng đối với việc thăm khám định kỳ sức khỏe sinh sản của bản thân.

“Tôi làm việc ở công ty gần 10 năm nay, thấy thi thoảng công ty cho đi khám định kỳ, có lần tôi tham gia, có lần không vì cũng bận trực và làm thêm giờ. Nhiều khi bị viêm nhiễm, đau đầu, chóng mặt lúc đó mới chạy ra hiệu thuốc mua thuốc để uống. Biết là việc thăm khám sức khỏe, nhất là sức khỏe sinh sản là rất quan trọng nhưng điều kiện kinh tế eo hẹp nên cũng chỉ biết lao vào kiếm tiền, chị Nguyễn Thị Th, công nhân khu công nghiệp Đông Anh, Hà Nội chia sẻ.

Tương tự, chị Nguyễn Thị H là công nhân tại khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên)chia sẻ, “hơn 3 năm nay tôi làm ở công ty nhưng chưa thấy công ty cho người lao động đi khám sức khỏe. Trong khi lao động nữ như chúng tôi thường hay bị mắc những bệnh phụ nữ khó nói. Làm công nhân lương chả được là bao nên ngoại trừ bị đau ốm nặng mới đi bệnh viện khám. Nếu đi khám sức khỏe định kỳ thì chỉ trông chờ công ty cho đi chứ chúng tôi lấy đâu ra tiền để đi khám”.

Kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện Khoa học Môi trường và Xã hội cho thấy, lao động nữ hiện chiếm tỷ lệ lớn tại các khu công nghiệp. Hầu hết, lao động nữ nằm trong độ tuổi dưới 35, là độ tuổi lập gia đình, sinh con. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân nữ là rất cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế không phải công ty nào cũng tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về chế độ chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Trong khi, công nhân nữ dễ mắc các bệnh lý về đường sinh sản, dễ chịu tác động từ các môi trường làm việc độc hại; dễ chịu các tổn thương về sức khỏe do nạo phá thai, các bệnh tình dục lây nhiễm…

Theo quy định, thời gian khám bệnh định kỳ được tính lương Nguồn: ITN
Theo quy định, thời gian khám bệnh định kỳ được tính lương
Nguồn: ITN

Từ việc lao động nữ thiếu hiểu biết về các biện pháp tránh thai dẫn đến tình trạng nạo phá thai chui tràn lan; nhiều đứa trẻ đẻ ra bị bỏ rơi. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bản thân lao động nữ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và trí tuệ của con cháu họ. Hơn nữa, do kinh tế eo hẹp, thiếu hiểu biết về chính sách bảo hiểm y tế cũng là những rào cản khiến cho lao động nữ di cư không tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Hệ thống y tế khu công nghiệp chưa đáp ứng

Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy, nhiều đơn vị khám sức khỏe cho người lao động rất hình thức, không đủ điều kiện để phát hiện bệnh tật, chỉ phân loại sức khỏe công nhân. Việc khám sức khỏe chỉ dừng lại ở những kiểm tra đơn thuần như: Huyết áp, các bệnh ngoài da, răng, miệng… Riêng khám chuyên sâu về sức khỏe sinh sản và các bệnh phụ khoa, truyền nhiễm hầu như không có. Lý do doanh nghiệp đưa ra, đây là vấn đề tế nhị, công nhân ngại không yêu cầu. Cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe cho nữ công nhân lao động ở doanh nghiệp còn rất hạn chế so số lượng lao động nữ. Có nơi, chỉ có một cán bộ kiêm nhiệm thực hiện công tác cấp phát thuốc thông thường và xử lý các trường hợp sơ cứu...

Thực tế, mặc dù số lượng lao động tại các khu công nghiệp rất lớn nhưng mới chỉ có 64,6% số khu công nghiệp là có phòng khám bệnh. Trong đó, các cơ sở đảm bảo về quy mô và chất lượng khám bệnh lại càng ít. Số lượng các cơ sở chăm sóc sức khỏe mới chỉ đáp ứng được 34.9% nhu cầu của người lao động. Tình trạng chung của các cơ sở khám bệnh tại các khu công nghiệp là nghèo nàn về trang thiết bị, máy móc; nhân sự không đáp ứng về cả số lượng cũng như chuyên môn; chỉ giải quyết một số trường hợp bệnh đơn giản. Do đó, khi xảy ra các tình huống bất thường như dịch bệnh, ngộ độc tập thể, tai nạn lao động tập thể… các cơ sở này khó có thể ứng phó, xử lý tình huống.

Theo điều tra gần đây của Viện Công nhân, Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), qua hồ sơ khám sức khỏe của công nhân cho thấy, một số bệnh người lao động mắc phải thường liên quan điều kiện lao động, như: Hội chứng đau hông, lưng, bả vai, thoái hóa đốt sống cổ do tư thế ngồi làm việc nhiều giờ; hiện tượng khung xương chậu hoạt động kém do ngồi nhiều cho nên thường phải mổ đẻ.

Xã hội

Hà Nội: Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vận hành thử nghiệm từ 1.12.2024
Môi trường

Hà Nội: Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vận hành thử nghiệm từ 1.12.2024

Thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội cho biết, gói thầu số 1 xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính cơ bản đã hoàn thành và đưa vào vận hành thử vào ngày 1.12 tới.

Các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: Lăng Dành
Xã hội

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nắm bắt tình hình

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thành lập trên 2.100 Tổ Dân vận cộng đồng ở 100% thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nắm tình hình và đề xuất các cấp ủy Đảng, chính quyền giải quyết những vấn đề liên quan đến người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các tổ dân vận đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong nắm bắt tình hình thông qua thành lập các nhóm Zalo “Tổ Dân vận nòng cốt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Tổng kết dự án tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số
Xã hội

Tổng kết dự án tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 22.11, tại Thành phố Điện Biên Phủ, World Vision International tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án "Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên" (IREM). Dự án do Liên minh cứu trợ Đức (ADH) tài trợ và được triển khai bởi World Vision trong 14 tháng (10.2023-11.2024).