Bác sĩ cảnh báo các biến chứng và tác nhân gây ung thư phổi

Những biểu hiện ban đầu có thể nhận thấy của ung thư phổi là: Ho kéo dài; Ho có đờm hoặc máu; Đau ngực trầm trọng hơn khi thở sâu, cười hoặc ho; Khàn tiếng; Hụt hơi; Thở khò khè; Suy nhược và mệt mỏi; Chán ăn dẫn đến sụt cân..

Ung thư phổi tăng trưởng không kiểm soát

Theo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chỉ chiếm khoảng 12%, những bệnh ung thư phổi cấp tính có tỷ lệ tử vong rất cao, với 28% trong số các ca tử vong do ung thư nói chung.

Tại Việt Nam, ung thư ở cơ quan này đứng ở vị trí thứ 2 (sau gan) trong top các loại thường gặp ở cả hai giới. Đáng ngại là tỷ lệ người mắc căn bệnh đáng sợ này ngày càng gia tăng, kéo theo số người tử vong cũng rất cao.

Trong bài phân tích về ung thư phổi, PGS.TS Phạm Hữu Lư, Phó Trưởng khoa Ngoại Tim mạch và Lồng Ngực & ThS. Nguyễn Xuân Vinh, Điều dưỡng Trưởng Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện HN Việt Đức cho biết, ung thư phổi là tình trạng tăng trưởng không kiểm soát của các tế bào bất thường ở một hoặc cả hai phổi, thường là các tế bào thuộc lớp niêm mạc của đường thở.

Những tế bào bất thường này không phát triển thành mô phổi khỏe mạnh mà phân chia nhanh chóng và hình thành các u gây cản trở chức năng phổi. Bệnh xảy ra khi một khối u ác tính hình thành trong phổi, phát triển nhanh về kích cỡ dẫn tới xâm lấn, chèn ép các cơ quan xung quanh.

U phổi (đường hô hấp) ác tính thành hai loại chính dựa trên sự xuất hiện của các tế bào khối u thư dưới kính hiển vi. Cụ thể:

Ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC), chiếm 80 – 85% tổng số trường hợp mắc bệnh. Đây là thuật ngữ chung để chỉ một số loại u phổi ác tính, bao gồm ung thư biểu mô tế bào vảy, biểu mô tuyến và biểu mô tế bào lớn.

Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) chiếm khoảng 15 – 20% các trường hợp. Loại này hầu như chỉ xảy ra ở những người nghiện thuốc lá nặng và ít phổ biến hơn so với ung thư không tế bào nhỏ. 

Ngoài ra, vẫn có trường hợp có thể xuất hiện các khối u phổi lành tính. U lành về cơ bản có sự khác biệt rất lớn với u ác tính (tế bào ung thư). Tuy nhiên, để có thể xác định chính xác tính chất của khối u, vẫn cần có các phương pháp chẩn đoán khoa học và chính xác từ các bác sĩ, chuyên gia y tế.

ảnh chụp màn hình (282).png -0
Các giai đoạn của bệnh u phổi ác tính (Ảnh: BVCC)

Các giai đoạn của bệnh u phổi ác tính

Theo các nghiên cứu, chỉ có khoảng 30% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ được chẩn đoán ở giai đoạn sớm (giai đoạn I, II) và 70% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn (giai đoạn III, IV).

PGS.TS Phạm Hữu Lư cho biết, dù đã có nhiều bước tiến trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi, tuy nhiên ung thư phổi vẫn có tiên lượng xấu và tỉ lệ sống thêm 5 năm thấp.

Theo đó, ung thư không tế bào nhỏ được chia thành 4 giai đoạn, tượng trưng cho mức độ di căn của các tế bào u ác tính. Do bệnh không gây ra các triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu, nên bệnh thường chỉ được chẩn đoán khi các tế bào khối u đã lan rộng.

Bốn giai đoạn của ung thư phổi không tế bào nhỏ gồm:

- Giai đoạn 1: Tế bào ung thư được tìm thấy trong phổi, nhưng chúng chưa lan ra ngoài phạm vi này

- Giai đoạn 2: Tế bào xuất hiện ở phổi và các hạch bạch huyết lân cận

- Giai đoạn 3: Tế bào được tìm thấy trong phổi và các hạch bạch huyết ở giữa ngực:

+ Giai đoạn 3A: Tế bào ung thư có trong các hạch bạch huyết, nhưng chỉ ở cùng bên ngực nơi những tế bào ác tính đầu tiên xuất hiện;

+ Giai đoạn 3B: Ung thư lan sang các hạch bạch huyết ở bên ngực đối diện, hoặc đến các hạch bạch huyết trên xương đòn.

-Giai đoạn 4: Ung thư giai đoạn cuối lan rộng cả hai phổi, sang khu vực xung quanh vị trí này hoặc đến các cơ quan ở xa.

Trong khi đó, ung thư phổi tế bào nhỏ có 2 giai đoạn chính:

- Giai đoạn hạn chế: Tế bào ung thư chỉ xuất hiện ở một bên phổi hoặc các hạch bạch huyết lân cận ở cùng bên ngực. 

- Giai đoạn mở rộng: Các khối u ác tính đã lan rộng; Khắp một lá phổi; Đến phổi đối diện; Đến các hạch bạch huyết ở phía đối diện; Lan ra chất lỏng xung quanh phổi; Đến tủy xương; Đến các cơ quan ở xa. 

Thống kê cho thấy tại thời điểm chẩn đoán, 2 trong số 3 người mắc ung thư tế bào nhỏ đã ở giai đoạn mở rộng.

Những dấu hiệu ung thư phổi thường gặp

Theo PGS.TS Phạm Hữu Lư, về cơ bản, các triệu chứng của 2 loại u phổi ác tính này là tương tự nhau. Những biểu hiện ban đầu có thể nhận thấy thường là: Ho kéo dài; Ho có đờm hoặc máu; Đau ngực trầm trọng hơn khi thở sâu, cười hoặc ho; Khàn tiếng; Hụt hơi; Thở khò khè; Suy nhược và mệt mỏi; Chán ăn dẫn đến sụt cân.

Ở giai đoạn đầu, người bệnh cũng có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp tái phát như viêm phổi hoặc viêm phế quản kèm theo. Khi khối u lan rộng, một loạt triệu chứng khác sẽ xuất hiện, phụ thuộc vào vị trí khối u mới hình thành.

Cụ thể, nếu khối u xuất hiện ở:

-Hạch bạch huyết: người bệnh có hiện tượng nổi u, đặc biệt ở cổ hoặc xương đòn;

-Xương: người bệnh cảm thấy đau xương, nhất là ở lưng, xương sườn hoặc hông;

-Não hoặc cột sống: triệu chứng có thể là nhức đầu, chóng mặt, dễ mất thăng bằng hoặc tê tay/chân;

-Thực quản: gây khó nuốt;

-Gan: người bệnh bị vàng da và mắt.

Các khối u xuất hiện trên đỉnh phổi có thể gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở mặt, dẫn đến tình trạng sụp mí mắt, đồng tử nhỏ, không đổ mồ hôi ở một bên mặt, đau nhức vai.

Những triệu chứng này được gọi là hội chứng Horner. Nếu khối u đè lên tĩnh mạch lớn làm nhiệm vụ vận chuyển máu giữa đầu, cánh tay và tim sẽ dẫn đến tình trạng sưng mặt, cổ, ngực trên và cánh tay.

Ngoài ra, đôi lúc tế bào ung thư phổi còn khiến cơ thể tạo ra một chất tương tự như hormone, gây nên một loạt triệu chứng gọi là hội chứng paraneoplastic, bao gồm: Yếu cơ; Buồn nôn và nôn; Giữ nước trong cơ thể; Huyết áp cao; Đường huyết cao; Lú lẫn; Co giật; Hôn mê.

Đồng thời, các triệu chứng lâm sàng của ung thư phổi thường không đặc hiệu nên dễ bị bỏ qua, do đó ung thư phổi thường được phát hiện muộn.

Nguyên nhân gây ra ung thư phổi

Các bác sĩ chỉ ra nguyên nhân dẫn đên ung thư phổi, trong đó môi trường không khí ô nhiễm chính là tác nhân hàng đầu gây ra các khối u ác tính.

Khói thuốc lá: Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), những người hút thuốc lá có khả năng mắc u hô hấp cao gấp 15 – 30 lần so với những ai không hút.

Khi khói thuốc lá vào cơ thể, nó sẽ bắt đầu làm tổn thương mô phổi, việc hít khói thuốc mỗi ngày sẽ dần dần khiến nó mất đi khả năng tự chữa lành tổn thương.

Một khi các tế bào phổi bị tổn thương, chúng sẽ bắt đầu hoạt động một cách bất thường, làm tăng khả năng phát triển khối u ác tính ở đường hô hấp. Đây là lý do ung thư ở phổi tế bào nhỏ hầu như luôn liên quan đến việc hút thuốc nhiều. Chỉ khi ngừng hút thuốc, bạn mới giảm thiểu được nguy cơ mắc bệnh theo thời gian.

Tiếp xúc với Radon: Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, nguyên nhân thứ hai dẫn đến khối u ở vùng phổi là người bệnh tiếp xúc với radon – một loại khí phóng xạ tồn tại trong tự nhiên. Radon xâm nhập vào các tòa nhà thông qua những vết nứt nhỏ trên nền móng. Những người vừa hút thuốc lá vừa tiếp xúc với khí radon có nguy cơ bị ung thư rất cao.

Hấp thụ các khí độc hại: Việc hít thở các chất độc hại khác trong thời gian dài sẽ dẫn đến xơ phổi. Nguy cơ mắc khối u ác tính của bạn sẽ tăng gấp 7 lần nếu hiện tượng phổi bị xơ hóa tiến triển. Một số chất được coi là tác nhân gây bệnh bao gồm silic, amiăng, thạch tín, cadimi, crom, niken, uranium…

Biến đổi trong gen di truyền: Nguyên nhân thứ tư, các đột biến gen di truyền cũng làm tăng nguy cơ u ác tính. Nguy cơ này tăng lên nếu người mắc bệnh là người nghiện thuốc lá hoặc tiếp xúc với các chất gây u ác tính khác.

Trải qua quá trình xạ trị: Nếu đã trải qua quá trình xạ trị vùng ngực vì một loại ung thư khác, khả năng phát triển thành u ác tính ở hệ hô hấp là có thể xảy ra.

Biến chứng của bệnh u phổi ác tính: Ung thư ở đường hô hấp có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:

Khó thở: Những bệnh nhân u phổi sẽ bị khó thở nếu tế bào ác tính phát triển làm tắc nghẽn các đường hô hấp chính. Ung thư phổi cũng khiến chất lỏng tích tụ xung quanh phổi, làm cơ quan này khó giãn nở hoàn toàn khi hít vào.

Ho ra máu: Bệnh có thể gây chảy máu trong đường hô hấp, khiến bệnh nhân gặp tình trạng ho ra máu.

Tràn dịch màng phổi: Hiện tượng này được lý giải là do chất lỏng tích tụ quá mức trong khoang màng phổi, tràn ra cả không gian bao quanh phổi. Hệ quả là đôi lúc bệnh nhân cảm thấy khó thở.

Di căn: Khối u di căn đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như não và xương, khiến những bộ phận này bị tổn thương nặng nề, gây ra những cơn đau đớn, buồn nôn cùng các triệu chứng khác tùy thuộc vào cơ quan bị ảnh hưởng.

Một khi khối u này đã lan ra ngoài phổi, bệnh thường không thể chữa khỏi. Mọi phương pháp điều trị chỉ nhằm làm giảm các triệu chứng, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

Hiện nay các phương pháp điều trị ung thư phổi bao gồm: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và điều trị đích. Xu hướng chung điều trị ung thư phổi là điều trị đa mô thức. Việc lựa chọn và kết hợp các phương pháp điều trị phụ thuộc vào týp mô bệnh học và giai đoạn bệnh.

Những trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, phẫu thuật là biện pháp lựa chọn hàng đầu cho kết quả điều trị tốt với tỉ lệ sống thêm sau 5 năm đạt 50 – 70%.

Sức khỏe

Người phụ nữ bỏng nặng khi đi giác hơi
Sức khỏe

Người phụ nữ bỏng nặng khi đi giác hơi

Trong lúc thực hiện phương pháp giác hơi để giảm bớt căng thẳng, bà T.T.T., 54 tuổi, ở Long An đã gặp phải sự cố bị cồn nóng đổ vào người. Cồn bắt lửa, bốc cháy, gây bỏng nặng vùng lưng và bụng.

Người đàn ông nguy kịch vì vi khuẩn gây bệnh Whitmore "tấn công"
Sức khỏe

Người đàn ông nguy kịch vì vi khuẩn gây bệnh Whitmore "tấn công"

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị một trường hợp nguy kịch vì bệnh Whitmore. Bệnh nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ô nhiễm, kết hợp với nền bệnh lý đái tháo đường không kiểm soát, đã tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh.

Các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn núp bóng spa ở Hà Tĩnh: Đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở ngành có liên quan!
Sức khỏe

Các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn núp bóng spa ở Hà Tĩnh: Đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở ngành có liên quan!

Sở Y tế Hà Tĩnh khẳng định những cơ sở thẩm mỹ Minh Tuyết, Mậm Spa, Trinh Tây Spa chưa được các cơ quan có chức năng cấp phép thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn. Các cơ sở thường thực hiện dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn lén lút, cảnh giác cao nên rất khó để xử lý, đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở ngành có liên quan.

Cô giáo tiểu học tìm hạnh phúc làm mẹ sau 7 năm hiếm muộn
Sống khỏe

Cô giáo tiểu học tìm hạnh phúc làm mẹ sau 7 năm hiếm muộn

Trên hành trình tìm con đơn độc của vợ chồng cô giáo Bùi Thị Giang (1988, quê Ninh Bình), chưa bao giờ họ muốn bỏ cuộc, cho dù đa số thời gian người chồng công tác xa, không thể chăm sóc động viên vợ mình. Nhưng chính sự yêu thương chân thành đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn để giờ đây mái ấm nhỏ tràn ngập tiếng cười nói của 3 cô con gái đáng yêu.