Chiều 17.4, Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm cho thanh niên trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2022. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Văn Hạ chủ trì cuộc làm việc.
Báo cáo Đoàn công tác, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Trần Văn Hà cho biết, những năm gần đây, Bắc Giang là địa phương có hiệu quả thu hút đầu tư thuộc nhóm dẫn đầu cả nước; nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất lớn.
Giai đoạn 2020 - 2022, tổng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là trên 100 nghìn lao động, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp có quy mô lớn trong khu, cụm công nghiệp. Vì thế, lao động của địa phương có nhiều cơ hội việc làm, bảo đảm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Công tác giải quyết việc làm được chính quyền địa phương các cấp quan tâm thực hiện lồng ghép trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm tại chỗ của địa phương. Giai đoạn 2020 - 2022, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 101.100 lao động (đạt 107,9% kế hoạch giai đoạn này), trong đó lao động thanh niên chiếm trên 80%, cơ bản giải quyết việc làm cho lực lượng lao động mới tham gia thị trường lao động và có nhu cầu tìm kiếm việc làm của địa phương.
Việc hợp tác, thỏa thuận, ký kết hợp đồng giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp được chú trọng. Nhờ đó, trên 90% người tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp và trên 80% người tốt nghiệp trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên có việc làm phù hợp.
“Đối với trình độ cao đẳng của một số ngành nghề trọng điểm như điện tử công nghiệp, cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô..., tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau đào tạo đạt trên 95%. Doanh nghiệp đã phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực tiếp tham gia đánh giá, tuyển dụng lao động ngay khi tốt nghiệp”, ông Trần Văn Hà thông tin.
Tuy nhiên, giai đoạn 2020 - 2022, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế trong nước và thế giới, dẫn đến tình trạng mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương xảy ra ở một số lĩnh vực sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử, may mặc, du lịch, nhà hàng, khách sạn.
Theo thống kê trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, đã có trên 20 nghìn lao động mất việc làm, trên 60 nghìn lao động phải tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương, trong đó trên 60% là đối tượng thanh niên.
Cũng do dịch Covid-19, một số lao động của tỉnh không thể xuất cảnh đi lao động nước ngoài theo kế hoạch...
Báo cáo Đoàn công tác, Phó bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang Giáp Xuân Cảnh bổ sung một số hạn chế trong công tác việc làm cho thanh niên hiện nay. Đó là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thiếu một số ngành nghề đào tạo mà xã hội đang cần, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ. Phụ huynh và học sinh phần lớn vẫn coi trọng bằng cấp (bằng đại học), chưa quan tâm nhiều đến học nghề. Một số ngành nghề mới như bán hàng online nhưng người lao động chưa được đào tạo để có kỹ năng bền vững duy trì nghề nghiệp lâu dài...
Nhấn mạnh việc làm cho thanh niên rất quan trọng, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ, phải đi trước một bước, chủ động chuẩn bị các phương án, đặc biệt quan tâm đến đối tượng mất việc làm. “Quan trọng là phải nắm đầy đủ và chính xác các số liệu liên quan, từ đó phân tích và tham mưu có chính sách phù hợp”.