Cuộc thi do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì, phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp và các trường đại học khối kỹ thuật tổ chức, tạo môi trường hỗ trợ học tập, nghiên cứu thông qua trải nghiệm sáng tạo của sinh viên tại các trường đại học.
Đồng thời, cuộc thi còn khuyến khích khả năng sáng tạo trong sinh viên, kỹ năng kết nối tư duy đa lĩnh vực hướng tới việc tạo ra các ý tưởng và sản phẩm thiết thực, các giải pháp quản lý đổi mới sáng tạo có tiềm năng khởi nghiệp.
Thu hút hơn 200 lượt sinh viên tham dự
Với chủ đề "Sáng tạo vì Cuộc sống" (Smart up for life), trải qua hành trình 8 tháng, cuộc thi thu hút hơn 200 lượt sinh viên tham dự chương trình huấn luyện, thiết lập với 10 đề tài được tài trợ để phát triển thành sản phẩm trong vòng triển khai.
Ban tổ chức đã tiến hành các hoạt động đào tạo, hướng dẫn cho các đội thi từ giai đoạn viết ý tưởng đến hoàn thiện đề án, triển khai đề án với sự hỗ trợ nhiệt tình từ các diễn giả có uy tín về sáng tạo và khởi nghiệp. Đồng thời, các nhóm đã được hỗ trợ kỹ thuật từ các mentor từ các trường đại học, các trung tâm khởi nghiệp.
Phát biểu khai mạc, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Sáng tạo trẻ, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Đăng Chính cho biết, với định hướng là một đại học nghiên cứu đóng góp cho sự phát triển của công nghiệp hoá nước nhà, Đại học Bách khoa Hà Nội trong hơn 2/3 thế kỷ qua luôn chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Điều đó đã in đậm trong tiềm thức của mỗi sinh viên Bách khoa với khẩu hiệu: “Sinh viên Đại học Bách khoa học tập - nghiên cứu và sáng tạo”.
Không chỉ dừng lại ở đó, số lượng đề tài nghiên cứu của sinh viên có sản phẩm thực tế gắn liền với xu hướng và nhu cầu xã hội ngày càng tăng. Trung bình mỗi năm đạt mức 100 sản phẩm mới được sáng tạo có tính ứng dụng đối với thực tiễn. Minh chứng rất rõ cho điều này đó là, từ năm 2017 cho tới nay, cuộc thi Sáng tạo trẻ đã đón nhận ngày càng nhiều dự án của sinh viên gửi về.
Đặc biệt, cuộc thi không chỉ thu hút nhóm nghiên cứu là sinh viên Bách khoa mà các em còn chủ động kết nối với sinh viên các trường bạn, cùng lan toả tình yêu khoa học, công nghệ và khát khao cống hiến trí tuệ và sức trẻ cho cộng đồng.
Hiện thực hóa các sản phẩm khoa học kỹ thuật hữu ích cho cuộc sống
Tại vòng chung kết Sáng tạo trẻ 2023, 5 đội thi góp mặt đều có những sản phẩm mang tính mới/tính sáng tạo, tính khả thi kỹ thuật, tính khả thi kinh doanh và nguồn lực thực hiện, đúng tiêu chí của cuộc thi: Hiện thực hóa các sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật hữu ích cho cuộc sống.
Đó là: Đội thi EcoTech (Đại học Bách khoa Hà Nội) với "Máy sản xuất ống hút Organic". Đội EmNetLab (Đại học Bách khoa Hà Nội) với "Xây dựng song sinh số vận hành robot bay". Đội GDSC-PTIT – (Học viện Bưu chính Viễn thông) – "SkyHelper - Hệ thống tìm kiếm định vị nạn nhân dựa trên thuật toán dò sóng wifi từ các thiết bị cá nhân; ứng dụng hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn trong thiên tai, thảm họa". Đội UNIVERS (Đại học Bách khoa Hà Nội) với "EARM - Cánh tay thông minh Hỗ trợ người gặp khó khăn trong ăn uống sinh hoạt". Đội Neural of Things (Đại học Bách khoa Hà Nội) với "Awake Drive - Hệ thống giám sát và duy trì độ tỉnh táo của người lái xe".
Trong phần thuyết trình, các đội thi vòng chung kết đều nhấn mạnh đến sự cần thiết của sản phẩm, dịch vụ đối với nhu cầu khách hàng, cộng đồng và xã hội; nghiên cứu thị trường, phân khúc khách hàng; công nghệ sáng tạo, độc đáo cùng tính khả thi của sản phẩm…
Trong phần Hỏi – Đáp, các vị giám khảo đặt những câu hỏi hướng các sinh viên nghiên cứu khoa học không chỉ trên hồ sơ mà còn khuyến khích các em có những trải nghiệm như một doanh nghiệp: Có thuyết trình marketing, tính toán chi phí, khấu hao sản phẩm, tính toán lỗ - lãi khi kinh doanh…
Kết quả chung cuộc, Giải Nhất thuộc về Đội Neural of Things (Đại học Bách khoa Hà Nội) với sản phẩm "Awake Drive - Hệ thống giám sát và duy trì độ tỉnh táo của người lái xe".
Giải Nhì thuộc về đội GDSC-PTIT – Học viện Bưu chính Viễn thông - với sản phẩm SkyHelper - Hệ thống tìm kiếm định vị nạn nhân dựa trên thuật toán dò sóng wifi từ các thiết bị cá nhân. Ứng dụng hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn trong thiên tai, thảm họa.
Giải Ba thuộc về Đội EmNetLab (Đại học Bách khoa Hà Nội) với sản phẩm "Xây dựng song sinh số vận hành robot bay".
Giải khuyến khích thuộc về 2 đội: Đội UNIVERS (Đại học Bách khoa Hà Nội) với sản phẩm EARM - Cánh tay thông minh hỗ trợ người gặp khó khăn trong ăn uống sinh hoạt. Đội EcoTech (Đại học Bách khoa Hà Nội) với sản phẩm Máy sản xuất ống hút Organic.