Thông tin trên được GS. Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo Giáo dục 2023 với chủ đề “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức mới đây.
Thực hiện tự chủ đại học, hiệu trưởng là vị trí rất nhiều áp lực
Theo GS. Lê Quân, nếu nhìn về 10 trước đây và bây giờ, có thể nhận thấy các đại học, trường đại học ở Việt Nam có một quá trình thay đổi rất lớn, một bước chuyển rất lớn. Tuy nhiên, quá trình tự chủ có rất nhiều vấn đề.
ĐH Quốc gia Hà Nội luôn được coi nhận cơ chế tốt nhất, song khi làm vướng rất nhiều luật. Điều này có thể làm mất độ trễ 3-5 năm, vốn có thể làm rất nhiều thứ.
GS. Lê Quân chia sẻ, thời gian vừa qua, Quốc hội dành nhiều thời gian, ra nhiều nghị quyết cho một số cơ chế đặc thù khác nhau, nhưng chưa có những cơ chế đặc thù về giáo dục đại học. Rất cần có cơ chế điều chỉnh nhanh chính sách về bài toán này.
“Trong thực hiện tự chủ đại học, vai trò của hiệu trưởng rất quan trọng. Bây giờ đại học không còn là cơ quan quản lý theo hành chính mà đòi hỏi sự năng động rất cao. Ngay tại Đại học Quốc gia Hà Nội, bây giờ tìm được một hiệu trưởng giỏi cũng rất khó khăn. Trong vài năm qua, đã có 2-3 hiệu trưởng xin thôi chức vụ này để chuyển sang một vị trí khác.
Tất nhiên, chúng tôi phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận và và có những cách động viên khác nhau. Nhưng điều này cho thấy, đây dần dần là một công việc áp lực rất nhiều để quản trị và có rất nhiều sức ép khác nhau”, GS Lê Quân nói.
Cần tập trung vào bài toán đầu tư gắn liền với chất lượng
Theo GS. Lê Quân, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp nếu được đầu tư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự tăng trưởng của đất nước. Đại học đào tạo ra những con người tư duy và tương lai là những nhân tài đảm bảo cho sự phát triển.
Ông nhìn nhận, đầu tư cho giáo dục đại học trên đầu sinh viên của chúng ta đang rất thấp, nhưng hiệu quả đạt được có thể nói rất cao. Tuy nhiên, nếu chúng ta đào tạo tràn lan, đào tạo quy mô rất lớn mà không biết sinh viên ra trường sau này chất lượng đến đâu, hiệu quả như thế nào, có nghĩa chúng ta đang quên đi bài toán về hiệu quả trong kinh tế, gọi là “chi phí cơ hội”. Cơ hội sẽ mất đi, khiến chúng ta phải làm lại rất nhiều thứ sau này.
GS. Lê Quân nhấn mạnh, bài toán đầu tư gắn liền với chất lượng là bài toán mà thể chế, chính sách hiện nay cần tập trung. Theo đó, giáo dục đại học đã đạt được một số thành tích nhất định, nhưng vẫn còn không ít điều băn khoăn về chất lượng.
“Trong chất lượng giáo dục đại học, chúng ta nói nhiều đến những chỉ số, chỉ tiêu, nhưng việc đó có thực sự phù hợp hay không? Cần có phân tích, đánh giá chính sách trong thời gian tới. Rất nhiều nơi đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn, nhưng tiêu chuẩn đó liệu có đáp ứng được chất lượng hay không? Đây là bài toán cần băn khoăn”, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đặt vấn đề.
Một bài toán khác trong phát triển giáo dục đại học nước ta hiện nay được GS. Lê Quân đề cập tới là vấn đề nguồn lực đầu tư. Theo ông, ĐH Quốc gia Hà Nội mặc dù luôn được coi là cơ sở trọng điểm, được đầu tư ưu tiên, nhưng để đầu tư đáp ứng được sứ mệnh và đáp ứng nhiệm vụ cũng hết sức khó khăn.
Nhiều vấn đề đặt ra với bài toán tài chính trong đại học, khi lương cơ sở đang tăng lên, ngân sách có xu hướng giảm đi, trong khi đó bài toán trông chờ vào học phí cũng chỉ có giới hạn. Đặc biệt, trong tài chính đại học, có một bài toán rất quan trọng - đó là tài chính cho khoa học công nghệ.
“Luật Khoa học công nghệ coi cơ sở giáo dục đại học là đơn vị nghiên cứu, đơn vị khoa học công nghệ, nhưng Bộ GD-ĐT cũng ban hành một nghị định về nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục đại học. Bản thân chúng tôi triển khai thì thấy rằng, có rất nhiều vấn đề khác nhau.
ĐH Quốc gia Hà Nội mỗi năm được ngân sách cấp khoảng 75 tỷ đồng cho các hoạt động khoa học công nghệ, trong khi có gần 3.000 tiến sĩ, 6 viện nghiên cứu. Mỗi năm, mỗi viện được khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng hỗ trợ, rất khó khăn. Với suất đầu tư như vậy, cũng có những cơ chế bất cập", GS Lê Quân nói.
GS. Lê Quân cũng nhắc tới những khó khăn trong bài toán đầu tư cho khoa học cơ bản và đào tạo giáo viên, giảng viên đại học. “Ưu tiên đầu tư cho giảng viên sư phạm đã có những chính sách, tuy nhiên còn nhiều bất cập, chúng tôi còn đang nợ sinh viên rất nhiều kinh phí và hiện nay chưa có tiền để trả khi thực hiện Nghị định 116”, ông cho hay.
Về đào tạo giảng viên đại học cần gắn liền với chất lượng đào tạo tiến sĩ. Nếu không nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, chúng ta sẽ không có giảng viên đại học giỏi. Bài toán này trong thể chế, trong chính sách cũng cần có những ưu tiên.