An toàn, chất lượng và bền vững

Tại Hội nghị Công tác truyền máu toàn quốc năm 2024 do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương vừa tổ chức, TS. Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, các cơ sở truyền máu cần phối hợp cùng các đơn vị thuộc Bộ Y tế, những cơ quan có liên quan tập trung tham mưu giải pháp bảo đảm nguồn máu an toàn, chất lượng cho điều trị, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo bằng cách phát huy các ngân hàng máu sống ở những khu vực này.

Lượng máu tiếp nhận tăng đều qua các năm

Theo PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, trong 30 năm hình thành và phát triển phong trào hiến máu tình nguyện nước ta (1994 - 2024), lượng máu tiếp nhận được tăng đều qua các năm. Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm, nước ta tiếp nhận trên 1 triệu đơn vị máu. Đồng thời, xây dựng và phát triển được hệ thống Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện từ Trung ương đến địa phương; thành lập được 5 Trung tâm truyền máu khu vực, nhiều trung tâm truyền máu vùng, từ đó nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận máu, xét nghiệm sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu và đặc biệt là công tác điều phối máu giữa các địa phương.

Kể từ năm 2014 trở lại đây, mỗi năm, nước ta tiếp nhận trên 1 triệu đơn vị máu. Ảnh: TĐ
Từ năm 2014 đến nay, nước ta tiếp nhận trên 1 triệu đơn vị máu mỗi năm. Ảnh: TĐ

TS. Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương thông tin thêm, cả nước có 77 cơ sở y tế (thuộc 44 tỉnh/thành phố) tham gia tiếp nhận máu, trong đó có 48 cơ sở y tế thuộc tuyến Trung ương/tuyến tỉnh thực hiện tiếp nhận máu thường xuyên, 29 cơ sở y tế tuyến huyện chủ yếu tiếp nhận máu phục vụ cấp cứu.

Năm 2023, toàn quốc đã tiếp nhận 1.587.890 đơn vị máu (gồm 1.481.729 đơn vị máu toàn phần và 106.161 đơn vị tiểu cầu gạn tách), tăng 6% so với năm 2022. Trung bình mỗi tháng, cả nước tiếp nhận gần 130.000 đơn vị máu. Số lượng đơn vị máu tiếp nhận thể tích từ 350ml trở lên chiếm 66% tổng lượng máu tiếp nhận. Tỷ lệ hiến máu nhắc lại gần 60%; tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt khoảng 97%.

Mặc dù tổng số có 77 cơ sở tiếp nhận máu trong cả nước, nhưng năm 2023, 91% lượng máu tiếp nhận lại tập trung ở 23 bệnh viện/Trung tâm truyền máu. Khu vực đồng bằng sông Hồng tiếp nhận số lượng máu nhiều nhất với 655.842 đơn vị máu. Trong đó, riêng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận 485.432 đơn vị máu (bao gồm hơn 450.000 đơn vị máu toàn phần và hơn 35.000 đơn vị tiểu cầu gạn tách), chiếm 30% lượng máu tiếp nhận toàn quốc.

Quản lý chất lượng là nhiệm vụ hàng đầu

Một trong những vấn đề quan trọng để công tác truyền máu an toàn, bền vững là quản lý chất lượng. Theo đó, nhằm bảo đảm chất lượng xét nghiệm và phù hợp vào điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở truyền máu, việc xét nghiệm sàng lọc máu được thực hiện theo hướng tập trung hóa.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Dung, Trưởng khoa Xét nghiệm sàng lọc máu (Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương) cho biết, cả nước hiện có 46 cơ sở truyền máu triển khai hoạt động sàng lọc máu. Trong đó, 14 cơ sở triển khai đồng bộ các kỹ thuật xét nghiệm theo quy định, sàng lọc cho hơn 1,3 triệu đơn vị máu (chiếm 84% lượng máu tiếp nhận); 32 cơ sở truyền máu còn lại chỉ thực hiện kỹ thuật huyết thanh học và gửi mẫu tới các Trung tâm lớn để thực hiện xét nghiệm bằng kỹ thuật NAT, hoặc gửi mẫu xét nghiệm sàng lọc toàn bộ đơn vị máu.

Từ kết quả máu tiếp nhận được và có kết quả sàng lọc an toàn, các cơ sở truyền máu điều chế được 2.901.141 chế phẩm máu theo nhu cầu, tăng 15% so với năm 2022, chủ yếu là khối hồng cầu với gần 1,5 triệu đơn vị (chiếm 51,7%), huyết tương 820.305 đơn vị (chiếm 28,2%) và các chế phẩm khác như tủa lạnh giàu yếu tố VIII, khối tiểu cầu gạn tách, khối bạch cầu…

Chỉ ra những kết quả đạt được và một số tồn tại trong công tác quản lý chất lượng, PGS.TS. Nguyễn Quang Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đề xuất, cần áp dụng ISO 9001 cho các cơ sở truyền máu; áp dụng chất lượng phòng xét nghiệm của Bộ Y tế và ISO 15189 cho phòng Xét nghiệm sàng lọc máu ở các Trung tâm tiếp nhận máu và phòng xét nghiệm cấp phát máu bệnh viện; kết nối dữ liệu người hiến máu giữa các Trung tâm/bệnh viện trên toàn quốc; tiếp tục triển khai đánh giá và hỗ trợ đào tạo, tập huấn quản lý chất lượng cho các cơ sở truyền máu…

Tăng cường kết nối

Đánh giá cao sự điều phối, tương trợ, chia lửa của các Trung tâm Truyền máu trên cả nước trong lúc khó khăn, TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho rằng, thời gian tới, cần rà soát quy hoạch, hệ thống văn bản, cơ sở pháp lý liên quan đến phát triển dịch vụ máu để đề xuất chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật hướng đến dịch vụ truyền máu ngày càng chất lượng - hiệu quả - bền vững.

Mặt khác, đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng chuyển đổi số y tế và đồng bộ hệ thống dữ liệu quốc gia vào quản lý dịch vụ máu, trước hết là người hiến máu; phát triển phần mềm trong quản lý, nâng cao sự kết nối giữa các cơ sở truyền máu. Các Trung tâm Máu cần quan tâm đến việc đào tạo, tuyển chọn nhân lực làm công tác truyền máu; bảo đảm thực hiện đấu thầu, mua sắm vật tư, hóa chất sinh phẩm, túi máu… không để gián đoạn hoạt động tiếp nhận và cung cấp máu trong thời gian tới.

Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh đề xuất, các cơ sở truyền máu cần phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện các cấp trong việc xây dựng chỉ tiêu hiến máu trong năm; các trung tâm, đơn vị cần sớm có kế hoạch dự trù trang thiết bị, nhân lực, mức độ ưu tiên đề xuất, báo cáo đơn vị chủ quản xem xét thực hiện sớm; tiếp tục duy trì các hoạt động giao ban, tổng kết định kỳ hàng năm và tăng cường các hoạt động phối hợp kết nối giữa các cơ sở truyền máu toàn quốc, giữa đơn vị vận động - tiếp nhận - sử dụng để nâng cao hiệu quả cung ứng chế phẩm máu.

Không ít ý kiến cho rằng, Bộ Y tế cần quan tâm cập nhật văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động truyền máu; tạo điều kiện về nguồn lực, chương trình, dự án hỗ trợ cho các trung tâm để cải tạo cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động xây dựng mạng lưới truyền máu toàn quốc, chiến lược phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Xã hội

Các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: Lăng Dành
Xã hội

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nắm bắt tình hình

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thành lập trên 2.100 Tổ Dân vận cộng đồng ở 100% thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nắm tình hình và đề xuất các cấp ủy Đảng, chính quyền giải quyết những vấn đề liên quan đến người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các tổ dân vận đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong nắm bắt tình hình thông qua thành lập các nhóm Zalo “Tổ Dân vận nòng cốt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Tổng kết dự án tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số
Xã hội

Tổng kết dự án tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 22.11, tại Thành phố Điện Biên Phủ, World Vision International tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án "Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên" (IREM). Dự án do Liên minh cứu trợ Đức (ADH) tài trợ và được triển khai bởi World Vision trong 14 tháng (10.2023-11.2024).

Khắc phục bất cập về điều kiện bảo đảm tổ chức, hoạt động
Đời sống

Khắc phục bất cập về điều kiện bảo đảm tổ chức, hoạt động

Về điều kiện bảo đảm tổ chức, hoạt động của công đoàn, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) có quy định, cán bộ công đoàn không chuyên trách được bảo đảm thời gian thực hiện nhiệm vụ của công đoàn; tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thời lượng cụ thể dành cho công tác công đoàn còn thiếu thực tế, không khả thi. Do đó, cần nghiên cứu để có những quy định phù hợp, bảo đảm tổ chức công đoàn có vị thế, hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào người sử dụng lao động.

Dấu mốc quan trọng
Đời sống

Dấu mốc quan trọng

Trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp và người lao động, đoàn viên ngày càng tăng, nhiệm vụ của công đoàn càng thêm nặng nề. Để hoàn thành nhiệm vụ này, hành lang pháp lý về công đoàn cần phải tiếp tục được hoàn thiện. Luật Công đoàn (sửa đổi) nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám này sẽ là dấu mốc rất quan trọng thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, nâng cao vị thế và khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong bối cảnh hiện nay.

Phát huy quyền chủ động giám sát
Đời sống

Phát huy quyền chủ động giám sát

Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua trong Kỳ họp thứ Tám là quy định giám sát của công đoàn. Quy định này đã nhận được sự đồng tình của nhiều ĐBQH nhằm phát huy quyền chủ động thực hiện giám sát của tổ chức công đoàn, góp phần phát hiện sớm vi phạm tại đơn vị sử dụng lao động để kiến nghị chấn chỉnh hoặc xử lý kịp thời…

Nỗ lực, tăng cường các biện pháp phát triển, bảo vệ cây xanh đô thị
Xã hội

Nỗ lực, tăng cường các biện pháp phát triển, bảo vệ cây xanh đô thị

Cây xanh luôn giữ vai trò quan trọng, được ví như những “lá phổi” của thành phố. Chính vì vậy, trước những thiệt hại nặng nề về cây xanh sau cơn bão số 3 vừa qua, lãnh đạo TP. Hà Nội khi chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của bão đều nhấn mạnh phải cứu cây, nhất là những cây cổ thụ, cây cần bảo tồn, cây quý hiếm.

Thay đổi thói quen "đốt đồng" để giảm ô nhiễm môi trường
Môi trường

Thay đổi thói quen "đốt đồng" để giảm ô nhiễm môi trường

Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.

Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Xã hội

Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Ngày 24.11, tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (trực tiếp là Câu lạc bộ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng) phối hợp Cục An Toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”.