Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên Huế

- Thứ Bảy, 17/08/2019, 18:53 - Bản đầy đủ
Ngày 17.8, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân có cuộc làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Thừa Thiên Huế.

Báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, tốc độ tăng trưởng (GRDP) của tỉnh những tháng đầu năm 2019 ổn định ở mức gần 6,9%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt xấp xỉ 10 nghìn tỷ đồng, thu ngân sách 7 tháng đạt 4.200 tỷ đồng. Trong 3 lĩnh vực trụ cột tỉnh, du lịch vẫn là ngành tăng trưởng ấn tượng nhất. Cụ thể, lĩnh vực du lịch, dịch vụ tăng 6,3%, trong đó tổng lượt khách lưu trú đạt trên 1,15 triệu lượt, tăng 6,7% (khách quốc tế đạt 0,55 triệu lượt, tăng 10,4%). Tỉnh cũng tổ chức thành công Hội nghị Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên, Festival làng nghề truyền thống Huế lần thứ 8… Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,45%, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 20 nghìn tỷ đồng. Ngành chăn nuôi gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi tái phát trên diện rộng, trong khi sản lượng lúa đạt khá (180 nghìn tấn).  

Trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế xác định dồn lực để hỗ trợ thực hiện dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân, xây dựng mới nhà ga và sân đỗ Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, sớm bàn giao mặt bằng cho cao tốc Cam Lộ - La Sơn… Đối với công tác cải cách hành chính, sẽ nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, thanh tra công vụ. 

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ kiến nghị Chủ tịch QH, UBTVQH xem xét có cơ chế, chính sách riêng để công nhận Thừa Thiên Huế là đô thị di sản đặc thù - thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần của Kết luận 48 và Thông báo 175 của Bộ Chính trị. Bởi nếu so với các tiêu chí quy định của Nghị quyết UBTVQH thì không khả thi đối với một đô thị mang tính đặc thù về di sản, văn hóa và sinh thái như Thừa Thiên Huế, nhất là các chỉ tiêu về số lượng dân cư, mật độ dân cư, mật độ xây dựng và giao thông…


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên Huế

Tỉnh đề nghị Chủ tịch QH, UBTVQH quan tâm, ủng hộ việc mở rộng ranh giới TP Huế để phục vụ mục tiêu phát triển của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân trong tỉnh. Đối với đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tich Kinh thành Huế (thuộc quần thể di tích Cố đô Huế) với tổng mức đầu tư 4.100 tỷ đồng, để bảo đảm nguồn lực, tỉnh đề nghị QH quan tâm, hỗ trợ, phê duyệt bổ sung danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2019-2020 và nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó là dự án nâng cao công suất của Cảng hàng không Phú Bài do đã quá tải hai năm nay.

Đóng góp ý kiến tại cuộc làm việc, các thành viên trong Đoàn công tác đều đồng tình quan điểm: Bao trùm những công việc cấp bách của Thừa Thiên Huế đều có đích đến là Cố đô Huế và đời sống nhân dân. Trung ương cần có một đề án tổng thể, toàn diện, dài hơi, có nguồn lực lớn và phải mang tầm cỡ quốc gia mới giải quyết được nhu cầu cấp bách trùng tu, bảo tồn di sản cố Đô Huế. Càng muộn, di sản đặc biệt ngày sẽ càng xuống cấp, chi phí càng cao, thậm chí để quá muộn thì không còn cơ hội để sửa chữa nữa. Cố đô Huế trọn vẹn, cộng thệm Đảng bộ, chính quyền địa phương kiên trì với con đường tăng trưởng xanh, bền vững thì đời sống nhân dân chắc chắn sẽ được cải thiện. Riêng đối với công tác trùng tu, bảo tồn, một số ý kiến cho rằng không thể vội vàng, bởi phục dựng, tu sửa một công trình văn hóa không giống xây dựng một công trình mới.

Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Định hướng để Thừa Thiên Huế trở thành một đô thị di sản, văn hóa và sinh thái… là hoàn toàn phù hợp. Huế có nét văn hóa riêng, ẩm thực riêng và đậm đà bản sắc, không lẫn vào đâu được. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phải ý thức được việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy không gian, môi trường văn hóa sang trọng và lịch lãm này. Các cơ quan của QH cũng sẽ có ý kiến để Chính phủ bố trí thêm ngân sách từ nguồn dự phòng đầu tư công giai đoạn 2016-2020, để giúp Thừa Thiên Huế trùng tu, bảo tồn di tích Cố đô Huế đồng bộ, hiệu quả hơn. Việc Huế được công nhận là TP văn hóa ASEAN, thành phố hòa bình, sinh thái…, và việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là TP festival chính là sự ghi nhận, là tuyên ngôn rõ nét nhất. QH sẽ nghiên cứu để tìm cho ra cách Thừa Thiên Huế là đô thị di sản đặc thù - thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần của Kết luận 48 và Thông báo 175 của Bộ Chính trị.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch QH nhất trí và ủng hộ với Đề án mở rộng ranh giới cho TP Huế, với vai trò là tỉnh lỵ, là hạt nhân và là động lực tăng trưởng.

Về hướng đi cho nền kinh tế, Chủ tịch QH đề nghị tỉnh phải kiên định phát triển theo hướng xanh, bền vững. Tốc độ tăng trưởng khả quan trong 10 năm 2009-2018 (bình quân 7,2%) cho thấy, kinh tế xanh không phải là không có chỗ đứng. “Công nghiệp quan trọng, nhưng dịch vụ, du lịch mới là bền vững. Song song đó phải tăng cường giám sát dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để đồng hành, tháo gỡ cho chủ đầu tư và tiến độ thi công, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, Chủ tịch QH đặt vấn đề. “Ngay như phong trào bảo vệ môi trường UBND tỉnh phát động cũng chính là hướng tới kinh tế du lịch, dịch vụ, tạo cảnh quan sinh thái hơn, sạch sẽ hơn, để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách”, Chủ tịch QH nói.

Đối với công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp, Chủ tịch QH yêu cầu Tỉnh ủy nghiêm túc quán triệt tới từng cấp trong Đảng bộ tỉnh chuẩn bị và tổ chức đại hội; vừa bảo đảm tính kế thừa, ổn định, vừa đổi mới, sáng tạo và phát triển; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn công tác của Trung ương đã đi thăm một số hộ dân ở Kinh thành khu vực 1 - khu vực dự kiến sẽ di dời để trả lại mặt bằng cho di tích vào cuối năm nay.

Tin, ảnh: LÊ TÙNG

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP