Khó khăn trong việc nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn

- Thứ Bảy, 27/04/2013, 09:24 - Bản đầy đủ
Tại buổi họp báo công bố Kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam vào ngày 17.4 vừa qua, các chuyên gia cho rằng, việc nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, hiện đại hóa các hệ thống quan trắc còn gặp không ít khó khăn.

Do tính chất đặc thù của ngành khí tượng thủy văn, việc nâng cao chất lượng dự báo phải thực hiện đồng bộ cả ba hệ thống bao gồm: thu thập dữ liệu để truyền nhận tin; phân tích dữ liệu và dự báo. Bởi đây là những thành phần không thể thiếu, có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Phó cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và BĐKH Trương Đức Trí nhấn mạnh: “ngành khí tượng thủy văn có những điểm đặc thù không giống với những ngành nghề, lĩnh vực khác. Nếu mạng điện thoại di động chỉ cần có cột tiếp sóng thì ngành này đòi hỏi phải có mạng lưới quan trắc và cũng không thể thiếu những số liệu cụ thể, chi tiết”.

Điều đáng nói là việc hình thành một mạng lưới quan trắc đầy đủ cũng chưa bảo đảm được các thông tin chủ yếu có thể được phân tích trong khoảng thời gian ngắn bởi đa phần các số liệu là thủ công, chưa kể có những thông tin không đến được với các mạng lưới viên. Trang bị những công nghệ phân tích dữ liệu là rất cần thiết nhưng cũng khó có thể làm được trong một chốc, một lát. Kinh nghiệm của các nước tiên tiến đã chỉ ra rằng, quá trình phát triển và tự động hóa tất cả các khâu, nước nào làm nhanh cũng mất khoảng 20 năm còn chậm thì trung bình 30 năm. Trong khi đó,  nước ta mới bắt đầu khởi động việc hiện đại hóa các khâu từ cách đây 3 năm, phải “dò dẫm” từ những bước đi đầu tiên. “Nếu có thể rút kinh nghiệm từ các nước trên thế giới đồng thời có sự đầu tư tập trung và dứt điểm theo từng hạng mục, từng dự án trong khoảng 20 năm cơ bản sẽ hình thành hệ thống tổ chức thực hiện công tác dự báo hiện đại ngang bằng các nước trung bình của khu vực” - một chuyên gia khí tượng thủy văn nhấn mạnh.


Nguồn: hunre.edu.vn
Phát triển mở rộng dần mạng lưới quan trắc gắn liền với việc nâng cấp các dây truyền phân tích dữ liệu, dự báo sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao trình độ, chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn về mạng lưới quan trắc, thiếu nhân lực trong công tác dự báo cũng là bài toán khó giải. Thực tế cho thấy, thu nhập của những người làm công tác khí tượng thủy văn gần như thấp nhất trong xã hội, do đó việc thu hút những sinh viên giỏi theo học ngành này không hề dễ dàng. Mặc dù nhiều chuyên gia có kiến thức về toán học, vật lý có thể đưa ra số liệu cụ thể, chính xác cho công tác dự báo nhưng lĩnh vực chuyên môn về khí tượng thủy văn, họ chưa thực sự nắm bắt được. Rõ ràng, kinh phí đầu tư để hiện đại hóa hệ thống quan trắc rất quan trọng nhưng để “tiêu hóa” tất cả những yếu tố đó đòi hỏi phải có nguồn nhân lực dồi dào.

Chính vì vậy, muốn nâng cao chất lượng của các bản tin dự báo “không nên vội vàng đốt cháy giai đoạn mà cần cố gắng vận dụng những kinh nghiệm tốt nhất của các nước làm sao phù hợp với nước mình và trên cơ sở đó đẩy nhanh tiến trình tự động hóa, hiện đại hóa, nâng cấp trình độ của chuyên gia khí tượng thủy văn” - Ông Trí nói.

Đỗ Quyên

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP