Nhiệt độ liên tục ở mức cao
Theo EVN, những ngày gần đây, nhiệt độ tại khu vực miền Bắc và Trung bộ liên tục ở mức cao, từ 37 - 38 độ C. Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), phụ tải của hệ thống điện quốc gia lập đỉnh mới với công suất 45.528,3MW và đỉnh phụ tải ở miền Bắc đạt mức 22.332,7MW vào ngày 21.6; còn miền Trung là 4.254,7MW và miền Nam đạt 19.135,6MW. Riêng tại Hà Nội, sản lượng tiêu thụ điện đã đạt 100,27 triệu kWh, cao hơn 2,33 triệu kWh so với lượng điện tiêu thụ ngày cao nhất tại Hà Nội năm 2021.
Đại diện Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) lý giải, diễn biến thời tiết nắng nóng gay gắt diện rộng ở miền Bắc và miền Trung từ giữa tháng 6 trở lại đây đã làm sản lượng tiêu thụ điện của toàn quốc và miền Bắc tăng rất mạnh. Điều này dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm. Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện, dễ dẫn tới nguy cơ quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí gây cháy nổ.
Ước tính, phụ tải điện các tỉnh, thành phố phía Bắc mùa hè năm nay được dự báo mức tăng trưởng lên tới 12 - 15% so với năm 2021 và có thể đạt ngưỡng từ 16.500 - 16.950MW, trong khi đó, nguồn điện bổ sung ở miền Bắc trong năm 2022 là không đáng kể. Việc cung ứng điện sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, bởi hệ thống điện miền Bắc có thể sẽ thiếu hụt công suất đỉnh vào các khung giờ cao điểm: trưa từ 12h00 - 15h00, tối từ 21h00 - 24h00.
Bảo đảm an toàn trong vận hành
Chia sẻ về những khó khăn trong vận hành lưới điện truyền tải những ngày nắng nóng, ông Phạm Quang Hòa, Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) cho biết, trong đợt nắng nóng từ đầu tháng 6 đến nay, rất nhiều thiết bị, đường dây và máy biến áp (MBA) vận hành đầy tải và quá tải, dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống điện.
Nhận diện trước những thách thức này, PTC1 chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện sớm công tác thí nghiệm định kỳ, kiểm tra rà soát soi phát nhiệt thiết bị. Với các đường dây dự kiến mang tải cao, đơn vị tăng cường kiểm tra hành lang tuyến, độ võng dây dẫn, đặc biệt là các khoảng cột có khoảng cách pha - đất thấp, giao chéo, cây cao trong hành lang dưới dây dẫn, các khoảng cột có nguy cơ cháy trong và ngoài hành lang...
Để bảo đảm vận hành trong thời gian tới khi thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài, các Tổng công ty, công ty điện lực đã tận dụng thời điểm giữa các đợt nắng nóng để đăng ký cắt điện xử lý ngăn ngừa các điểm phát nhiệt tại các đường dây, trạm biến áp đã phát sinh trong đợt đầu; sửa chữa bảo dưỡng hệ thống làm mát, hệ thống giám sát dầu online của các máy biến áp lực, kháng điện, đặc biệt hệ thống làm mát bằng nước bổ sung cho các MBA, kháng điện, sẵn sàng cho các đợt nắng nóng tiếp theo. Thực hiện thí nghiệm, lọc dầu tăng cường cho các MBA đã vận hành đầy và quá tải để đánh giá tình trạng vận hành sớm có phương án ngăn ngừa sự cố.
Đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn sử dụng điện
Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN Hà Nội) khuyến cáo, khách hàng nên tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết, hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện trong giờ cao điểm của hệ thống điện (bao gồm khung giờ từ 11h30 - 15h00 và từ 20h00 - 23h00 hàng ngày); không sử dụng nhiều đồ dùng điện cùng một lúc để tránh quá tải lưới điện; đề phòng các nguy cơ gây cháy nổ lưới điện, trạm điện và khu dân cư.
Những khách hàng có sản lượng tiêu thụ điện trên 1 triệu kWh/năm cần chủ động tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR). Đây là Chương trình khuyến khích khách hàng chủ động điều chỉnh hoặc thay đổi nhu cầu sử dụng điện trong giờ cao điểm. Nhờ đó, giảm công suất cực đại của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, cần lên kế hoạch và điều chỉnh thời gian hợp lý, hạn chế vận hành các thiết bị điện có công suất lớn (máy nghiền, máy nén khí...) vào giờ cao điểm từ 17 giờ - 20 giờ hàng ngày. Đầu tư, cải tiến, thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao và tiết kiệm điện; lắp đặt thêm các thiết bị đo đếm điện năng tại các bộ phận, tổ đội sản xuất để kiểm soát lượng điện sử dụng.
Trong khi đó, Công ty Điện lực Hà Tĩnh (PC Hà Tĩnh) đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng dẫn, tuyên truyền cho khách hàng về an toàn điện và phòng, chống chạm chập, cháy nổ về điện, nhất là trong giai đoạn nắng nóng cao điểm; gửi 3.200 thông báo tuyên truyền và tờ rơi hướng dẫn an toàn điện, phòng cháy chữa cháy đến các khách hàng sinh sống trong và hai bên hành lang lưới điện; nhắn tin tuyên truyền đến hơn 440.000 khách hàng; phát 5.130 cuốn cẩm nang an toàn điện và phòng cháy chữa cháy; treo 300 pa-nô tuyên truyền bảo vệ hành lang lưới điện tại các địa điểm thường xuyên tập trung đông người. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền trên mạng xã hội như facebook, zalo; hợp tác với cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn chia sẻ những thông tin các vụ hỏa hoạn đã xảy ra trên địa bàn nhằm cảnh báo, nhắc nhở người dân cẩn trọng trong việc sử dụng điện ngày hè, hạn chế xảy ra chạm chập, cháy nổ do điện.