Chính sách và cuộc sống

Sớm hay muộn cũng phải dừng BT

- Thứ Năm, 23/07/2020, 18:02 - Bản đầy đủ
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có hình thức khai thác nguồn lực đất đai để phát triển cơ sở hạ tầng nhưng rất ít nước triển khai loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Đặc biệt, không có quốc gia nào thanh toán dự án BT hoàn toàn bằng quỹ đất hoặc tài sản công như Việt Nam. Một số nước có thực hiện dự án BT nhưng theo phương thức thanh toán dần bằng tiền, ví dụ như Philippines.

Trong khi đó, ở nước ta, số lượng dự án BT hiện chiếm hơn 1/2 tổng số các dự án đầu tư theo phương thức công - tư (PPP). Điều đáng nói là nhiều dự án được triển khai theo kiểu “đổi đất lấy hạ tầng”, gắn với nhiều hệ lụy tiêu cực như móc ngoặc, tham nhũng, trục lợi chính sách. Thậm chí, sẽ không quá nếu nói rằng những vấn đề của phương thức BT có khi còn khủng khiếp hơn rất nhiều những vấn đề của hình thức đầu tư BOT đã được mổ xẻ trong thời gian qua.

Trong Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2019 vừa gửi tới Kỳ họp thứ Chín của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cho biết đã phát hiện nhiều vi phạm khi tiến hành kiểm toán 28 dự án BT tại các địa phương. “Mới chỉ” kiểm toán 28 dự án BT, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý 5.058 tỷ đồng. Trong đó, giảm chi ngân sách nhà nước 1.260 tỷ đồng; thu hồi nộp ngân sách nhà nước thanh toán vượt giá trị dự án 355 tỷ đồng, giảm giá trị hợp đồng 2.014 tỷ đồng.

Theo cơ chế hiện hành, nguồn lực công đối ứng được xác định ngang giá với giá trị công trình BT. Chính vấn đề “ngang giá” này được xem là kẽ hở lớn để các nhóm lợi ích và quan chức địa phương bắt tay trục lợi. Khâu xác định giá đất thường được “làm xiếc” để trở thành giá nhà đầu tư mong muốn thay vì theo giá thị trường. Việc áp dụng chỉ định thầu tràn lan là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy tình trạng xin - cho trong triển khai dự án BT. Gây bức xúc nữa là chênh lệch địa tô do quỹ đất thực hiện dự án BT được chuyển từ đất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ, hoặc do thay đổi quy hoạch của Nhà nước - chủ yếu rơi vào tay nhà đầu tư, Nhà nước không được hưởng.

Trong bối cảnh như vậy, dự án Luật PPP được Quốc hội thảo luận vào ngày mai (28.5) vẫn duy trì việc triển khai dự án theo hình thức hợp đồng BT. Kèm theo đó, ban soạn thảo đã đề xuất một giải pháp kỹ thuật nhằm ngăn không để BT trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, cụ thể là sẽ đấu giá đồng thời dự án BT và tài sản thanh toán như đất đai.

Tuy vậy, liệu đây có phải là lựa chọn hợp lý hay không khi mà giải pháp nêu trên rất khó khả thi trong thực tế. Quan trọng hơn, về bản chất, BT không phải là một hình thức PPP bởi hoàn toàn thiếu vắng những đặc điểm cốt lõi của PPP như: Không đặt trọng tâm vào cung cấp dịch vụ công; không mang đặc tính chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước - nhà đầu tư; không tiếp cận theo vòng đời dự án.

Dự án BT cũng không phù hợp với chính sách PPP vì không có yếu tố tranh thủ vốn đầu tư dài hạn của tư nhân cũng như công nghệ quản trị tiên tiến của khu vực này. Chính vì không tận dụng được bất cứ lợi thế gì của khu vực tư nhân và gây khó cho trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước mà hình thức BT rất hiếm khi được triển khai ở các nước.

Với những lý do này, dự thảo Luật PPP nên loại bỏ BT ra khỏi các hình thức đầu tư PPP. Nếu buộc phải tiếp tục thực hiện BT trong tương lai vì lo ngại "gây sốc" cho hệ thống thì nên điều chỉnh hình thức này bằng một nghị định của Chính phủ. Dù vậy, việc xem xét dừng hẳn hình thức đổi đất lấy hạ tầng là điều sớm muộn cũng phải làm để ngăn thất thoát tài sản quốc gia.

Hà Lan

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP