A Separation (Sự chia ly) đã giành Quả cầu Vàng 2012 Phim tiếng nước ngoài hay nhất và được đề cử Oscar 2012 cùng hạng mục. Bộ phim là câu chuyện về những đấu tranh phức tạp trong cuộc sống gia đình một cặp vợ chồng người Iran, Simin và Nader. Họ là những cư dân hiện đại, thành công của thủ đô Tehran với công việc ổn định, có xe hơi, một căn hộ xinh xắn... Nhưng sự bướng bỉnh, ích kỷ, lòng hận thù đã giết chết tình yêu trong họ, đẩy họ đi về hai hướng khác nhau.

Đây là bộ phim thứ năm trong serie phim về chính trị của Asgha Farhadi. Nhân vật người vợ trong A Separation hiện đại nhưng vẫn buộc phải trùm khăn kín khi đi ra ngoài và cô muốn cùng con gái rời khỏi Iran để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng chồng cô không nghĩ đến việc này vì người cha đãng trí đang cần anh. Bất đồng lên đến cao trào, người vợ đưa đơn ra tòa xin ly hôn. Vụ ly hôn của họ đem đến cho khán giả bức tranh chân thực về những mâu thuẫn về giới, giai cấp và tôn giáo trong xã hội Iran.
A Separation đã ra mắt tại Mỹ, do hãng Sony Classics phát hành. Farhadi cho biết: trước đây, Đài truyền hình Iran chưa từng phát bộ phim nào của ông, trong khi những bộ phim của đạo diễn Mỹ Michael Moore lại phổ biến tại đây và được nhiều khán giả ái mộ. Có vẻ như ngược một chút khi A Separation là bộ phim về xã hội Iran, của một đạo diễn Iran, lại được chiếu ra mắt tại Mỹ (chứ không phải Iran), cả kịch bản và diễn xuất đều được đánh giá cao tại đây. Còn ở Iran, khán giả quan tâm đến phim của Michael Moore, những vấn đề gây tranh cãi giữa người dân Mỹ với lãnh đạo, chính sách còn nhiều bất cập của Chính phủ Mỹ. Có mặt tại buổi chiếu ra mắt A Separation, Michael Moore thừa nhận, ông nhận được nhiều thư của khán giả Iran, nói ông là nhà làm phim yêu thích nhất của họ. “Tôi biết, họ cho chiếu phim của tôi vì chúng chỉ ra mặt tối của xã hội Mỹ”.
Xét một khía cạnh nào đó, A Separation dành cho khán giả Mỹ, giống như những bộ phim của Michael Moore làm cho người Iran. Sau nhiều thập kỷ mất lòng tin vào chính phủ, rồi những tin đồn xung quanh cuộc chiến ở Iran, người Mỹ sẽ không thể tin cuộc sống của người dân Iran tự do, hiện đại như vậy ngay cả khi đang xem họ sống, họ yêu thương, họ hưởng thụ. A Separation là một thế giới tự do và bình đẳng, những phụ nữ Iran hoàn toàn có thể ra ngoài dạo chơi, lái xe trên phố như bao người dân Mỹ, điều không tưởng với nhiều người Mỹ khi nghĩ về đất nước Iran nếu chưa xem phim này.
A Separation đề cập đến nhiều vấn đề đang được chú ý của Iran. Xuyên suốt bộ phim là câu trả lời cho câu hỏi mà thẩm phán hỏi Simin: Lý do cô không muốn sống ở Iran, không muốn con gái mình lớn lên ở đây là gì? Theo Farhadi thì “đây là một hiện tượng rất tự nhiên trong bất kỳ xã hội nào khi chuyển từ lối sống truyền thống sang hiện đại. Nó sẽ nguy hiểm vô cùng khi hai nhóm người (được phân chia theo hai cách sống này) đối đầu nhau thay vì đối thoại”. Bộ phim là một ngạc nhiên lớn trong danh sách đề cử Oscar 2012. Theo trang web Metacritic, A Separation không chỉ là phim nước ngoài hay nhất của giải Oscar 2012, nó còn là phim đáng xem nhất trong năm. Trả lời phỏng vấn tờ The Daily Beast, Farhadi chia sẻ: “Tôi hạnh phúc khi phản ứng của khán giả trong và ngoài nước đều rất tốt. Khi bộ phim được chiếu ở Iran, một số khán giả nói A Separation không có gì lạ lẫm, dường như họ đã gặp đâu đó trong cuộc sống. Trong lần ở một khách sạn tại New York, người bảo vệ nói với tôi rằng ông đã xem A Separation ở LHP New York và ông rất thích”.
Farhadi đoán trước được vấn đề mình bàn đến trong A Separation rất khó được các nhà lãnh đạo ủng hộ nhưng ông vẫn quyết định làm. “Tôi nghĩ rằng, quyết định lên xe, lái xe không có nghĩa bạn chắc chắn mình an toàn. Nhưng tôi may mắn, đến thời điểm này vẫn chưa gặp tai nạn nào cả”. A Separation được sản xuất theo hình thức độc lập, đây là một lựa chọn mạo hiểm bởi làm phim độc lập ở Mỹ đã khó, ở Iran khó gấp bội, từ khâu duyệt kịch bản đến khi tác phẩm hoàn chỉnh, ngay cả khi đã được công chiếu, nó vẫn có thể nhận lệnh ngừng chiếu để chỉnh sửa. Diễn viên Moadi cho biết: “Nghệ sỹ là những người hiểu rõ nhất thế nào là hạn chế và giới hạn. Luôn phải tuân theo những thay đổi, hàng ngày, hàng giờ”. Theo Farhadi, những khó khăn này là động lực sáng tạo cho nghệ sỹ nếu nó chỉ xảy ra trong giai đoạn ngắn. Ngược lại, nó sẽ tiêu diệt hoàn toàn tính sáng tạo của họ.
Farhadi tin bộ phim thành công vì tuy là câu chuyện về một gia đình Iran nhưng vấn đề nó đề cập đến mang tính toàn cầu, đó là đạo đức, là xung đột giữa tương lai và lịch sử, giữa hiện đại và truyền thống. Trong bối cảnh hiện nay, A Separation được ví như một đại sứ thầm lặng với lời kêu gọi về hòa bình, về tình nhân ái.