Theo kế hoạch, ngày 28.5, Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh sẽ mở phiên tòa phúc thẩm (lần 2) vụ án “Tranh chấp về quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Thành Công và bị đơn là bà Trịnh Tú Toàn. Vụ án đã được TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh ban hành Bản án dân sự phúc thẩm số 242/2020/DS-PT ngày 17.7.2020.
Tài sản tranh chấp trong vụ án là nhà đất tại số 317 Trần Bình Trọng, Phường 4, Quận 5 (TP. Hồ Chí Minh). Chủ sở hữu ban đầu là ông Công. Sau đó, căn nhà lần lượt được thế chấp, chuyển nhượng dưới nhiều hình thức cho nhiều cá nhân, trong đó có bà Trịnh Tú Toàn. Người nhận chuyển nhượng sau cùng là ông Trương Công Minh (SN 1997, ngụ TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang).
Vụ án này có 10 người, đơn vị là người quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trong đó có ông Trương Công Minh và căn nhà số 317 Trần Bình Trọng là tài sản bảo đảm cho khoản vay 140 tỷ mà ông Minh vay của ngân hàng khi Bản án phúc thẩm số 242/2020/DS-PT ngày 17.7.2020 có hiệu lực khoảng 2 tháng.
TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm (lần 2) bởi, trước đó, TAND tối cao có Quyết định giám đốc thẩm số 10/2022/DS-GĐT ngày 27.4.2022 liên quan đến vụ việc trên.
Theo đó, TAND tối cao tuyên hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 242/2020/DS-PT ngày 17.7.2020 của TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh và giao đơn vị này xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Phía ngân hàng cho rằng, việc TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm (lần 2) để giải quyết các quan hệ tranh chấp đối với tài sản trên trước thời điểm ngân hàng nhận thế chấp, có thể gây thiệt hay nghiêm trọng cho ngân hàng và có khả năng gây mất tài sản bảo đảm của khoản vay dẫn đến việc duy trì khoản vay, thu hồi nợ khó khăn hoặc không thể thu hồi được.
Liên quan đến vụ việc, trước đó, ngân hàng cho vay đã gửi đơn yêu cầu độc lập nhưng Tòa cấp phúc thẩm không thụ lý.
Theo căn cứ pháp lý được ngân hàng đưa ra, ngày 22.9.2020, ngân hàng đã cho ông Minh vay số tiền 140 tỷ đồng; tài sản bảo đảm của khoản vay là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với nhà đất trên (cập nhật thay đổi chủ quyền ngày 15.9.2020 thuộc sở hữu của ông Minh theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất số 21295/20MN/HĐBĐ ngày 22.9.2020).
Tại thời điểm nhận thế chấp, Bản án phúc thẩm số 242/2020/DS-PT ngày 17.7.2020 đã có hiệu lực hơn 2 tháng. Trong khoảng thời gian sau bản án phúc thẩm trên tới lúc quyết định cho vay, không có bất kỳ văn bản nào ngăn chặn hay cảnh báo về việc hạn chế giao dịch đối với tài sản này của cơ quan quản lý nhà nước.
Phía ngân hàng cũng khẳng định, việc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất Quận 5 là cơ quan quản lý nhà nước cấp cơ sở về đất đai cũng chấp nhận ghi vào sổ đăng ký giao dịch bảo đảm tại giấy chứng nhận quyền sử dụng ngày 23.9.2020 (sau khi bản án phúc thẩm số 242/2020/DS-PT có hiệu lực hơn 2 tháng) đã thể hiện rất rõ tính khách quan này.
Trong khi đó, sau bản án phúc thẩm nêu trên, gần 1 năm sau, ngày 9.9.2021, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao mới có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 07/QĐKNGĐT-VKS-DS, kháng nghị Bản án phúc thẩm số 242/2020/DS-PT ngày 17.7.2020, là một trong những căn cứ dẫn tới Tòa cấp giám đốc thẩm tuyên hủy bản án phúc thẩm và xét xử lại.
Vì vậy, ngân hàng cho rằng, các phán quyết của Tòa liên quan đến tài sản nêu trên cần xem xét bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng, là bên thứ 3 ngay tình theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và Công văn 64/TANDTC-PC ngày 3.4.2019 của TAND tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính; Công văn số 02/2021/TANDTC-PC ngày 2.8.2021 về việc giải đáp một số thắc mắc trong xét xử.
Ngân hàng cũng cho rằng, việc ngân hàng cấp tín dụng cho ông Minh trên cơ sở nhu cầu thực tế sử dụng vốn, sử dụng vốn đúng mục đích và nhận thế chấp tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của ông Minh thực hiện ký kết hợp đồng thế chấp, công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, sau khi giải ngân cho vay đến thời điểm hiện nay, ông Minh vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm trả lãi vay cho ngân hàng.
Nhìn nhận về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Tấn Thi, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoa Sen cho rằng: "Theo quy định pháp luật, bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án, vì vậy các giao dịch của bên liên quan sau khi có bản án phúc thẩm sẽ thuộc trường hợp bên thứ 3 ngay tình. Mọi phán xử sau đó, đều phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ 3".