Sử dụng nhãn hiệu để bảo vệ doanh nghiệp
Phát biểu tại buổi tập huấn, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Ngô Hồng Phong cho biết, thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tuy nhiên, một số doanh nghiệp chưa chú trọng đến việc gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hoá nên đã xảy ra tình trạng trùng nhãn hiệu hoặc lợi dụng các nhãn hiệu uy tín để thu lợi bất chính. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu không chỉ bảo vệ doanh nghiệp mà còn mang đến rất nhiều lợi ích khác, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động lưu thông, chào bán, xuất nhập khẩu hàng hoá…
Cũng theo ông Phong, một nhãn hiệu được bảo hộ có uy tín đối với người tiêu dùng có thể được sử dụng để huy động vốn từ các tổ chức tài chính ngân hàng hoặc các quỹ đầu tư mạo hiểm. Thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ cho thấy, hiện nay, các nhãn hiệu của tất cả các loại hàng hóa đăng ký nội địa là khoảng 50.000 đơn/năm, nhưng chỉ có khoảng 300 đơn yêu cầu đăng ký bảo hộ tại quốc tế. Các nhãn hiệu sản phẩm nông sản thì càng ít hơn và mới chỉ quan tâm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài trong thời gian gần đây.
Tính đến tháng 12.2022, cả nước có 1.899 nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận đối với các sản phẩm nông sản, trong đó 1.430 nhãn hiệu tập thể, 469 nhãn hiệu chứng nhận. Những sản phẩm bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận chủ yếu là những sản phẩm hoa quả, chè, cafe... Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 471 nhãn hiệu, trong đó 399 nhãn hiệu tập thể, 72 nhãn hiệu chứng nhận, chiếm tỷ lệ khoảng 24,8%; khu vực Tây nguyên có 108 nhãn hiệu bao gồm 38 nhãn hiệu tập thể, 70 nhãn hiệu chứng nhận, chiếm tỷ lệ khoảng 5,7%. Điều này cho thấy số lượng đăng ký và chứng nhận nhãn hiệu nông sản, thủy sản vẫn còn thấp so với sản phẩm tiềm năng sẵn có của địa phương.
Phải bắt đầu từ sản phẩm có chất lượng
Tham gia buổi tập huấn, đại diện các doanh nghiệp đã được nghe nhiều kinh nghiệm đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp lớn trong cả nước, đặc biệt là việc lựa chọn công ty đối tác hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý, đó là những công ty có uy tín cao và chuyên nghiệp để họ có thể kịp thời tư vấn doanh nghiệp chỉnh sửa, cập nhật thông tin và đề xuất giải pháp khi hồ sơ gặp trục trặc, các đối tác cũng phải có năng ngoại ngữ để chủ động theo dõi tiến độ của các đơn tại các lãnh thổ khác.
Chị Phương Minh, đại diện công ty Vĩnh Tiến chuyên nuôi và xuất khẩu cá tra tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp cho biết, lâu nay công ty chỉ chú trọng đến chất lượng và mẫu mã hình ảnh đẹp sẽ được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn sử dụng, tuy nhiên, khi được tham gia tập huấn về đăng ký bảo hộ nhẫn hiệu sản phẩm của doanh nghiệp mới thấy tầm quan trọng vì sao phải xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu.
Để xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu bền vững, đại diện các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm nông sản nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý và thực thi về bảo hộ nhãn hiệu. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên tuyền hướng dẫn, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký nhãn hiệu đối với sản phẩm trong nước và hỗ trợ đăng ký tại một số nước trên thế giới. Gắn phát triển xây dựng nhãn hiệu chung sản phẩm nông sản với quản lý xây dựng mã số vùng trồng, mã số doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản và liên kết giữa người nông sân, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản. Đồng thời, cần sự phối kết hợp chặt chẽ phát triển nhãn hiệu sản phẩm nông sản với Chương trình mỗi xã một sản phẩm để đảm bảo giá trị, lợi ích cộng đồng đối với các nhãn hiệu được bảo hộ.
Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, để xây dựng các thương hiệu thành công, trước hết phải bắt đầu từ sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Đây là yếu tố căn bản mà nếu không có thì dù nỗ lực đến đâu cũng không thể tạo được hình ảnh tốt đẹp cho thương hiệu trên thị trường. Do đó, đề nghị các doanh nghiệp xây dựng và vận hành hệ thống quản trị nhãn hiệu của doanh nghiệp bao gồm kiểm soát chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu; kiểm soát và quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm trong chuỗi liên kết; kỹ thuật sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm; truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; Quy chế sử dụng nhãn hiệu sản phẩm nông sản... Phát triển sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu, tổ chức giám sát việc tuân thủ Quy chế sử dụng nhãn hiệu, kiểm tra quy trình sản xuất, kinh doanh; kiểm tra hàng hóa, dịch vụ lưu thông trên thị trường để đảm bảo sản phẩm cung ứng đến người tiêu dùng đạt chất lượng cao nhất.