Trả lời:
Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024 được ban hành theo Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 23.1.2017 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện song song với quá trình triển khai Luật Hộ tịch. Đây là sự hiện thực hóa cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị cấp Bộ trưởng (lần thứ nhất) khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đăng ký, thống kê hộ tịch do Ủy ban Kinh tế - Xã hội Liên Hợp Quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) tổ chức tại Bangkok, Thái Lan vào tháng 11.2014. Theo đó, Việt Nam nỗ lực xây dựng một hệ thống đăng ký, thống kê hộ tịch hiện đại, tiến bộ để cung cấp dữ liệu nhân thân nhằm xác lập định danh pháp lý cho mỗi cá nhân, phục vụ xây dựng chính sách công dựa trên bằng chứng. Đây là yêu cầu cấp thiết để Việt Nam đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030.
Các mục tiêu của tổng quát của Chương trình gồm: Bảo đảm các sự kiện hộ tịch được đăng ký kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật; Bảo đảm mọi người dân đều được cấp Giấy khai sinh, Trích lục khai tử; Số liệu đăng ký hộ tịch được thống kê, tổng hợp đầy đủ, chính xác, kịp thời được công bố công khai, minh bạch; Thiết lập cơ chế phối hợp thống nhất giữa các ngành có liên quan bảo đảm hoạt động đăng ký, thống kê hộ tịch có chất lượng, hiệu quả.
Chương trình đăng ký và thống kê hộ tịch được thực hiện ở cả Trung ương và địa phương. Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối trong việc triển khai các nhiệm vụ của Chương trình, giữ vai trò thường trực Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện Chương trình đăng ký và thống kê hộ tịch. Có 12 bộ, ngành ở Trung ương và tất cả các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương tham gia triển khai Chương trình đăng ký và thống kê hộ tịch.
Để đạt các mục tiêu của Chương trình đến năm 2024, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình để bảo đảm sự cam kết và phối, kết hợp có hiệu quả giữa các ngành, các cơ quan có liên quan thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình; Xây dựng Quy chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc cập nhật, chia sẻ dữ liệu từ các chuyên ngành; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, thống kê hộ tịch, đặc biệt thí điểm liên thông cấp giấy chứng sinh - đăng ký sinh, cấp giấy báo tử - đăng ký khai tử và các sự kiện hộ tịch khác trên môi trường điện tử;
Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực hộ tịch; đề xuất đổi mới, hoàn thiện tổ chức hệ thống cơ quan làm công tác đăng ký hộ tịch, bảo đảm chuyên nghiệp, hiệu quả; Tăng cường đầu tư nguồn lực thực hiện Chương trình, bao gồm nâng cao năng lực công chức tại các cơ quan đăng ký hộ tịch và các cơ quan có liên quan, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm các cơ sở dữ liệu chuyên ngành có khả năng kết nối chia sẻ dữ liệu; Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về đăng ký, thống kê hộ tịch nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người dân, cơ quan, tổ chức trong các hoạt động đăng ký, thống kê hộ tịch.
(Chuyên mục được thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Bộ Tư pháp, UNFPA và Vital Strategies)