Thị trường xuất khẩu luôn biến động
Là loài cá thịt trắng nuôi đặc hữu, sản lượng nuôi cá tra của Việt Nam luôn chiếm 95% trong tổng sản lượng nuôi cá tra trên toàn thế giới. Theo Báo cáo của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, sản phẩm cá tra đã được xuất khẩu sang hơn 140 thị trường trên thế giới. Sự phổ biến của cá tra và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đưa cá tra đi khắp năm châu, đã giúp mang về nguồn ngoại tệ lớn mỗi năm. Với kim ngạch xuất khẩu từ 1,5 - 2,4 tỷ USD/năm, cá tra đã chiếm 16 - 26% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Trong 10 năm qua, xuất khẩu cá tra luôn trong trạng thái biến động thất thường. Kim ngạch xuất khẩu cá tra từng lập mốc kỷ lục hơn 2 tỷ USD vào năm 2012, sau đó liên tục sụt giảm trong các năm tiếp theo và hồi phục vào năm 2018 với mốc kỷ lục 2,26 tỷ USD, năm 2019 đạt 2 tỷ USD. Đến năm 2020, xuất khẩu cá tra lao dốc xuống mức thấp nhất là gần 1,5 tỷ USD. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến nhu cầu tiêu dùng giảm sút, nghiêm trọng hơn là sự đứt gãy chuỗi logistic thương mại toàn cầu, giá cước vận tải biển tăng mạnh khiến cho doanh nghiệp cá tra không thể trụ được trên những thị trường xa như châu Mỹ, châu Âu. Từ năm 2021 đến nay, xuất khẩu cá tra vẫn trong tình trạng lên xuống thất thường do chịu ảnh hưởng lớn từ các yếu tố khách quan. Mặc dù, những tháng cuối năm 2023, xuất khẩu cá tra đang có tín hiệu khả quan từ nhiều thị trường, tuy nhiên, ngành hàng này vẫn đang đối diện với nhiều thách thức lớn.
Theo đại diện một số doanh nghiệp, ngành nuôi giống cá tra, vẫn còn tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, quản lý dịch bệnh chưa tốt, dẫn đến chuỗi cung ứng không ổn định, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế… Bên cạnh đó, hiện nay chưa có nhiều cơ sở sản xuất cá tra giống đạt được giấy chứng nhận sản xuất và ương dưỡng giống sạch bệnh. Mặc dù hiện nay chỉ Mỹ có yêu cầu bắt buộc này, nhưng đây sẽ là xu hướng của thị trường trong tương lai về tuân thủ quy định của pháp luật. Đây cũng sẽ là động lực giúp thay đổi điều kiện sản xuất ương giống tốt hơn. Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn Huỳnh Đức Trung cho hay: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch nuôi trồng, tiêu thụ cũng như kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi lẽ, đây là cơ sở để được cấp chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm cho toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng, bảo đảm điều kiện để cá tra xuất khẩu bền vững tại các thị trường khó tính”.
Hướng đến tính “ổn định, bền vững”
Thực tế hiện nay, vấn đề ATTP chuỗi sản xuất, chế biến cá tra hiện là một trong những vấn đề đáng lo ngại. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng phát hiện một số cơ sở nuôi chưa bảo đảm điều kiện nuôi, cơ sở hạ tầng vùng nuôi. Ngoài ra, công tác quản lý điều kiện nuôi trồng và điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở nuôi, cơ sở ương giống còn nhiều hạn chế. Công đoạn chế biến một số cơ sở duy trì điều kiện vệ sinh nhà xưởng, trang thiết bị chưa tốt, còn tình trạng lạm dụng phụ gia, mạ băng… Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị, ngành hàng cá tra nên tìm kiếm, mở rộng thị trường tiềm năng; xây dựng lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Đồng thời, các đơn vị liên quan và các địa phương, doanh nghiệp cần đẩy mạnh rà soát, khắc phục lỗi trong bảo đảm ATTP. Bên cạnh đó, đối với địa phương cần tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm trong việc kinh doanh, phân phối thuốc thú y thủy sản cấm sử dụng; liên tục cập nhật, phổ biến về quy định, yêu cầu của cơ quan thẩm quyền các thị trường cho doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu khi có thay đổi.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành sản xuất và xuất khẩu cá Tra của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, chiếm tỷ lệ cao trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh chóng có thể dẫn đến những tác động tiêu cực đến môi trường và các vấn đề xã hội. Do đó đòi hỏi, các nhà sản xuất, chế biến, xuất khẩu, quản lý ngành và hoạch định chính sách cần quan tâm cho hướng phát triển bền vững của ngành cá tra.
Trao đổi với phóng viên, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nguyễn Như Tiệp cho hay, nhằm hướng tới tính “ổn định, bền vững” cho ngành hàng cá tra Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giao Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường xây dựng kế hoạch triển khai mô hình điểm các chuỗi cung ứng hàng hóa; bảo đảm ATTP từ con giống, vùng nuôi đến sơ chế, chế biến. Trong đó, các địa phương trong vùng cần có kế hoạch quản lý các cơ sở giống để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm trong chuỗi. Hiện, cục đang rà soát, khảo sát thực tế để xây dựng kế hoạch triển khai trong thời gian sớm nhất.
Theo ông Tiệp, các địa phương, doanh nghiệp, người nuôi cá tra cần tuân thủ quy định liên quan đến quản lý ngành cá tra, đặc biệt là việc kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất, truy xuất nguồn gốc, ATTP và bảo vệ môi trường. Chất lượng con giống, chất lượng vật tư thủy sản và sản phẩm được kiểm soát tốt. Những công nghệ mới nhất cần được ứng dụng vào ngành hàng cá tra; trong đó, giống chất lượng cao là khâu then chốt, yếu tố quyết định để ngành hàng cá tra phát triển bền vững. Đặc biệt, trong tương lai, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cần hình thành cụm sản suất cá tra khép kín từ khâu ương dưỡng giống cá, nuôi cá bột, cá thương phẩm và chế biến phi lê xuất khẩu đáp ứng đủ các điều kiện sản xuất an toàn (BRC, ISO, HACCP…). Làm được điều này sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm cá tra ở tất cả các khâu; dễ áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất tập trung, giảm bớt chi phí, tăng lợi nhuận. Người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang sử dụng dễ dàng, từ đó, nâng cao hình ảnh, củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm cá tra Việt Nam.
------------
Chương trình có sự phối hợp của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường