Bảo đảm thuận tiện cho công nhân trong khu công nghiệp
Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (Điều 90 và Điều 92) hiện còn có 2 loại ý kiến.
Theo đó, nhiều ý kiến tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của khu công nghiệp như quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình vì cho rằng phù hợp với chủ trương của Đảng về “Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp” (Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị), bảo đảm triển khai thuận lợi vì thủ tục đầu tư xây dựng rút gọn do đồng bộ với khu công nghiệp; gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; thuận tiện cho công nhân trong sinh hoạt, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, giảm ùn tắc giao thông... Tuy nhiên, theo phương án này thì phải bổ sung các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn về môi trường, xác định rõ quy mô, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; sửa đổi Điều 19 của Luật Đầu tư để cho phép xây dựng các hạ tầng xã hội của khu công nghiệp trong hàng rào khu công nghiệp.
Một số ý kiến đề nghị không quy định việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp vì không bảo đảm thống nhất với Điều 19 và Điều 77 của Luật Đầu tư. Việc xây dựng nhà lưu trú công nhân cần hạn chế đưa vào khu công nghiệp để bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự trong khu công nghiệp. Thời gian qua, Nhà nước ta thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh ra khỏi khu dân cư để chống ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nếu dự thảo Luật quy định công nhân sinh sống trong khu công nghiệp, cạnh các cơ sở sản xuất thì không phù hợp với chủ trương nêu trên. Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định phải xây dựng “nhà ở” cho công nhân khu công nghiệp chứ không phải “nhà lưu trú”, đồng thời, Nghị quyết cũng không xác định cụ thể vị trí xây dựng “nhà ở” cho công nhân phải ở “trong khu công nghiệp”.
Quy định cụ thể hơn một số nội dung về tiêu chí chất lượng nhà ở
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đánh giá các nội dung của dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ theo các góp ý của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm.
Bên cạnh đó, quy định về nhà lưu trú công nhân là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu. ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đề nghị, cần làm rõ nhà lưu trú công nhân có được xem là nhà ở hay không, và nếu không thì cần xem xét lại vì có thể nội dung này nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở.
Bày tỏ đồng tình, ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, đối với nội dung về xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, trước hết cần tách riêng nội dung về xây dựng nhà ở xã hội và nội dung xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thành hai điều riêng. Bởi, hai nội dung này hoàn toàn khác nhau, không nên gộp chung như dự thảo Luật hiện nay. ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) cũng lưu ý, cần xác định rõ nội hàm giữa nhà ở của công nhân và nhà lưu trú của công nhân.
Cơ bản nhất trí với Điều 26 đến Điều 29 trong dự thảo Luật về chiến lược phát triển nhà ở, tuy nhiên, ĐBQH Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị, cần quy định cụ thể hơn một số nội dung về tiêu chí chất lượng nhà ở, diện tích bình quân đối với từng loại nhà ở thương mại xã hội, công vụ phục vụ tái định cư, nhà ở theo chương trình mục tiêu quốc gia, nhà lưu trú công nhân để phù hợp với đặc thù địa hình, mật độ dân cư, thiết chế văn hóa tổng thể và hạ tầng kinh tế kỹ thuật của đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo… Đồng thời, đề nghị làm rõ nhà lưu trú công nhân thuộc loại hình nào trong 6 loại hình được quy định tại Điều 31 dự thảo Luật.
Liên quan đến kế hoạch phát triển nhà ở, tại khoản 1 Điều 29 dự thảo Luật quy định “Trên cơ sở chương trình phát triển nhà ở đã được phê duyệt, UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở; trường hợp trong kế hoạch có sử dụng nguồn vốn ngân sách để phát triển nhà ở thì phải lấy ý kiến của HĐND cùng cấp trước khi phê duyệt”. ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai (TP. Hà Nội) cho rằng, quy định như vậy là không cần thiết. Bởi trên thực tế, tất cả các dự án trong kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được trình HĐND, căn cứ để ban hành kế hoạch phát triển nhà ở cũng đã trình HĐND. Như vậy, cùng một nội dung thì có đến ba lần trình HĐND về kế hoạch, chương trình và gồm cả kế hoạch đầu tư công, tạo thêm nhiều thủ tục với UBND cấp tỉnh. Do đó, đại biểu đề nghị không quy định nội dung này, nếu trường hợp thấy cần phải kiểm soát, giám sát thì giao quyền cho Thường trực HĐND.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu giải trình, tiếp thu đầy đủ, kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu Quốc hội và ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan, các tổ chức hữu quan để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu.