
Lai lịch bài võ sáo
Để phát triển và khôi phục nền võ thuật của tỉnh, ngay từ những năm 1989 Sở TDTT Hà Bắc (cũ) đã đầu tư ưu tiên vùng trọng điểm là huyện Yên Thế, cùng lúc thành lập nhóm nghiên cứu sưu tầm, tìm kiếm những di sản còn tiềm ẩn trong các bô lão, võ sư ở các bản làng. Một trong những bài võ tìm được là bài Thiết địch thần phong, Ngọc tiêu diệu khúc (Cây sáo sắt mạnh như gió thần với những tiếng tiêu du dương tuyệt diệu) và sau này được đổi tên là Bóng trăng phồn xương. Lúc đó bài võ sáo chỉ còn duy nhất một người có thể chơi được, cụ Triệu Úy, người dân tộc Tày bản Rừng Phe, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế. Cụ học được bài võ qua cậu ruột vốn là người võ nghệ xuất chúng của Nghĩa Quân Yên Thế. Lúc nhóm sưu tầm tìm được cụ và bài võ sáo thì cụ đã 82 tuổi. Ở cái tuổi gần đất xa trời vậy mà cụ vẫn đau đáu nỗi niềm chưa có truyền nhân để truyền lại cây sáo cũng như bài võ sáo Thiết địch thần phong. Trong nhóm sưu tầm năm đó có ông Trịnh Như Quân, cán bộ Sở TDTT (cũ), vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ nghệ. Ngay từ khi nghe cụ Úy kể câu chuyện của bài võ sáo, ông Quân đã tỏ ra thích thú và xin được làm môn đệ của cụ. Vậy là cây sáo cùng bài võ sáo của nghĩa quân Yên Thế đã có truyền nhân.
Kỳ nhân cùng cây sáo sắt kỷ lục
Sau 2 năm luyện tập, đến năm 1993 Thiết địch thần phong ra mắt công chúng lần đầu tiên tại Hội Đền Suối Mỡ (Lục Nam). Là người ham học, sau nhiều ngày nghiên cứu võ sáo, ông Quân đã chế tạo lại cây sáo sắt đẩy nghệ thuật võ sáo lên một bậc. Ông thổi cho tôi nghe bài Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong bằng cây sáo mang tên Tiêu Tương. Tiếng sáo dìu dặt, nhẹ nhàng như đưa người nghe về bến sông Tương nửa đầu thế kỷ trước ngồi uống rượu ngắm mưa trên sông. Dứt bài, ông giải thích cho tôi nghe vì sao cây sáo lại được làm bằng sắt mà không phải những chất liệu khác: “Tôi đã thử làm trên nhiều chất liệu và đúc rút ra chỉ có sắt mới thích hợp để chế tạo sáo. Sắt không chỉ là một thứ kim loại nặng, dùng làm vũ khí mà nó cho âm thanh rất chuẩn. Sáo thuộc tông đô trưởng, cây sáo này có thể hòa nhạc điện tử, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn âm nhạc và được thẩm định qua nhiều kỳ hội diễn”.
Ông đặt tên cho 3 cây sáo của mình: Tiêu Tương dài 1m6 nặng 4kg, Cõi Thiên Thai dài 1m3 nặng 3,6kg và Giọt mưa Thu 1m nặng 2,8kg. Nhìn cách ông nâng niu ba cây sáo đủ biết ông phải rất kỳ công với chúng, biến chúng từ những cây sáo vô cảm, vô hồn thành những người bạn thân thiết.
Phải trực tiếp xem ông biểu diễn mới thấy cái tinh hoa võ học cũng như âm nhạc của cha ông được đưa vào bài võ sáo. Chẳng hạn như với bài Bóng trăng phồn xương diễn tả cảnh trời mây non nước hữu tình và thể hiện khát vọng của người võ sỹ đó là tự do. Thoạt tiên, ông nhẹ nhàng nhấc cây sáo trên tay, đứng thế hạc tấn, ngón trỏ như mỏ hạc ngước lên trời, ý rằng trăng đang mơ màng sáng. Rồi chuyển thế trảo mã tấn, mắt nhìn đất, người khom, tay khua nhẹ trong không gian, ý rằng đang thưởng nguyệt trên hồ nước vừa thổi sáo vừa đánh võ. Xem ông “khiển” cây sáo sắt một cách linh hoạt mới thấy ông quả là người có nội công “thâm hậu”. Khi tiếng sáo cất lên, người nghe như lạc vào cảnh núi rừng Yên Thế trong một đêm trăng 100 năm về trước.
Nỗi niềm người chơi sáo
Trung tuần tháng 6 vừa qua, bộ phim tài liệu Võ sáo đất Kinh Bắc, nói về quá trình khôi phục và sáng tạo của võ sáo, đã đoạt giải Nhì Liên hoan Điện ảnh và truyền hình thể thao quốc tế lần thứ nhất. Hiện bộ phim đang được gửi đi dự thi ở Milan, Italy. Ngày 5.8 vừa qua, võ sư Trịnh Như Quân đã có buổi biểu diễn võ sáo tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trước sự chứng kiến của đại biểu 64 tỉnh thành và được lãnh đạo Học viện tặng danh hiệu “Kỳ sáo Kinh Bắc”.
18 năm qua, ngoài việc trau dồi kiến thức âm nhạc và võ học, ông Quân đã cố công tìm kiếm không biết bao nhiêu môn sinh để có thể làm một việc là bảo tồn võ sáo. Có những tháng ông mời học trò về nhà nuôi ăn ở, cốt tuyển chọn được người để truyền nghề, nhưng đến nay các học trò của ông vẫn chưa thể thay ông lưu giữ hồn sáo Yên Thế. Nhiều đệ tử có khiếu âm nhạc say mê cây sáo của ông nhưng không đủ sức để có thể vừa chơi sáo vừa đánh võ. Bởi, để có thể hoàn thiện nghệ thuật võ sáo phải đẩy nghệ thuật biểu diễn sáo sắt đến độ âm thanh và đường thế tấn công của vũ khí như gió, như mây, như bão táp mưa sa.
Hàng ngày, ông Quân vẫn đi đến các CLB võ tại TP Bắc Giang để dạy võ và truyền kiến thức võ sáo cho các em nhỏ. Có khi trên đường về các miền quê để sưu tầm các thế võ ông mang theo cây sáo, sẵn sàng thổi hàng giờ phục vụ bà con và kể cho họ nghe về võ sáo. Mong ước lớn lớn nhất của ông là làm sao cho lớp thanh thiếu niên trong tỉnh và cả nước biết đến võ sáo Yên Thế, qua đó có thể tìm được truyền nhân thế hệ tiếp theo.