Tham dự Đại hội có: Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, đại diện Cục Hàng không cùng các cổ đông hiện hữu của Vietnam Airlines.
Một năm nặng thách thức
Năm 2022, các hãng hàng không phải đối mặt với khó khăn và thách thức lớn khi chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt là chi phí nhiên liệu. Mức giá nhiên liệu bình quân năm 2022 là 124,4 USD/thùng, cao hơn 14,1 USD/thùng so kế hoạch (110,26 USD/thùng), khiến chi phí nhiên liệu năm 2022 tăng do giá khoảng 2.482 tỷ. So với năm 2019, chi phí nhiên liệu tăng do giá khoảng 7.625 tỷ đồng. Năm 2022 cũng là năm đồng USD tăng giá mạnh nhất so với các đồng tiền bản tệ trong 2 thập kỷ. Tỷ giá USD/VND tăng cao tác động trực tiếp làm tăng chi phí đầu vào.
Đặc biệt, 2022 còn là năm chứng kiến nhiều biến động lớn về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu. Khi thị trường vận tải hàng không quốc tế mới chỉ được mở cửa trở lại chính thức từ 15.3. Nhiều quốc gia vẫn chưa gỡ bỏ hoàn toàn các quy định về nhập cảnh, cách ly và hành khách vẫn còn tâm lý e ngại khi di chuyển. Thị trường lớn Trung Quốc đóng băng do chính sách “zero - Covid” và ngay sau đó là xung đột chính trị giữa Nga - Ukraine cùng với nguy cơ tiềm ẩn suy thoái kinh tế Châu Âu.
Những con số ấn tượng
Trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều bất lợi, Vietnam Airlines đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ứng phó, đảm bảo khả năng hoạt
động liên tục, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững năm 2023 và các năm tiếp theo.
Trong đó, công tác điều hành sản xuất được chú trọng. Năm 2022, Vietnam Airlines đã chủ động xây dựng kế hoạch theo nhiều kịch bản, tích cực điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với diễn biến phục hồi của thị trường trên tinh thần đảm bảo an toàn tuyệt đối về phòng chống dịch bệnh và cân đối hiệu quả khai thác. Đến cuối năm 2022, Vietnam Airlines đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa so với thời điểm trước dịch và khai thác trở lại hơn 70% số đường bay quốc tế; các chỉ tiêu sản lượng vận chuyển đều vượt 7% - 8% so kế hoạch năm.
Các đường bay quốc tế được Vietnam Airlines nỗ lực nối lại và mở rộng, kết thúc năm 2022, Vietnam Airlines có mạng đường bay quốc tế gồm 44 đường bay đến 25 điểm thuộc 16 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Vietnam Airlines cũng thực hiện giải pháp cắt giảm chi phí, triệt để tiết kiệm. Tổng chi phí cắt giảm trong năm 2022 đạt xấp xỉ 7.226 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cắt giảm được nhờ các giải pháp tự thân như nỗ lực đàm phán giảm giá, tiết kiệm… đạt khoảng 4.294 tỷ đồng.
Bằng tinh thần chủ động ứng phó, thực hiện quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu, tăng doanh thu, Vietnam Airlines đã đạt được những kết quả khả quan hơn so với kế hoạch năm 2022 đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông.
Kết thúc năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 71.775 tỷ đồng, cao hơn 20% so với kế hoạch mà đại hội cổ đông đề ra và gấp 2,4 lần kết quả năm 2021. Số lỗ hợp nhất đã giảm so với kế hoạch đã báo cáo ĐHĐCĐ thường niên 2022.
Vietnam Airlines thực hiện vận chuyển 18,24 triệu lượt hành khách, vượt 7,5% so kế hoạch. Trong đó, sản lượng khách quốc tế đạt hơn 2,47 triệu khách; khách nội địa đạt 15,77 triệu khách, vượt 9% so kế hoạch và tăng 14,2% so với năm 2019.
Năm 2022, Vietnam Airlines cũng ghi dấu ấn khi đạt được 16 giải thưởng lớn trong nước và quốc tế như: Giải thưởng World Travel Award (Global): Hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hóa; Giải thưởng World Travel Award (Asia): Hãng hàng không hàng đầu châu Á về hạng ghế Phổ thông và Thương hiệu hàng không hàng đầu châu Á; Giải thưởng Sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia 2022; Giải thưởng YouGov Top 10 thương hiệu tốt nhất Việt Nam 2022... Các giải thưởng này giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu của Vietnam Airlines, góp phần tạo thiện cảm tốt cho đối tác, khách hàng về các sản phẩm, dịch vụ, thúc đẩy hoạt động phát triển bán, tăng doanh thu.
Bước sang năm 2023, sau khi hàng loạt các quốc gia mở cửa hoàn toàn, các đường bay nội địa và quốc tế thường lệ đến các nước được nối lại đã giúp ngành hàng không duy trì hoạt động vận chuyển hành khách, cân đối được dòng tiền trong ngắn hạn.
Trong nửa đầu năm 2023, đà phục hồi thị trường vận tải hàng không diễn ra khá mạnh mẽ trong 4 tháng đầu năm, tuy nhiên đã có xu hướng chậm lại trong quý 2; hoạt động vận tải hàng không quốc tế vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức trước đại dịch; các yếu tố đầu vào quan trọng (giá nhiên liệu, lãi suất) tuy đã bình ổn hơn nhưng vẫn ở mức cao. Trong nửa sau năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu tăng cao, tỷ giá USD diễn biến bất lợi và khó lường.
Phát biểu tại Đại hội, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết: “Chúng tôi đánh giá có cả cơ hội và thách thức song hành. Để vượt qua thách thức, nắm bắt các cơ hội phục hồi và phát triển, Vietnam Airlines đã xây dựng các kế hoạch và giải pháp đồng bộ trên mọi lĩnh vực. Trong đó, Hãng đặc biệt chú trọng triển khai Đề án tái cơ cấu, với các giải pháp hướng đến mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024.”
Vietnam Airlines sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai các giải pháp tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động xây dựng và triển khai các giải pháp tái cơ cấu tài chính, tái cấu trúc tài sản, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng nguồn lực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, bám sát chiến lược chuyển đổi số Vietnam Airlines giai đoạn 2022 - 2026. Theo đó, tiếp tục mục tiêu trở thành hãng hàng không số, tạo nền tảng để Vietnam Airlines tiếp tục phát triển hiệu quả và bền vững.