
Gói thầu xây lắp 01 dự án đầu tư xây dựng kè Nhà Mát đoạn từ cầu Nhà Mát đến Cống Nhà Mát , TP. Bạc Liêu do Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng (ĐTXD) các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thông (PTNT) tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư và bên mời thầu. Gói thầu có 12 nhà thầu tham dự gồm có: Công ty CP XD Thương mại Thới Bình (Công ty Thới Bình); Công ty CP ĐT XD Công nghệ mới Phúc Tấn; Công ty CP ĐT và Phát triển Vinaco; Công ty CP ĐT XD Đại Đông Hải; Công ty TNHH XD Thương mại dịch vụ D.N.T; Công ty TNHH XD và Khảo sát công trình Thanh Tuấn; Công ty TNHH XD Thương mại Minh Quốc; Công ty CP XD Tân Nam; Công ty CP Đầu tư Quốc Việt; Công ty TNHH XD Thành Phát; Công ty CP Cầu đường 10; Công ty CP Xây lắp Thủy sản II.
Qua xem xét hồ sơ dự thầu của các đơn vị chỉ có duy nhất Công ty Thới Bình đạt các tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu.
Ngày 25.7.2024, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Minh Đức đã ký quyết định phê duyệt cho Công ty Thới Bình trúng thầu gói thầu xây lắp 01 dự án đầu tư xây dựng kè Nhà Mát (Bạc Liêu) với giá hơn 132,9 tỷ đồng.

Các đơn vị bị loại đều là những nhà thầu giàu kinh nghiệm, từng tham gia đấu thầu rất nhiều gói thầu lớn với tổng trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
Trong đó, Công ty Tân Nam đã tham gia 81 gói, trúng 64 gói với tổng giá trị hơn 38.088 tỷ đồng; Công ty Thành Phát đã tham gia 57 gói, trúng 34 gói với tổng giá trị hơn 16.448 tỷ đồng; Công ty Cầu đường 10 đã tham gia 98 gói, trúng 71 gói với tổng giá trị hơn 7.481 tỷ đồng; Công ty Thanh Tuấn đã tham gia 68 gói, trúng 51 gói với tổng giá trị hơn 12.629 tỷ đồng; Công ty Đại Đông Hải đã tham gia 81 gói, trúng 40 gói với tổng giá trị hơn 2.381 tỷ đồng; Công ty Minh Quốc đã tham gia 98 gói, trúng 72 gói với tổng giá trị hơn 2.556 tỷ đồng; Công ty Thủy sản II đã tham gia 65 gói, trúng 42 gói với tổng giá trị hơn 2.280 tỷ đồng…
Tuy nhiên, các đơn vị đều đồng loạt trượt thầu vì những lỗi “sơ đẳng” như: Hồ sơ dự thầu không hợp lệ; không đáp ứng yêu cầu về hợp đồng kinh nghiệm tương tự; không đủ hồ sơ nhân sự; không đủ hồ sơ thiết bị…
Bên cạnh đó, ngay trước và sau thời điểm đấu thầu dự án này, với cả vai trò độc lập và liên danh các nhà thầu trên vẫn trúng nhiều gói thầu xây lắp khác.
Cụ thể, Công ty Cầu đường 10 trúng 9 gói thầu với tổng giá trị hơn 1.260,9 tỷ đồng; Công ty Thành Phát trúng 10 gói thầu với tổng giá trị hơn 6.360,6 tỷ đồng; Công ty Thanh Tuấn trúng 3 gói thầu với tổng giá trị hơn 537,8 tỷ đồng; Công ty Quốc Việt trúng 3 gói thầu với tổng giá trị hơn 355,9 tỷ đồng; Công ty Tân Nam trúng 2 gói thầu với tổng giá trị hơn 193,1 tỷ đồng; Công ty D.N.T trúng 2 gói thầu với tổng giá trị hơn 158,7 tỷ đồng; Công ty Đại Đông Hải trúng 5 gói thầu với tổng giá trị hơn 124,3 tỷ đồng…
Đáng chú ý, trước những thiếu sót này, bên mời thầu đã có nhiều công văn yêu cầu các nhà thầu làm rõ và bổ sung hồ sơ còn thiếu. Tuy nhiên, các đơn vị trong liên danh không phản hồi.
Câu hỏi đặt ra là nếu thực sự các doanh nghiệp không có đủ năng lực làm hồ sơ dự thầu, tại sao họ vẫn trúng nhiều gói thầu xây lắp khác? Nếu họ có đủ hồ sơ, vì sao lại đồng loạt không nộp bổ sung? Liệu đây có phải chỉ là sự "tham dự cho có" để hợp thức hóa việc đủ điều kiện mở thầu, góp phần giúp Công ty Thới Bình trúng thầu dễ dàng?
Khoản 5 Điều 131 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định về việc xử lý tình huống trong đấu thầu qua mạng và không qua mạng như sau:
“Trường hợp tại thời điểm đóng thầu đối với gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường mà chỉ có 1 hoặc 2 nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu thì chủ đầu tư xem xét, giải quyết trong thời hạn không quá 4h kể từ thời điểm đóng thầu theo một trong hai cách sau đây:
- Cho phép gia hạn thời điểm đóng thầu nhằm tăng thêm số lượng nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu.
- Cho phép mở thầu ngay để tiến hành đánh giá".
Các chuyên gia đấu thầu nhận định, tình trạng một số nhà thầu tham gia cho có chỉ để dự cho "đủ" điều kiện mở thầu, sau đó bị loại với lý do sơ sài, là dấu hiệu của hiện tượng "quân xanh, quân đỏ", chiến thuật làm méo mó thị trường đấu thầu. Khi đó, các nhà thầu "cùng hội cùng thuyền" thay nhau thắng thầu theo kịch bản định sẵn, khiến quy trình đấu thầu mất đi tính cạnh tranh thực sự.
Để chấn chỉnh hoạt động đấu thầu, Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu. Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đặc biệt đối với các gói thầu có ít nhà thầu tham gia, tỷ lệ tiết kiệm thấp hoặc không thực hiện đấu thầu qua mạng. Việc kiểm tra, giám sát này nhằm đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả kinh tế của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, đồng thời kịp thời phát hiện, xử lý các hạn chế và vi phạm theo quy định.
Hiện dư luận đang băn khoăn việc vì sao 11 nhà thầu có nhiều kinh nghiệm lại đồng loạt bị loại vì những lỗi “sơ đẳng”? Do các đơn vị này thực sự không có đủ hồ sơ hay nhà thầu chỉ dự thầu cho có giúp đủ điều kiện thuận lợi mở thầu?
Công ty CP XD Thương mại Thới Bình có trụ sở tại số 6-8 đường 30, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh, do ông Võ Chí Hải (SN 1985) làm đại diện pháp luật, hiện có vốn điều lệ 325 tỷ đồng. Theo dữ liệu từ mạng đấu thầu, với cả vai trò độc lập và liên danh, từ năm 2014 đến tháng 2.2025, Công ty Thới Bình đã trúng 91 gói thầu đầu tư công với tổng giá trị hơn 12.300,7 tỷ đồng.
* Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục giám sát, thông tin vụ việc đến bạn đọc và cử tri cả nước.