Tại đây, Cao Bá Quát là thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa lớn, sử gọi là khởi nghĩa Cao Bá Quát (1854 - 1855). Triều đình Tự Đức (1848 - 1883) thẳng tay đàn áp và Cao Bá Quát đã anh dũng hy sinh vì nghĩa lớn. Về cái chết của Cao Bá Quát, người xưa cắt nghĩa rất nhiều cách khác nhau. Một trong số những cách cắt nghĩa đó đã được sách Bản triều bạn nghịch liệt truyện ghi lại như sau:
“Nguyên xưa, Cao Bá Quát làm gia sư cho quan Tri huyện Tiền Hải(1). Viên Tri huyện này là Tú tài xuất thân, về hưu với chức Tri Huyện, được làm Thủ Chỉ xã Cửu Cao, huyện Văn Giang(2). Xã ấy có viên Cai Tổng tên là Khản, vẫn tỏ ý không phục Tri huyện hồi hưu đang giữ chức Thủ Chỉ nên mỗi khi có việc làng, hắn thường hay kiếm cớ cản trở hoặc phá rối. Viên Tri huyện hồi hưu không sao chịu nổi, bèn bàn mưu tính kế với gia sư là Cao Bá Quát. Cao Bá Quát bèn sai một người học trò nghèo đến nhà Cai Tổng Khản xin ăn. Cai Tổng thử tài thơ văn, thấy tên học trò tinh thông hết cả. Nhân thấy Cai Tổng vừa sửa chữa cổng nhà, người học trò bèn dâng tặng câu đối rằng:
Đãng bình chính trực khan vương đạo,
Cao đại quang minh thị ngã tâm.
Nghĩa là:
Bằng phẳng, thẳng ngay là vương đạo,
Cao lớn, quang minh ấy lòng ta.
Viên Cai Tổng bèn lập tức cho để đôi câu đối này ở ngay phía ngoài cổng. Một hôm theo lệ làng, Cai Tổng Khản phải đem cỗ xôi gà ra đình làng để làm lễ. Mâm lễ vật được che bằng lọng màu vàng. Tri Huyện hồi hưu liền cho người cáo giác với quan trên là Cai Tổng lộng quyền, dám dùng lọng màu vàng để che mình, và câu đối trước cổng được đưa ra để làm bằng chứng cho sự ngạo mạn của viên Cai Tổng. Tri Huyện hồi hưu còn bịa đặt ra nhiều chuyện nữa, nên viên Cai Tổng bị khép vào tội bị chém đầu. Trước khi bị đem ra hành hình, viên Cai Tổng dặn vợ mình rằng, khi chôn hắn, phải bỏ thật nhiều giấy bút trong quan tài, và nói:
- Tội oan ức của ta giờ đây không thể biện bạch vào đâu được, nhưng khi xuống âm phủ, thế nào ta cũng quyết làm sáng tỏ. Ta nguyền rằng, kẻ nào bày mưu hãm hại ta rồi cũng sẽ phải chết như ta.
Về sau, gia đình Cai Tổng và gia đình Tri Huyện hồi hưu đều bị lụn bại, Cao Bá Quát cũng tử nạn nên người ta cho đó là sự báo oán của viên Cai Tổng xã Cửu Cao. Thuyết này thật hoang đường, không thể tin hết được”.
Lời bàn: Tác giả BẢN TRIỀU BẠN NGHỊCH LIỆT TRUYỆN đã kết luận chí phải, bởi việc trong chuyện rất hợp với việc của Tri huyện xuất thân Tú Tài, với Cai Tổng xã Cửu Cao nhưng lại xa lạ với nhân cách Cao Bá Quát. Song le, tác giả của BẢN TRIỀU BẠN NGHỊCH LIỆT TRUYỆN hẳn là chỉ mới không tin ở sự báo oán nên mới phán như vậy, chớ mọi sự còn lại, ông đều tin. Cổ nhân và hậu thế, khác nhau chính là ở chỗ này.
Ít nhiều mặc dầu, khi còn đương chức Tri huyện của huyện Tiền Hải, hẳn quan Tri huyện cũng đã từng xử kiện, từng lên mặt đạo đức và kỷ cương để trị kẻ nào dám vu oan giá họa, thế mà khi hồi hưu, kẻ vu oan giá họa hiểm độc và tàn ác vào hàng bậc nhất lại chính là quan. Ngao ngán thay!
Cai Tổng Khản xã Cửu Cao quả đúng là… tầm nhìn không vượt ra khỏi xã. Quan hồi hưu thì quan vẫn cứ là quan, không biết giữ lễ với quan, tất nhiên chỉ có thiệt. Thuở ấy người làm quan gọi là người đi chăn dân hay đi trị dân. Quan Tri huyện cũng từng có thừa thãi kinh nghiệm của một đời… trị dân, thế thì cản trở quan đâu phải là chuyện dễ. Cai Tổng Khản còn nuôi chí kiện cáo dưới âm phủ, hóa ra, đến chết vẫn không nhận ra được rằng quan bao giờ cũng là quan. Nếu quả có âm hồn, thì hồn quan vẫn cứ là hồn quan, hồn Cai Tổng vẫn cứ là hồn Cai Tổng, húc vào hồn quan nào có khác gì húc đầu vào đá đâu.
Cao Bá Quát bị giết. Cái chết của con người khả kính này được người đương thời cắt nghĩa theo cách của người đương thời. Ông chỉ có thể chết vì ông là nạn nhân của một cuộc báo oán. Chỉ có hồn ma của những kẻ quỷ quyệt mới đang tâm hãm hại Cao Bá Quát chớ dương thế này lẽ đâu lại có chuyện xót xa kia. Hình như cổ nhân muốn nói như vậy. Bao điều trớ trêu, cứ việc đổ hết cho âm phủ là hết chuyện. Dân xưa mà.
___________
1. Nay huyện này thuộc tỉnh Thái Bình.
2. Thủ Chỉ là là chức đứng đầu hàng chức sắc trong xã.