Tại cuộc làm việc, hai bên đã giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển cho biết, Viện Nghiên cứu lập pháp đã thành lập được 15 năm, là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam, có nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ hoạt động lập pháp của Quốc hội, tư vấn cho các Ủy ban của Quốc hội và cá nhân nghị sĩ thực hiện hoạt động soạn thảo các sáng kiến lập pháp, xây dựng các dự thảo luật theo sáng kiến cá nhân của nghị sĩ. Về phía CRS, bà Susan Lawrence cho biết, năm 2024 tới, CRS sẽ kỷ niệm 110 năm thành lập, do số lượng các dự án luật được trình ra Quốc hội Hoa Kỳ hàng năm rất lớn và không bị giới hạn số lượng điều, khoản trong mỗi luật nên nhiệm vụ và khối lượng công việc của CRS cũng rất lớn.
Bày tỏ ấn tượng với bề dày lịch sử hơn 100 năm của CRS trong nghiên cứu, phục vụ Quốc hội Hoa Kỳ, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển mong muốn, CRS chia sẻ kinh nghiệm với Viện Nghiên cứu lập pháp cả về tổ chức, hoạt động cũng như kho tàng tri thức lập pháp, góp phần để Viện Nghiên cứu lập pháp thực hiện hiệu quả hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình. Nhấn mạnh vừa qua Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển tin tưởng, giữa Quốc hội hai nước nói chung và giữa các cơ quan của Quốc hội nói riêng còn nhiều tiềm năng và triển vọng hợp tác hơn nữa trong tương lai; qua đó mong muốn, Viện Nghiên cứu lập pháp và CRS có thể thiết lập một kênh liên lạc chính thức, đẩy mạnh trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong thời gian tới.
Cơ bản nhất trí với Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển và cho rằng hoạt động của Quốc hội Việt Nam ngày càng hiệu quả, nhất là trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bà Susan Lawrence khẳng định, sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Viện Nghiên cứu lập pháp để quan hệ hai bên ngày càng gắn bó chặt chẽ, bền vững.
Cũng tại cuộc làm việc, hai bên đã chia sẻ, cung cấp thêm thông tin về cách tiếp nhận và đáp ứng yêu cầu thông tin của nghị sĩ và các cơ quan của Quốc hội; cơ chế kiểm tra, bảo đảm chất lượng các báo cáo nghiên cứu trước khi gửi đến nghị sĩ; cách thức hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ độc lập để cung cấp thông tin cho nghị sĩ và các ủy ban; cơ chế, tiêu chuẩn tuyển dụng, đãi ngộ các chuyên gia giỏi...