Chiều 13.3 (theo giờ địa phương), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 146 tại thủ đô Manama của Bahrain, đã có bài phát biểu tại Phiên họp toàn thể Đại hội đồng IPU-146.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Đại hội đồng IPU-146 diễn ra vào thời điểm thế giới đang phải đối mặt với những biến động to lớn, khó lường, trong đó nổi lên là những điểm nóng, xung đột tại nhiều khu vực trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, mục tiêu thúc đẩy “cùng chung sống hòa bình và các xã hội bao trùm” lại càng có ý nghĩa cấp thiết hơn bao giờ hết, đòi hỏi nỗ lực và sự chung tay của cộng đồng quốc tế và các cơ quan lập pháp cùng đoàn kết, hành động nhằm hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc và Chiến lược hành động của IPU vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định Việt Nam là một dân tộc yêu hòa bình, có truyền thống khoan dung, nhân nghĩa, hòa hiếu.
Trải qua nhiều cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Việt Nam đặc biệt trân trọng giá trị của hòa bình, ổn định, hữu nghị, chung sống hòa bình và nhận thức rõ hòa bình, phát triển của Việt Nam gắn chặt với hòa bình, thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.
Việt Nam kiên định, nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực đóng góp vào hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển trên tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Việt Nam ủng hộ các sáng kiến đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới, ủng hộ việc thúc đẩy giải quyết các xung đột và tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết Quốc hội Việt Nam hành động theo phương châm Quốc hội của dân, do dân và vì dân, lấy người dân làm trung tâm trong quá trình thảo luận, thông qua các đạo luật, các chiến lược quốc gia, quyết định ngân sách; phê chuẩn, quyết định gia nhập các điều ước quốc tế trong đó có các điều ước về quyền con người, qua đó góp phần bảo đảm tính bao trùm, bền vững, bản sắc văn hóa của các dân tộc, giá trị lịch sử, truyền thống của đất nước, duy trì và thúc đẩy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Quốc hội Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với IPU thông qua Tuyên bố Hà Nội về “Nghị viện với các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” tại Đại hội đồng IPU-132 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội vào năm 2015, thúc đẩy IPU cùng Liên hợp quốc xây dựng “Bộ công cụ tự đánh giá: Nghị viện và các Mục tiêu phát triển bền vững” nhằm nâng cao vai trò và sự tham gia của các nghị viện thành viên IPU vào quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng xã hội bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau.
Tháng 9.2023, được sự ủng hộ của các Nghị viện thành viên, Quốc hội Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, nghị viện và các nghị sỹ có vai trò, tiếng nói quan trọng trong việc thúc đẩy thượng tôn pháp luật, góp phần bảo đảm các xã hội hòa bình và toàn diện, thúc đẩy đoàn kết và khoan dung trong xã hội.
Với khát vọng về một thế giới hòa bình, phát triển và thịnh vượng, thay mặt Đoàn Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu ra một số đề xuất với các Nghị viện thành viên của IPU.
Thứ nhất là nỗ lực đề cao vai trò của việc tuân thủ và bảo đảm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc để góp phần ngăn chặn chiến tranh, xóa bỏ bất bình đẳng trong quan hệ quốc tế; phát huy vai trò các cơ chế hợp tác, đối thoại, nâng cao hiểu biết, xây dựng lòng tin và tôn trọng lẫn nhau, cùng tìm ra biện pháp hòa bình cho các tranh chấp trong khu vực cũng như các thách thức toàn cầu cấp bách hiện nay.
Thứ hai là đảm bảo thực thi dân chủ, bình đẳng, không phân biệt đối xử về giới, về dân tộc, tôn giáo trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, lao động, chăm sóc y tế, giáo dục đào tạo; chia sẻ kinh nghiệm bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Thứ ba là củng cố đoàn kết, tăng cường hợp tác quốc tế, coi trọng kết nối trong đa dạng, phát triển hạ tầng nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển; thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tăng trưởng bao trùm…
Thứ 4 là tăng cường hợp tác công-tư, phối hợp giữa các quốc gia để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, đẩy mạnh hợp tác ứng phó với các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu.