Phóng viên Báo điện tử Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội về kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực dự kiến tổ chức vào cuối tháng 4 và tháng 5 hàng năm.
- Thưa ông, vì sao trường ĐH Sư phạm Hà Nội quyết định tổ chức tổ chức kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực để xét tuyển?
GS.TS Nguyễn Văn Minh: Ngành giáo dục đang tích cực triển khai Nghị quyết 29 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28.11.2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định; tổ chức thực hiện chuẩn chương trình đào tạo và các giải pháp bảo đảm chất lượng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh công tác hậu kiểm.
Trong bối cảnh này, kì thi tốt nghiệp THPT và kì thi tuyển sinh đại học cũng đang được đổi mới theo lộ trình, phù hợp với tiến trình triển khai Chương trình GDPT 2018 và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học.
Từ năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT với mục đích công nhận tốt nghiệp là chủ yếu. Các cơ sở Giáo dục đại học (GDĐH) bắt đầu tổ chức kì thi tuyển sinh đại học nhằm đánh giá năng lực học sinh, lấy kết quả thi để xét tuyển đại học. Chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của các trường đại học tăng dần và chỉ tiêu theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm dần.
Năm 2022 công tác tuyển sinh đại học thực hiện theo Quy chế tuyển sinh mới với nhiều cải tiến về kĩ thuật. Yêu cầu đặt ra đối với các trường đại học trong kỳ tuyển sinh năm 2023 là hoàn thiện đề án tuyển sinh, trong đó đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Các cơ sở GDĐH cần xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình GDPT 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần phù hợp với mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung, cấu trúc của Chương trình GDPT 2018.
Do vậy, việc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSP) xây dựng tổ chức kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực để xét tuyển đại học hệ chính quy với mục đích đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, gia tăng cơ hội trúng tuyển và phân loại tốt hơn năng lực của các thí sinh để tuyển chọn được sinh viên phù hợp vào học một số khối ngành, nhóm ngành đào tạo trình độ đại học.
Đồng thời, xác lập cơ sở pháp lý cho Trường ĐH sư phạm Hà Nội tổ chức Kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực để xét tuyển sinh các ngành đào tạo trình độ đại học và cung cấp kết quả để các trường đại học khác xét tuyển nếu có nhu cầu.
- Nội dung của kỳ thi được thực hiện như thế nào thưa ông?
GS.TS Nguyễn Văn Minh: Kỳ thi có các bài thi: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí.
Đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, nhằm đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng sáng tạo để xét tuyển đại học. Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, được giảng dạy ở trường THPT theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Thí sinh có thể lựa chọn đăng kí một số bài thi và sử dụng kết quả thi để đăng kí dự tuyển vào các ngành đào tạo đại học hệ chính quy.
Thời gian tổ chức thi 01 hoặc 02 đợt vào cuối tháng 4 và tháng 5 hằng năm, sau khi học sinh đã học xong Chương trình GDPT và trước khi học sinh thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh thi trực tiếp, làm bài trên giấy tại Trường ĐHSP Hà Nội và một số điểm thi tại các trường đại học ở các tỉnh miền Trung, miền Nam nếu có nhiều thí sinh ở miền Trung, miền Nam đăng kí dự thi. Thời gian mỗi bài thi từ 60 đến 90 phút.
Đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỉ lệ điểm phù hợp tùy theo bài thi, bao gồm các câu hỏi đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
- Trường ĐHSP Hà Nội có nguồn nhân lực chất lượng để bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ trong từng khâu của quy trình tổ chức thi không thưa ông?
GS.TS Nguyễn Văn Minh: Trước hết cần nhấn mạnh rằng, Trường ĐHSP Hà Nội có đội ngũ giảng viên đầy đủ cho các ngành, ứng với các môn học ở phổ thông và trong đó, rất nhiều thầy cô đã tham gia xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như trước đây; là tổng chủ biên, chủ biên sách giáo khoa phổ thông trong các thời kỳ, nhất là sách giáo khoa hiện hành.
Năm 2022, Trường đã tổ chức thành công kỳ thi đánh giá năng lực và kết quả được dùng cho một phương thức xét tuyển. Trường đã huy động 200 chuyên gia, giảng viên biên soạn 5300 câu hỏi nguồn, bao gồm: 300 câu hỏi tự luận và 5000 câu hỏi trắc nghiệm. Từ bộ câu hỏi nguồn này, biên soạn 9 đề thi chính thức (môn tiếng Anh thi hai ca khác nhau) và 9 đề thi dự bị.
Tổ chức thi đánh giá năng lực cho 2248 thí sinh với 5315 bài thi, 02 điểm thi, 83 phòng thi và 178 cán bộ tham gia coi thi, giám sát, phục vụ, y tế, công an, bảo vệ…Chất lượng đề thi và công tác coi thi được thí sinh và xã hội đánh giá tốt.
Từ thực tiễn tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 và nguồn lực hiện có, có thể khẳng định rằng Trường ĐHSP Hà Nội hoàn toàn có thể thực hiện đề án tổ chức kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực để xét tuyển đại học trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Hiện nay, nhà trường đã hoàn thiện được cấu trúc, ma trận đề thi của các bài thi phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực và chương trình GDPT mà thí sinh là học sinh lớp 12 vừa hoàn thành.
Xây dựng được bộ câu hỏi nguồn đáp ứng mục tiêu đánh giá, cấu trúc và ma trận đề thi đã xác định; bảo đảm chính xác, khoa học và tính sư phạm (lời văn, bảng biểu, hình minh họa rõ ràng).
- Vậy đến thời điểm này có bao nhiêu trường đại học lấy kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của trường ĐH Sư phạm Hà Nội để xét tuyển?
GS.TS Nguyễn Văn Minh: 7 trường đại học sư phạm lớn về cơ bản thống nhất sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển gồm: Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Vinh, Trường đại học sư phạm - ĐH Huế, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Quy Nhơn và Trường ĐH sư phạm TP.HCM. Do vậy, kỳ thi này không chỉ là phương án xét tuyển mà trở thành một kỳ thi riêng.
Đối với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ tăng dần chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực từ năm 2023.
Có thể nói, kỳ thi đánh giá năng lực giúp Trường ĐHSP Hà Nội và các trường đại học khác tuyển chọn được các sinh viên có năng lực phù hợp. Đồng thời, góp phần giảm đáng kể chi phí từ ngân sách nhà nước và chi phí của xã hội cho các kỳ thi tuyển sinh, tạo điều kiện để thí sinh chọn đúng và trúng tuyển ngành đào tạo, trường đại học phù hợp với năng lực, sở trường và nguyện vọng của bản thân. Qua đó, có tác động lan tỏa tích cực đến hoạt động kiểm tra, đánh giá ở bậc phổ thông.
- Ông có muốn nhắn nhủ gì với thí sinh tham dự kỳ thi sắp tới?
GS.TS Nguyễn Văn Minh: Thầy rất mong muốn những học sinh có mong muốn trở thành nhà giáo, trở thành sinh viên các trường sư phạm sẽ đến với trường bằng kỳ thi này. Lưu ý là điều kiện về kết quả học tập, hạnh kiểm như đã thông báo; mặt khác, các em chỉ cần học chắc chương trình phổ thông, đào sâu suy nghĩ, vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết vấn đề, các em không cần đi học thêm nơi nào cả.
Mặt khác, bài thi ở đây là riêng cho từng môn nên các em không xa lạ như các em đã từng làm quen ở phổ thông. Vì các trường trong hệ thống thống nhất, nên dù nguyện vọng vào trường nào trong đó thì các em vẫn có quyền tham dự thi ở nơi gần nhất. Chúc các em thành công.
- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
* Mỗi đợt thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội gọn, nhẹ trong 01 ngày theo lịch thi như sau:
Ca thi | Bài thi | Thời gian thi | Bài thi | Thời gian thi | Ghi chú |
7h00 | Toán | 90 phút | Đề thi tiếng Anh sáng và chiều là tương đương | ||
9h00 | Ngữ văn | 90 phút | Tiếng Anh | 60 phút | |
13h00 | Vật lí | 60 phút | Lịch sử | 60 phút | |
14h30 | Hóa học | 60 phút | Địa lí | 60 phút | |
16h00 | Sinh học | 60 phút | Tiếng Anh | 60 phút |
Công bố kết quả thi: Tối đa 02 tuần sau mỗi đợt thi.