Với câu hỏi này, Luật sư Hoàng Văn Chiển (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) tư vấn như sau:
Vi phạm nhiều lỗi giao thông, xử phạt hành chính thế nào?
Theo điểm d, khoản 1, Điều 3, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020) quy định về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính, việc xử phạt vi phạm hành chính quy định như sau:
- Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
- Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
- Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
- Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng.
Căn cứ quy định nêu trên, một người vi phạm nhiều lỗi vi phạm giao thông hoặc các hành vi vi phạm hành chính khác thì sẽ xử phạt vê từng hành vi vi phạm với từng mức xử phạt tương ứng, không gộp chung các hình phạt, mức phạt với nhau.
Đồng thời, việc xử phạt vi phạm hành chính phải đảm bảo nguyên tắc:
- Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;
- Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;
- Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
- Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;
- Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ quy định tại Điều 21, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020), các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng được quy định như sau:
- Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
+ Cảnh cáo;
+ Phạt tiền;
+ Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
+ Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
+ Trục xuất.
- Hình thức xử phạt cảnh cáo và phạt tiền chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính.
Các hình thức xử phạt còn lại có thể được quy định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính.
- Mỗi vi phạm hành chính được quy định một hình thức xử phạt chính, có thể quy định một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung kèm theo.
Hình thức xử phạt bổ sung được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 65, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020).
5 trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính
Điều 11, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau đây:
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;
- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả khá
- Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 5, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020).