“Vì mỗi người lớn đã từng là trẻ con”, Antoine de Saint-Exupéry đã viết thế trong “Hoàng tử bé”, tác phẩm văn chương kinh điển dành cho trẻ con và cả người lớn. Khác với “Nhóc Nicolas” của René Goscinny mà “trẻ con đọc thì thấy giống quá, người lớn đọc thì thấy nhớ quá”, “Hoàng tử bé” là cuốn sách mà “trẻ con đọc thì thấy giống quá”, nhưng người lớn đọc thì thấy buồn quá, vì bọn họ đã mãi mãi không bao giờ trở lại được thế giới diệu kỳ ấy. Bọn họ trở thành những kẻ khô khan, máy móc, rập khuôn, thiếu trí tưởng tượng và đánh mất khả năng ngạc nhiên mà khi từng là một đứa trẻ bọn họ đã từng.
Cho nên nhiều người lớn, đến cái tuổi xấp xỉ già, lại thèm muốn được trở lại tuổi thơ. Chả thế mà ông nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kiếm tiền tỷ mỗi năm nhờ bán những “tấm vé trở về tuổi thơ” cho độc giả lớn tuổi.
Văn chương, phim ảnh dành cho thiếu nhi nhiều không kể hết (Việt Nam cũng không thiếu), nhưng để chọn lựa những tác phẩm đúng với lứa tuổi của bọn trẻ con cũng không phải đơn giản. Trang Common Sense mới đây vừa đưa ra một danh sách gợi ý “50 phim dành cho thiếu nhi” khá thú vị, chọn theo độ tuổi thích hợp (dưới 12 tuổi). Ngoài những lựa chọn không có gì bất ngờ dành cho bọn trẻ từ 5 - 8 tuổi, từ tuổi thứ 9 trở đi, trẻ con Tây đã được khuyến khích xem những bộ phim trưởng thành hơn, có yếu tố bi kịch hơn, thậm chí tăm tối hơn, chứ không chỉ cổ tích hay đồng thoại nữa. Ai mà nghĩ bọn trẻ 10 tuổi đã được khuyên xem “Children of Heaven” (bộ phim đẫm nước mắt về sự đói nghèo của Iran) hay “Hidden Figures”, bộ phim đầy cảm hứng về ba chị nhà khoa học da đen làm việc cho NASA trong thập niên 1960 và thậm chí 11 tuổi đã được đề cử xem “Sense and Sensibility” của đạo diễn Lý An, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết kinh điển của Jane Austen mà bọn già chúng ta đôi khi xem còn chưa hiểu hết những ẩn ý trong đó…
Thế nên mới nói chỉ có “bọn già” chúng ta trở thành những kẻ khô khan, máy móc, rập khuôn, thiếu trí tưởng tượng và đánh mất khả năng ngạc nhiên mà khi từng là một đứa trẻ bọn họ đã từng có.