Tràn lan sách nhảm nhí, phản giáo dục
Trong thời gian gần đây, sách thiếu nhi đang xuất hiện khá nhiều vấn đề phức tạp khiến nhiều bậc phụ huynh bối rối. Nhiều đơn vị xuất bản tung ra các quyển sách kém chất lượng. Thậm chí, những quyển sách này bị cho là làm hoen ố, đầu độc tâm hồn trẻ thơ. Từ cổ vũ bạo lực, dạy con trẻ nói dối cho đến giáo dục tư duy nhảm nhí, lệch lạc… có thể xuất hiện đầy rẫy trong những cuốn sách dành cho thiếu nhi. Đó là chưa kể truyện cổ tích cắt xén tùy tiện, truyện tranh gợi dục bày bán nhan nhản trên thị trường.
Mới đây, cuốn sách Trưng Nữ Vương khởi nghĩa Mê Linh của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục đã gây xôn xao dư luận. Cuốn sách với tình tiết và hình ảnh Mã Viện hạ kế bắt quân sĩ cởi truồng để giao chiến với đội quân nữ của Trưng Nữ Vương đã gây nên những bức xúc trong dư luận. Các chuyên gia cho rằng, đưa những tình tiết như vậy vào một cuốn sách lịch sử là vô cùng dung tục, phản giáo dục; hơn nữa không đúng với chính sử. Hoặc như cuốn sách Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc (Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và KHCN phối hợp với Nhà sách Tân Việt, NXB Văn hóa - Thông tin) dùng nhiều tranh minh họa không phù hợp với nội dung lịch sử và không xin phép tác quyền.
Nguồn: vietbao.vn |
Đặc biệt, một số những cuốn sách dạng câu hỏi thông minh dành cho trẻ em thì có những câu hỏi quá nhảm nhí như: nhà mồ là nơi có thể vào mà không thể ra, người chết là người không bao giờ phải lo lắng nghĩ ngợi, phải luộc chín người khi gặp người sống… Bên cạnh đó là đầy rẫy những cuốn sách như 101 truyện mẹ kể con nghe, 99 truyện trước giờ đi ngủ, 55 truyện dạy làm người, Kho tàng truyện cổ tích kinh điển, Hỏi đáp nhanh trí… đưa ra những kiến thức không được kiểm chứng, vô bổ, phản giáo dục. Trong môi trường văn hóa đọc lẫn lộn vàng thau như hiện nay, nếu không có định hướng, phát hiện và can thiệp từ phụ huynh có lẽ các em sẽ trôi vô định trong mớ kiến thức hỗn độn, không biết đâu mà lần.
Đâu là nguyên nhân?
Theo thống kê của Cục Xuất bản, cả nước có 63 NXB thì có khoảng 20 đơn vị tham gia xuất bản sách dành cho thanh, thiếu niên và nhi đồng. Hiện các đầu sách về thiếu niên, nhi đồng có số lượng xuất bản đứng thứ hai sau dòng sách giáo khoa và giáo trình tham khảo. Nhiều NXB dù không có thế mạnh cũng đổ xô vào khai thác loại sách này dưới dạng liên doanh, liên kết. Đua nhau chạy theo lợi nhuận, tăng lượng đầu sách xuất bản nhưng việc biên tập sách cẩu thả, để lọt lỗi sai sót nghiêm trọng về nội dung. Đây chính là kẽ hở cho hàng loạt sai sót xuất hiện, khiến không ít sách dành cho trẻ em không bảo đảm chất lượng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là hệ quả của sự buông lỏng, thiếu kiểm soát đối với thị trường sách thiếu nhi, khi việc làm sách cho trẻ đang đã trở nên dễ dãi. Có quá nhiều NXB ra đời, nhưng không có kế hoạch đào tạo bài bản những người làm công tác xuất bản. Bên cạnh đó, trừ một số ít NXB được chủ quản bao cấp lương và cơ sở vật chất, còn lại đa số phải tự hạch toán và tự nuôi bộ máy. Do đó, nhiều NXB làm mọi cách để có thu nhập, tinh giản bộ máy làm việc, đặt số phận của mình vào đối tác liên kết. Không kiểm soát chặt chẽ quy trình xuất bản, làm hết trách nhiệm với xuất bản phẩm do đơn vị mình cấp phép, liên kết xuất bản.
Vì mục tiêu lợi nhuận, một số cá nhân, công ty sách tư nhân, liên kết bất chấp đạo đức của người làm nghề, bất chấp những tác hại của sản phẩm xấu đối với cộng đồng và tương lai thế hệ trẻ. Làm sách có yếu tố giật gân, bạo lực, khai thác yếu tố tình dục, biên soạn sách cẩu thả, in sách không giấy phép… bắt nguồn từ việc chạy theo lợi nhuận nên bất chấp văn hóa, đạo đức kinh doanh. Trong khi đó, những quy định hiện hành về xuất bản chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Về cung cách tổ chức, sự thiếu minh bạch trong mối liên kết giữa những người làm sách tư nhân và những nhà quản lý xuất bản đang gây ra những hệ lụy không đáng có liên quan đến quy trách nhiệm xã hội. Mối quan hệ giữa xuất bản và phát hành cũng có điều bất hợp lý, gây thiệt thòi cho người sản xuất.
Định hướng chọn sách cho trẻ
Theo Ts Hoàng Kim Ngọc, Phó trưởng Khoa Viết văn - Báo chí, ĐH Văn hóa Hà Nội, để con mua sách có nội dung không tốt thì một phần là lỗi của phụ huynh chứ chưa hẳn là chỉ của NXB. Nhiệm vụ của họ là cung cấp ra thị trường các món ăn tinh thần khác nhau, còn ăn món nào là do sự lựa chọn của người mua. Nói như vậy không có nghĩa là các NXB không có trách nhiệm kiểm duyệt nội dung chặt chẽ, cẩn thận. Tuy nhiên, phụ huynh cần tỉnh táo trước việc lựa chọn sách cho con.
Khi chọn sách cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý một vài tiêu chí cụ thể như: loại sách phải phù hợp với đặc điểm tâm lý, bảo đảm tính chất truyền thống, hướng tới hình thành giá trị, đem đến cho trẻ bài học nhất định dù có mang tính giải trí đi chăng nữa. Loại sách ấy không được ảnh hưởng xấu đến nhận thức của trẻ về thế giới xung quanh, cũng như quan hệ của trẻ với gia đình và đặc biệt là những hình ảnh phải phù hợp với sự mong đợi của đứa trẻ. Cũng cần xem xét đến một vài yếu tố như tác giả là ai, có chuyên môn, uy tín trong lĩnh vực của họ không. Có nhiều cuốn sách chỉ do một tổ chức hoặc nhóm tác giả không có chuyên môn tự biên soạn, tự tổng hợp thì độ tin cậy không cao. Thông thường sách thiếu nhi rất mỏng, phụ huynh nên đọc lướt qua để biết nội dung trước khi quyết định mua.
Việc lựa chọn những loại sách phù hợp với trẻ là vô cùng quan trọng, bởi sách không chỉ đem lại kiến thức mà còn góp phần quan trọng trong việc định hướng thẩm mỹ, hình thành giá trị sống và kỹ năng sống cho trẻ… Cùng với đó, những cuốn sách hay sẽ giúp trẻ hình thành nên một thói quen đọc sách và có định hướng tốt cho việc chọn lựa sách sau này.