Thêm những phát hiện mới
- Năm nay tròn 100 năm kể từ khi phát hiện những di vật văn hóa Đông Sơn đầu tiên (1924 - 2024). Qua nhiều cuộc tìm kiếm, với hơn 200 di tích và hàng vạn di vật Đông Sơn được tìm thấy nói lên điều gì về nền văn hóa này, thưa ông?
- Văn hóa Đông Sơn hấp dẫn ở chỗ nhiều di vật vẫn nằm trong lòng đất, mỗi ngày có sự phát hiện mới mẻ. Chẳng hạn, từ Tết đến giờ cũng có trống đồng mới được phát hiện, chúng tôi tạm đặt tên là trống Hương Ngải, theo địa danh nơi trống đang được lưu giữ và bảo quản. Đây là chiếc trống Đông Sơn có niên đại vào khoảng thế kỷ IV - III trước Công nguyên.
Trống nguyên vẹn, khá đẹp, không những thế còn có nhiều hoa văn hiện thực giá trị, mang nhiều ý nghĩa lịch sử và văn hóa của người Việt cổ - chủ nhân của nền văn hóa Đông Sơn và là chủ nhân đúc ra chiếc trống. Từ đó, mọi người có thể giải mã kỹ thuật đúc trống, biết được về đời sống kinh tế - xã hội của người xưa; cũng qua đó chứng tỏ rằng người xưa đã biết đến thuyền buồm, hay tục hiến tế của người Việt cổ…
Có thể thấy, càng ngày chúng ta càng có thêm những tư liệu mới, từ góc độ chuyên môn, càng thêm phục cha ông ta đã có sản phẩm văn hóa rất đẹp. Ngày nay, về kỹ thuật đúc trống đồng, không có làng nghề thủ công nào đúc được hoàn thiện như thế, chỉ đạt tới khoảng 70%. Dù hiện nay các làng nghề như ở Thanh Hóa đúc đồng cũng rất giỏi, nhưng kỹ thuật xưa đã thất truyền.

Càng ngày người ta không chỉ hiểu về vẻ đẹp, tầm mức, trình độ thẩm mỹ mà còn cả cuộc sống của người Đông Sơn cách đây hơn 2.000 năm. Mỗi phát hiện sẽ làm cho các nhà khảo cổ học cũng như cộng đồng nhận thức lại và nhận thức thêm về cuộc sống của người xưa, về tổ tiên của chúng ta văn minh như thế nào, và văn minh đó nổi bật trong nền cảnh của các vùng xung quanh.
- Ông từng có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn, gần đây là những ấn phẩm như Trống đồng Kính Hoa - Bảo vật quốc gia Việt Nam, Giải mã văn hóa Đông Sơn… Các nghiên cứu của ông thường tập trung khía cạnh nào của văn hóa Đông Sơn?
- Trong các nghiên cứu, chúng tôi chứng minh trống đồng Đông Sơn là di sản thuộc loại quý nhất mà cha ông để lại, không phải từ các nước khác mang đến.
Với các công trình mới đây, chúng tôi không những có tư liệu khá đầy đủ về trống, thạp ở Việt Nam mà cả vùng Hoa Nam (Trung Quốc) và các nước Đông Nam Á. Từ đó nói lên rằng các vùng xung quanh cũng có trống đồng, nhưng là trống đồng loại khác, và loại trống đẹp nhất là do cư dân Đông Sơn đúc. Năm 1902, nhà nghiên cứu người Áo F. Heger cũng đã tập hợp, phân loại trống, cho thấy trống đồng loại I tập trung nhiều nhất ở Việt Nam.
Trong các bài viết của mình, chúng tôi cũng tập trung làm rõ tổ tiên của người Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ đã mang trống đồng đến các vùng khác trong khu vực. Tổ tiên người Việt đã mang trống đồng đến xa nhất là vùng cửa sông Dương Tử về phía Bắc và phía Nam xa nhất là vùng quần đảo Indonesia. Chúng tôi đã có một loạt dẫn chứng, vẽ bản đồ rất chi tiết…
Riêng về trống đồng, Việt Nam là số 1 khu vực!
- Nhiều năm gắn bó với khảo cổ học, với ông, văn hóa Đông Sơn hấp dẫn ở những khía cạnh nào?
- Tôi được đào tạo từ năm 1971, ra trường đến nay tính đã hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghiên cứu về di sản, đó là nghề nghiệp. Qua quá trình nghiên cứu, tôi thấy nền văn hóa Đông Sơn rất hay. Để đánh giá đúng tầm mức, giá trị của văn hóa này, phải thấy được rằng: trong lúc ông cha ta đã đúc được trống đồng, thạp đồng rất đẹp, thì Philippines vẫn ở thời đại đồ đá, còn Malaysia mới đúc được một số đồ đồng như rìu…
Trên mặt bằng so sánh, một số di sản khác của Việt Nam có thể còn thua kém vùng nọ vùng kia, nhưng riêng về trống đồng, thạp đồng vẫn là điểm nổi bật, quý báu nhất trong khung cảnh Đông Nam Á thời đó.

- Là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, minh chứng cho một nền văn minh rực rỡ và sức sáng tạo phi thường của người Việt cổ, theo ông, việc bảo tồn, phát huy, tôn vinh văn hóa Đông Sơn cần được thực hiện ra sao thời gian tới?
- Thực ra, văn hóa nói chung được Nhà nước rất quan tâm. Văn hóa được coi là động lực quan trọng để phát triển kinh tế; các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Công nghiệp văn hóa có ngành mũi nhọn là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có văn hóa Đông Sơn, có trống đồng. Những di sản đó thu hút đông đảo khách du lịch, bởi di sản Đông Sơn vô cùng quý giá được các thế hệ trước để lại. Đó là cái hay mà chúng ta cần quan tâm đúng mức, tiếp tục khai thác để phục vụ cho du lịch văn hóa, đồng thời quảng bá bản sắc văn hiến nghìn đời của người Việt.
Nhiều người nước ngoài quan tâm đến di sản cách đây hơn 2.000 năm của người Việt. Hiện nay nhiều học giả nước ngoài nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn, cho ra nhiều cuốn sách về nền văn hóa này. Họ là những đại sứ, là kênh tuyên truyền tới học giả và bạn bè quốc tế về nền văn hóa Đông Sơn đặc sắc. Vì thế, chúng ta phải nghiên cứu có phương án để phát huy hiệu quả kênh thông tin hữu hiệu này.
- Xin cảm ơn ông!