Văn hóa các dân tộc - từ bản sắc đến sáng tạo

Hòa mình vào dòng chảy văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số, các nghệ sĩ đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm nghệ thuật chất lượng, mang đậm dấu ấn cộng đồng, vùng miền. Tuy nhiên, trên hành trình ấy, song hành với những thành tựu, còn không ít thách thức.

Làn gió mới cho phim Việt

Không còn là những giá trị văn hóa bị lãng quên hay chỉ được biết đến trong phạm vi hẹp, nét đẹp các dân tộc đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ, đi vào nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Qua đó góp phần làm phong phú thêm nền nghệ thuật, đồng thời là một cách để bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống.

Bản sắc các dân tộc thiểu số trở thành cảm hứng, chất liệu sáng tạo cho nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Ảnh: Th. Nguyên
Bản sắc các dân tộc thiểu số trở thành cảm hứng, chất liệu sáng tạo cho nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Ảnh: Th. Nguyên

Tại Đại hội lần thứ V nhiệm kỳ 2025 - 2030 của Chi hội Hà Nội - Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam mới đây, nhiều ý kiến nhận định, hiện đã có một lực lượng hùng hậu văn nghệ sĩ là người dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Thái, Dao, Mường…) và dân tộc Kinh đã có thời gian gắn bó với miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số. Các nghệ sĩ đã khai thác một cách sáng tạo các chất liệu văn hóa truyền thống như âm nhạc, điệu múa, trang phục, lễ hội, tín ngưỡng... để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại mang đến luồng gió mới cho nghệ thuật Việt Nam, tạo nên những tác phẩm vừa mang giá trị thẩm mỹ cao, vừa giàu tính nhân văn và ý nghĩa xã hội.

Trong đó, văn học giữ vai trò chủ đạo, là tiếng nói mạnh mẽ, phản ánh chân thực và sâu sắc đời sống, tâm tư tình cảm của đồng bào các dân tộc. Bên cạnh đó, mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh, công tác sưu tầm và nghiên cứu văn hóa dân gian, lý luận phê bình, cũng đã có bước tiến đáng kể.

TS. Bàn Thị Quỳnh Dao, Viện Văn học, nhận định: những năm vừa qua, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ sáng tác, có nhiều đóng góp, thành tựu. Một số lĩnh vực đang được quan tâm như phim truyền hình, các chương trình ca nhạc lớn đều có tác phẩm về đề tài dân tộc thiểu số. Đặc biệt là không ít tác phẩm điện ảnh lấy chất liệu dân tộc thiểu số, thu hút lượng người xem rất lớn.

Nhà lý luận phê bình, PGS.TS. Lê Thị Bích Hồng cho rằng, văn hóa, bối cảnh vùng cao mang đến làn gió mới cho phim ảnh Việt Nam. Sức hấp dẫn từ các bộ phim về đề tài này chính là khai thác nền văn hóa giàu bản sắc của các dân tộc. Bằng ưu thế lớn là hình ảnh trực quan, âm thanh sống động, các bộ phim về đề tài dân tộc thiểu số đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng công chúng. Có thể kể đến các phim: Lặng yên dưới vực sâu (phim truyền hình, đạo diễn Đào Duy Phúc), Hoa bay (phim truyền hình, NSƯT Xuân Sơn), Những đứa trẻ trong sương (phim tài liệu, Hà Lệ Diễm), Tết ở làng địa ngục (phim điện ảnh, đạo diễn Trần Hữu Tấn), Người vợ cuối cùng (phim điện ảnh, Victor Vũ), Đèn âm hồn (phim điện ảnh, Hoàng Nam)...

Giữ sắc màu văn hóa

“Những năm qua, văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số miền núi vẫn âm thầm đóng góp cho nghệ thuật những tác phẩm, công trình có giá trị thẩm mỹ, nhân văn, làm giàu hơn nữa văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số”. Nhận định như vậy, song theo NSND Rơ Chăm Phiang, âm nhạc gần đây trầm lắng hơn các lĩnh vực khác, rất ít tác phẩm mang đậm đặc trưng văn hóa các dân tộc thiểu số được công chúng biết đến; sức sống và phạm vi lan tỏa của các tác phẩm còn hạn chế.

Trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình, đề tài dân tộc thiểu số và miền núi tuy đã được chú ý khai thác nhưng PGS.TS. Lê Thị Bích Hồng cho rằng, vẫn số lượng còn ít, nội dung và nghệ thuật còn yếu. Có nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân căn bản chính là sự thiếu hiểu biết sâu sắc, cặn kẽ về lịch sử, về sự gắn bó mật thiết, không thể tách rời giữa con người với thiên nhiên hùng vĩ, về phong tục, tập quán tốt đẹp, đầy nhân văn của đồng bào dân tộc vùng cao. Vì thế, các nhà làm phim chưa khai thác được các góc cạnh đời sống ở miền núi, suy nghĩ ẩn chứa trong sâu thẳm tâm hồn của đồng bào các dân tộc. Bên cạnh đó, việc thực hiện sản xuất phim thường ở vùng sâu, vùng xa, vô cùng vất vả, chi phí sản xuất tốn kém khiến nhà làm phim không hào hứng với mảng đề tài này.

Khoảng cách giữa sáng tạo của nghệ sĩ với bản sắc, cuộc sống hiện tại của vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề được TS. Bàn Thị Quỳnh Dao đặt ra. Bởi thực tế hiện nay có một số nhà nghiên cứu, người sáng tác văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số nhưng lại không phải là người dân tộc thiểu số, thể hiện bản sắc dân tộc nhiều khi theo chủ quan của người sáng tác. TS. Bàn Thị Quỳnh Dao mong muốn các sáng tác, nghiên cứu, phê bình cần được quan tâm hơn, đầu tư thích đáng để văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số khởi sắc thời gian tới.

Nhiều ý kiến đề nghị có chiến lược phát triển văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số; chú trọng phát hiện, chăm lo, bồi dưỡng những nhân tố mới có năng khiếu sáng tạo văn học nghệ thuật, đặc biệt là các tác giả trẻ là người dân tộc thiểu số; tiếp tục đầu tư và tổ chức điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc; hỗ trợ xuất bản, công bố, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số... Từ đó sẽ tạo động lực để văn nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm có nội dung, tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn, phản ánh chân thực, sinh động hiện thực cuộc sống vùng đồng bào dân tộc và miền núi, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật ngày càng cao của đồng bào dân tộc và cả nước.

Văn hóa - Thể thao

Huế tiên phong phát triển du lịch di sản xanh
Văn hóa

Huế tiên phong phát triển du lịch di sản xanh

Sáng 19.4, tại Quảng trường Ngọ môn Đại Nội Huế, diễn ra sự kiện đặc biệt “Huế - Tiên phong phát triển du lịch di sản xanh và thành phố xe đạp”. Sự kiện này mở ra hướng đi chiến lược cho phát triển du lịch di sản gắn với bảo tồn và phát triển bền vững của Huế.

Thưởng thức phở ngô Hà Giang tại Hà Nội
Văn hóa - Thể thao

Thưởng thức phở ngô Hà Giang tại Hà Nội

Món phở ngô độc đáo của người Mông ở Quản Bạ, Hà Giang đang được giới thiệu trong Festival Phở 2025, diễn ra từ ngày 18 - 20.4 tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. Với vị ngon đậm đà cùng màu vàng lạ mắt, phở ngô khiến nhiều thực khách muốn được thưởng thức.

“Đất nước trọn niềm vui” - Tấm lòng của văn nghệ sĩ Quân đội
Văn hóa - Thể thao

“Đất nước trọn niềm vui” - Tấm lòng của văn nghệ sĩ Quân đội

Tối 20.4 tại Hội trường Thống Nhất, TP. Hồ Chí Minh sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đất nước trọn niềm vui”, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025). Theo Thiếu tướng, Nhạc sĩ NGUYỄN XUÂN THỦY, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, chương trình là khúc tráng ca khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sức mạnh và ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta, khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc.

Một buổi sinh hoạt Góc đọc cuối tuần tại NXB Kim Đồng. Ảnh: KĐ
Văn hóa - Thể thao

Kết nối tri thức - từ trang sách đến độc giả

Với nỗ lực không ngừng kiến tạo hệ sinh thái tri thức vững mạnh, các đơn vị xuất bản Việt Nam đã chủ động tổ chức nhiều chương trình giao lưu, giới thiệu, quảng bá sách. Những hoạt động này không chỉ là cầu nối giữa tác giả và độc giả, mà còn là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng.

"Giãn nở đa chiều" tại Muong Art Today Museum
Văn hóa - Thể thao

"Giãn nở đa chiều" tại Muong Art Today Museum

Sáng 19.4, tại không gian bảo tàng đương đại Muong Art Today Museum sẽ khai mạc trưng bày "Giãn nở đa chiều", quy tụ các tác phẩm có ngôn ngữ nghệ thuật đa dạng, thể hiện mối quan tâm bền bỉ và liên tục của nghệ sĩ với thay đổi nhanh chóng của đời sống thực tế.

Triển lãm ảnh Bình Thuận sau 50 năm giải phóng
Văn hóa - Thể thao

Triển lãm ảnh Bình Thuận sau 50 năm giải phóng

Chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 50 năm giải phóng tỉnh Bình Thuận (19.4.1975 - 19.4.2025), ngày 17.4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận khai mạc triển lãm ảnh, kết hợp trưng bày, giới thiệu sản phẩm thương mại - du lịch với chủ đề “Bình Thuận - 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”.

Chuỗi sự kiện về sở hữu trí tuệ trong âm nhạc
Văn hóa - Thể thao

Chuỗi sự kiện về sở hữu trí tuệ trong âm nhạc

Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26.4) với thông điệp toàn cầu “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ”, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp tổ chức chuỗi sự kiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, trọng tâm là lĩnh vực âm nhạc.