Tiếp sức đưa “kho tàng” đi muôn nơi
Lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp bảo tồn và thi đấu thực nghiệm các môn thể thao dân tộc cho đồng bào Bru-Vân Kiều, dân tộc Chứt tại các địa bàn của tỉnh Quảng Bình diễn ra xuyên suốt trong năm 2024. Trong đó có nhiều học viên 9x, hay cả thế hệ Gen Z đồng hành cùng các bậc niên lão trong thực hành các môn thể thao dân tộc.
Anh Hồ Xơi (SN 1990) bản K Định, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa là đại diện của tỉnh Quảng Bình cùng các thí sinh khác tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam vừa được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị. Từ một thanh niên không quá mặn mà với các hoạt động thể thao truyền thống của đồng bào, nhưng sau những ngày tham gia lớp tập huấn, anh đã đam mê, tự tin tham gia và sẵn sàng chỉ dạy cho các em nhỏ tại địa phương.
Cũng giống Hồ Xơi, Hồ Trung Kiên (sinh năm 2004), là thế hệ trẻ của bản Hưng, xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá, chưa từng nghĩ đến vai trò của mình như là người giữ “kho tàng”, “kho báu” văn hoá đang bị mai một của cộng đồng. Với sự gặp gỡ và trao đổi các bậc cao niên của bản làng, cùng cán bộ bảo tồn, những người trẻ hiểu hơn vị trí “mắt xích” trong dòng chảy của lịch sử và chuỗi giá trị văn hoá liên tục của đồng bào mình.
Trong các nội dung tập huấn, học viên được hướng dẫn kỹ năng bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc như: Kéo co, đẩy gậy, cà kheo, bắn nỏ… Hướng dẫn kỹ năng phát triển các trò chơi dân gian của dân tộc.
Trong khuôn khổ dự án, Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một; khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số rất ít người; bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ… Đồng thời, xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng di dân tái định cư; xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số; và xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng tại các địa bàn của tỉnh Quảng Bình...
Bên cạnh đó, học viên cũng được phổ biến các văn bản pháp luật, các quy định của Đảng, Nhà nước về chính sách đối với thể dục, thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, từ đó, trách nhiệm với đồng bào được khơi dậy qua các giờ thực nghiệm thể thao; mang nét riêng của đời sống văn hoá đến với du khách thập phương và các sân chơi.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Mai Xuân Thành cho biết, dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” (dự án 6) không dừng lại ở việc thực hiện các mục tiêu bảo tồn mà còn hướng tới việc tạo dựng một cộng đồng đồng lòng và gắn kết. Sự tham gia tích cực từ phía người dân đã trở thành yếu tố then chốt để dự án đạt được thành công.
“Không ai khác, chính người dân sẽ là những người kể câu chuyện văn hóa của chính mình một cách sinh động nhất”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Mai Xuân Thành cho hay.
Vượt khó gìn giữ giá trị dân tộc
Dự án 6 có nhiều nhiệm vụ thành phần, đã góp phần quan trọng trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Trong các nhiệm vụ đó, nhiệm vụ “Tuyên truyền, quảng bá rộng rãi văn hóa truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số” và “Xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng di dân tái định cư”… bước đầu đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực; các xã đã xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian và đã tham gia nhiều chương trình văn nghệ tại địa phương, tổ chức giao lưu, biểu diễn với các địa phương khác.
Tuy nhiên, để đạt được những kết quả kể trên, dự án đã gặp không ít khó khăn, khi đời sống vật chất, tinh thần của phần lớn đồng bào vẫn đang còn nhiều vất vả, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ khá cao, người dân còn chưa đủ no ấm, thì cũng chưa có tiềm lực để dành trọn thời gian cho hoạt động bảo tồn.
Bên cạnh đó, mỗi dân tộc ít người ở Quảng Bình có nhiều nhóm tộc người, với phong tục, tập quán mỗi khác; địa bàn cư trú rải rác. Do đó, việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều phong tục tập quán tốt đẹp, những giá trị văn hoá truyền thống bị mai một theo thời gian, do chiến tranh… gây nhiều khó khăn trong công tác triển khai các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá.
Để hành trình bảo tồn “kho tàng” vơi bớt đi khó khăn và thách thức, bên cạnh những điều kiện khách quan do địa lý, cần hơn những chính sách đãi ngộ đặc biệt cho nghệ nhân dân tộc thiểu số, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở… cũng như đầu tư vào hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ và hiện đại.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Mai Xuân Thành, đối tượng thụ hưởng của Dự án 6 khá rõ, vì vậy đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bước đầu đã được thụ hưởng các chính sách, chế độ và hiệu quả của dự án 6, đưa lại tác động đến tất cả đồng bào dân tộc thiểu số. Qua 3 năm triển khai, đối tượng thụ hưởng và tham gia các nhiệm vụ thành phần có sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần bảo tồn và phát huy được nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch, mang lại hài lòng cho người dân, các đối tượng thụ hưởng.
Điều này cũng đã minh chứng cho thành công thực chất của dự án, gắn bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp với phát triển du lịch. Từ đó, tiếp tục một hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho địa phương trong chặng đường phía trước.