Giấy tờ tùy thân liên quan đến việc bảo đảm an toàn bay
Chia sẻ về công tác bảo đảm an toàn hàng không dân dụng, ông Tô Tử Hùng - Trưởng Phòng An ninh hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đây là vấn đề không chỉ với phạm vi trong nội bộ đất nước mà mang tính phạm vi toàn cầu. Một chuyến bay từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội có thể kết nối ngay sau đó đến Paris (Pháp). Tính kết nối quốc tế rất cao nên các quy định pháp luật tại Việt Nam thể hiện những tiêu chuẩn chung của quốc tế. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã đưa ra các quy chuẩn chặt chẽ và những khuyến cáo thực hành. Trong đó, các tiêu chuẩn bắt buộc và khuyến cáo phải được thực hiện ở mức cao nhất có thể. Trong đó, có quy định về các giấy tờ khi bay.
Thực tế, vào năm 1976, chuyến bay của hãng hàng không Cuba có 2 kẻ khủng bố đã lên tàu bay, sử dụng nhân thân giả, giấy tờ giả, đặt bom trên chuyến bay 73 hành khách. Vào năm 1985, vụ đánh bom nổi tiếng của hãng hàng không Ấn Độ cũng liên quan tới dùng tên giả… Hội đồng điều hành ICAO đã ra những nghị quyết để yêu cầu các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam làm đúng các tiêu chuẩn. Về tiêu chuẩn quốc tế, phải sử dụng hộ chiếu, trên đó có một dãy mã đọc được bằng máy. Tương lai gần sẽ có hộ chiếu gắn chip với các sinh trắc học.
"Vấn đề giấy tờ nhân thân rất quan trọng khi sử dụng dịch vụ hàng không, mang tính bắt buộc về mặt pháp luật. Người dân bắt buộc phải tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật trước khi bay. Việt Nam cũng có những quy định rất rõ ràng về việc mang giấy tờ tuỳ thân khi lên tàu bay, trong đó có khoảng 14 loại giấy tờ chứng minh nhân thân khi bay trong nước. Khi đi quốc tế, bắt buộc phải có giấy tờ nhận dạng ảnh… Việc xác thực nhân thân rất quan trọng" - ông Tô Tử Hùng khẳng định.
Theo các chuyên gia, giấy tờ tùy thân còn liên quan đến việc bảo đảm an toàn bay. Khi xử lý các tình huống xảy ra như hành khách không có đủ các giấy tờ yêu cầu, có rất nhiều cách để xác minh; nhiều cơ quan cũng có thể tham gia xác minh.
Khâu thực hiện đang có lỗ hổng
Trước thực tế xuất hiện có dịch vụ hỗ trợ bay cho hành khách không giấy tờ tùy thân, Luật sư Nguyễn Văn Chiến, nguyên Ủy viên Ủy ban Tư pháp, đại biểu Quốc hội Khóa XIV cho biết, nước ta có luật chuyên ngành là Luật Hàng không, quy định cụ thể về an ninh an toàn hàng không. Bên cạnh đó, Nghị định 19/2013/NĐ-CP quy định rất rõ về an ninh an toàn hàng không, còn có thông tư xử lý về vi phạm an ninh an toàn hàng không. Ngành hàng không cũng ban hành quy chế an ninh, an toàn hàng không.
"Hàng không Việt Nam là thành viên của ICAO, trong đó phải tuân thủ các quy định khắt khe về an ninh an toàn hàng không được quốc tế thừa nhận. Tuy đã có những quy định trên nhưng vẫn có trường hợp vi phạm quy định, nổi lên dịch vụ không cần giấy tờ, chỉ cần tiền là lên máy bay. Đây là vấn đề phải ngăn chặn" - Luật sư Nguyễn Văn Chiến nhấn mạnh.
Hành lang pháp lý đã có nhưng khâu thực hiện đang có lỗ hổng; ngành hàng không có quy định phân cấp rất rõ ràng nhiệm vụ các bộ phận. Điều này đặt ra câu hỏi, những người bán vé sao có thể xử lý được việc hành khách lên máy bay không giấy tờ, không cần xác minh danh tính? Tại sao những trường hợp không có giấy tờ như vậy qua được kiểm soát về mặt an ninh khi không rõ danh tính? Đây là lỗ hổng quản lý.
Ông Tô Tử Hùng cho biết thêm, theo Chỉ thị của Cục Hàng không Việt Nam, nhân viên hàng không phải làm đúng quy trình. Nếu có trường hợp vi phạm kể thì đây là trường hợp rất đáng lo ngại. Quan điểm của Cục Hàng không Việt Nam là không ngừng, không nghỉ, kiên quyết, kiên trì, không vùng cấm.
Phối hợp xử lý hiệu quả
Theo Luật sư Nguyễn Văn Chiến, để giải quyết vướng mắc, rất cần sự phối hợp giữa cơ quan chức năng. Ngành hàng không cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra về việc tại sao sự việc này diễn ra. Nếu đó là thông tin giả, cũng phải xử lý dứt điểm.
Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu, chuyên gia giải mã tội phạm học cho rằng, điều tra, làm rõ là việc đương nhiên phải làm của cơ quan chức năng. Khi đã rõ rồi, cần xử lý thật nghiêm và tuyên truyền để thay đổi hành vi cho chính đối tượng đó. Song, giải pháp căn cơ nhất là phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực kiểm soát sân bay.
Ông Tô Tử Hùng khẳng định, gần đây nhất, năm 2016, Đại hội đồng ICAO đã ra nghị quyết yêu cầu các quốc gia thành viên thiết lập và sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu hành khách chuẩn hoá với các tiêu chuẩn quốc tế, giúp các cơ quan chuyên môn chấp nhận, nhằm bảo đảm tốt an toàn hàng không dân dụng, tiến tới loại bỏ dần các giấy tờ đi tàu bay không phải do cơ quan quản lý dữ liệu công dân cấp.
Với sự phát triển công nghệ, chuyển đổi số, Việt Nam không nằm ngoài bước tiến cách mạng công nghệ đó. Ngày 6.1.2023, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030 (Đề án 06). Ngành hàng không dân dụng là một trong những lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số, hướng tới sẽ sử dụng công nghệ số, bằng các thiết bị máy móc để xác thực nhân thân. Đơn cử như những dữ liệu sinh trắc học: khuôn mặt, vân tay, tròng mắt…
"Điều mà Cục Hàng không Việt Nam cũng như các hành khách mong muốn là làm sao ứng dụng những công nghệ này để thuận lợi hơn trong việc làm thủ tục. Cục Hàng không Việt Nam đã áp dụng thí điểm tại một số cảng hàng không quốc tế: Phú Bài, Cát Bi, Nội Bài… để biết được tốc độ nhận diện cũng như những trở ngại có thể xảy ra trước khi áp dụng chính thức. Cục đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan phát triển các ứng dụng cũng như quá trình nhận diện" - Ông Tô Tử Hùng chia sẻ.
Để có thể chấm dứt tình trạng vi phạm, truyền thông nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên trong ngành hàng không và nâng cao dân trí cho khách hàng là yêu cầu cấp thiết đặt ra. Được biết, Cục Hàng không Việt Nam đã có những văn bản thông báo và truyền thông để trang bị cho người dân những nhận thức và yêu cầu cần thiết về việc mang các loại giấy tờ khi đi tàu bay.