Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Tuấn Hùng khẳng định, Luật Báo chí về cơ bản phù hợp và bảo đảm tính hiệu lực trong quản lý, điều hành các hoạt động của TTXVN, tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hợp tác, phối hợp, hỗ trợ phóng viên TTXVN tác nghiệp, tạo ra các sản phẩm thông tin, đóng góp hiệu quả vào việc định hướng tư tưởng, định hướng dư luận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, do tính chất đặc thù trong chức năng, nhiệm vụ và vị trí của TTXVN trong hệ thống báo chí tại Việt Nam nên việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật tại TTXVN có một số vướng mắc. Cụ thể, theo ông Nguyễn Tuấn Hùng, mặc dù Luật Báo chí có đề cập tới cơ quan thông tấn nhà nước nhưng không có quy định về vai trò, chức năng của cơ quan thông tấn nhà nước và trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức khi sử dụng bản tin thông tấn. Vì vậy, TTXVN hiện cung cấp miễn phí các bản tin thông tấn cho các đơn vị, tổ chức cả trong và ngoài nước trong khi bản tin thông tấn là sản phẩm chính của TTXVN. Điều này dẫn đến việc TTXVN rất khó tăng nguồn thu từ các sản phẩm của đơn vị.
Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Công an Nhân dân có đề án xây dựng thành cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện. Song đến nay chưa có văn bản quy định cụ thể về “cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện” nên cũng chưa có chính sách đối với 6 cơ quan báo chí này.
Hiện nay với nguồn ngân sách nhà nước cấp, TTXVN chỉ có thể chi trả cho mỗi sản phẩm báo chí thấp hơn nhiều so với định mức hao phí lao động tối đa quy định tại Thông tư số 18/2021/TT-BTTTT (gần 40% đối với tin và 17% đối với ảnh). Hơn nữa, định mức hiện nay chưa tính tới hao phí lao động của các thành phần khác tham gia tạo ra sản phẩm (kỹ sư, kế toán, chuyên viên, nhân viên).
Đối với các sản phẩm thông tin thực hiện theo hợp đồng truyền thông, TTXVN thực hiện hạch toán riêng, không sử dụng NSNN nhưng hầu hết khách hàng sử dụng đơn giá sản phẩm theo Nghị định 18/2014/NĐ-CP đã khá cũ, chỉ đủ bù đắp chi phí sản xuất, không có tích lũy.
Để giải quyết khó khăn trong điều kiện thực hiện tự chủ tài chính, TTXVN đề nghị có chính sách yêu cầu các bộ, ngành, địa phương dành tỷ lệ nhất định kinh phí thường xuyên đặt hàng các cơ quan báo chí chủ lực sản xuất các sản phẩm báo chí phục vụ truyền thông chính sách, tuyên truyền đối ngoại. Bổ sung ngân sách cho công tác truyền thông chính sách từ xây dựng đến thực thi.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng giá sản phẩm báo chí cụ thể để áp dụng thống nhất trong việc đặt hàng, thuận lợi trong việc ký kết hợp đồng cũng như thực hiện kiểm toán. Cho phép TTXVN sử dụng nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ để bổ sung thanh toán cho quỹ nhuận bút và trả thù lao cho các đối tượng tham gia sản xuất sản phẩm báo chí và được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ của TTXVN.
Chia sẻ với những khó khăn hiện nay của báo chí nói chung, TTXVN nói riêng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, Nhà nước phải bảo đảm kinh phí cho hoạt động của báo chí cách mạng Việt Nam, đặc biệt là các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, trong đó cơ chế đặt hàng rất quan trọng, cần tập trung có trọng tâm trọng điểm theo nhiệm vụ, mục tiêu. Trong quá trình sửa Luật Báo chí sắp tới sẽ cố gắng nghiên cứu thể hiện quan điểm này, làm cơ sở pháp lý cho quá trình triển khai trên thực tiễn, khai thông cơ chế, huy động nguồn lực để báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.