Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Có trên 3.000 công chứng viên hành nghề trên cả nước
Theo báo cáo Bộ Tư pháp, tính đến hết ngày 31.12.2022, cả nước có 3.220 công chứng viên hành nghề tại các Phòng Công chứng và Văn phòng Công chứng. So với thời điểm triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014, số công chứng viên đã tăng lên hơn 2 lần.
Về hoạt động hành nghề của công chứng viên, có 3 hình thức, gồm công chứng viên của Phòng Công chứng, công chứng viên hợp danh của Văn phòng Công chứng và công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động tại Văn phòng Công chứng. Trong 3.220 công chứng viên hiện có, có 2.830 công chứng viên đang hành nghề tại các Văn phòng Công chứng, chiếm 88% và 390 công chứng viên của Phòng Công chứng, chiếm 12%.
Tại phiên giải trình, các đại biểu nêu câu hỏi liên quan đến việc thực hiện các quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, quy định của Bộ luật Dân sự (Điều 455, 459), Luật Đất đai (Điều 167), Luật Nhà ở (Điều 122), Luật Kinh doanh bất động sản (Điều 17), các hợp đồng, giao dịch có tính chuyển dịch quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (mua bán, tặng cho, chuyển nhượng, góp vốn…) phải công chứng hoặc chứng thực.
Tuy nhiên, đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản, việc công chứng thực hiện theo yêu cầu của các bên (điểm b khoản 3 Điều 167, Luật Đất đai).
Số liệu tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng (2015 - 2020) của các địa phương cho thấy, chỉ có khoảng 0,01% các vụ án tranh chấp liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng; số vụ việc có bản án yêu cầu bồi thường thiệt hại là rất ít, với tổng số tiền khoảng hơn 12 tỷ đồng, nhiều địa phương không có trường hợp nào phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng.
Thực tế cho thấy, việc công chứng, chứng thực đối với hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các bên là hộ gia đình, cá nhân đã góp phần đáng kể trong việc hạn chế các tranh chấp phát sinh. Đối với các hợp đồng, giao dịch trong kinh doanh bất động sản mà một bên là tổ chức kinh doanh bất động sản, hiện chưa có cơ chế để người mua bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp khi thỏa thuận, ký kết hợp đồng, giao dịch với các chủ đầu tư.
Hiện nay, việc công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở và tài sản gắn liền với đất chiếm hơn 70% số việc công chứng và giá trị phí, thù lao công chứng. Việc công chứng các hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở không chỉ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch mà còn góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với quá trình chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, qua đó tạo môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về công chứng là điều tất yếu phải làm
Với thực trạng hiện nay, Bộ Tư pháp cho biết, một số quy định pháp luật về công chứng đã bộc lộ một số hạn chế, không còn phù hợp với thực tiễn. Chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều. Việc thành lập và phân bổ Văn phòng Công chứng tại một số địa bàn chưa phù hợp với nhu cầu công chứng. Công tác quản lý nhà nước về công chứng có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả, kịp thời; công tác thanh tra, kiểm tra tuy đã được quan tâm, tăng cường nhưng chưa theo kịp với sự phát triển của hoạt động công chứng…
Tại Phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, Bộ Tư pháp đã đề nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Công chứng (sửa đổi) vào Kỳ họp thứ Bảy (tháng 5.2024). Đối với các dự án Luật đang được sửa đổi, bổ sung liên quan đến Luật Công chứng, như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Công chứng hiện hành và định hướng sửa đổi Luật Công chứng đã trình Quốc hội. Cụ thể là những nội dung về giá trị pháp lý của văn bản công chứng, thời điểm có hiệu lực của văn bản công chứng, phạm vi các hợp đồng, giao dịch phải công chứng... nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm an toàn, pháp lý cho các giao dịch quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cần chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trong phạm vi thẩm quyền phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp tiếp tục triển khai có hiệu quả việc thi hành Luật Công chứng, thống nhất quan điểm xác định đúng vị trí, vai trò của hoạt động công chứng và có chính sách phát triển nghề công chứng bền vững.
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng nêu rõ yêu cầu cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về công chứng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công chứng và tạo môi trường hành nghề công chứng minh bạch, hiệu quả. Hoạt động công chứng ngày càng được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa góp phần tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.