Tham dự có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Nguyễn Phương Thủy, Trần Hồng Nguyên, Ngô Trung Thành, Nguyễn Thị Mai Phương; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa; Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh; Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên; Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lộc; các thành viên Ủy ban Pháp luật; đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan hữu quan.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024 là thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.
Theo đó, dự kiến sẽ có khoảng 50 đơn vị cấp huyện và trên 1.200 đơn vị cấp xã tiến hành sắp xếp trong giai đoạn này. Việc sắp xếp phải hoàn thành trong năm 2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, trong đó cấp cơ sở thực hiện trong quý I.2025.
Tại phiên họp này, Ủy ban Pháp luật sẽ thẩm tra 2 Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát, thành lập TP. Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương và Tờ trình về việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công, thành lập TP. Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận tập trung, hiệu quả và có trọng tâm để hoàn thành chương trình đề ra.
Trình bày các Tờ trình của Chính phủ về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nêu rõ, tỉnh Bình Dương đề nghị thành lập 2 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 2 xã An Điền và An Tây; thành lập TP. Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Bến Cát.
Sau khi thành lập, tỉnh Bình Dương không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc nhưng có giảm 1 thị xã, 2 xã và tăng 1 thành phố, 2 phường. Tỷ lệ đô thị hóa là 84,95%. Thành phố Bến Cát có 234,35 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 364.578 người, có 8 đơn vị hành chính cấp xã, tỷ lệ đô thị hóa là 94,65%.
Tỉnh Tiền Giang đề nghị thành lập 4 phường Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 4 xã Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa; sắp xếp 4 phường thành 2 phường (nhập Phường 4 vào Phường 1, nhập Phường 3 vào Phường 2); thành lập TP. Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Gò Công.
Kết quả là tỉnh Tiền Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, nhưng tăng 1 thành phố và giảm 1 thị xã; đồng thời giảm 2 đơn vị hành chính cấp xã. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh là 18,4%.
"Từ vị trí, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa của các xã, phường, thị xã nêu trên, việc thành lập 2 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập TP. Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập TP. Gò Công là cần thiết", Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết sắp xếp, thành lập các phường, thành phố với những lý do như đã thể hiện tại Tờ trình và Đề án của Chính phủ. Hồ sơ các Đề án đã bảo đảm đầy đủ theo đúng quy định.
Tuy nhiên, một số ý kiến chỉ rõ, các số liệu về số lao động phi nông nghiệp của xã Long Chánh, Long Hòa, Long Hưng, Long Thuận và số lao động phi nông nghiệp khu vực nội thị của thị xã Gò Công có sự chưa thống nhất. Thống kê tổng số lao động, lao động phi nông nghiệp của 4 xã nói trên và khu vực nội thị của thị xã Gò Công thể hiện trong Đề án của Chính phủ và trong Bảng thống kê cơ cấu lao động trên địa bàn thị xã Gò Công năm 2022 của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Gò Công còn khác nhau mặc dù tỷ lệ lao động phi nông nghiệp lại cơ bản giống nhau.
Do đó, đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Tiền Giang làm rõ hơn về tính chính xác và sự thống nhất của các số liệu này. Quan tâm, bố trí nguồn lực đầu tư để bảo đảm chất lượng đô thị đối với các xã dự kiến thành lập phường và thị xã dự kiến thành lập thành phố thuộc tỉnh Bình Dương và tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là các tiêu chuẩn thành phần còn đạt ở mức thấp so với quy định.
Tiếp đó, với 100% số thành viên Ủy ban có mặt tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật đã biểu quyết nhất trí trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát, thành lập TP. Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công, thành lập TP. Gò Công, tỉnh Tiền Giang.