Tuyển sinh tác động tới gần 1 triệu học sinh lớp 12
Phát biểu tại Hội nghị tuyển sinh 2023 sáng ngày 3.3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ: “Tuyển sinh luôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng năm, với toàn ngành và là chủ thể quan tâm của toàn xã hội.
Việc tuyển sinh đại học, cao đẳng tác động trực tiếp, hệ trọng tới trước hết gần 1 triệu học sinh lớp 12 mỗi năm và cả 2 triệu học sinh lớp 10, 11; cùng với từng đó số gia đình, chiếm ít nhất khoảng 5% dân số.
Thứ trưởng nhấn mạnh, việc gần 600.000 học sinh mỗi năm vào học trường nào, ngành nào là một trong những yếu tố quyết định tương lai không chỉ của bản thân từng học sinh và gia đình mà còn là tương lai của đất nước, toàn xã hội.
Mỗi học sinh và gia đình đều mong muốn đạt sự lựa chọn tốt nhất, sự lựa chọn tối ưu theo nguyện vọng, năng lực và điều kiện, trong kỳ tuyển sinh thuận lợi, tin cậy, công bằng và minh bạch.
Bên cạnh đó, mỗi thầy cô dạy học cấp THPT đều mong muốn học trò của mình, lớp học của mình có nhiều em đỗ đạt vào các trường top trên. Các nhà trường và địa phương đều mong muốn tỷ lệ cao học sinh của mình trúng tuyển vào đại học, cao đẳng.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, mỗi trường đại học đều mong muốn tuyển được nhiều sinh viên giỏi vào đủ chỉ tiêu các ngành học, bởi khả năng thu hút thí sinh vào học trước hết cũng là một chỉ số quan trọng thể hiện uy tín, chất lượng của một trường đại học. Ở chiều ngược lại, chất lượng tuyển sinh đầu vào cũng lại là một yếu tố then chốt tác động tới chất lượng đầu ra của sinh viên và góp phần làm tăng hay giảm uy tín của một trường đại học.
Kết quả tuyển sinh cũng là một chỉ số quan trọng về việc phát triển bền vững của một trường đại học. Tuyển sinh tốt cũng sẽ tạo ra hiệu quả hoạt động tốt cho nhà trường, và có được hiệu quả hoạt động tốt, chúng ta có cơ hội nâng cao chất lượng đào tạo, mang lại giá trị, lợi ích cho người học và cho xã hội.
“Vì vậy, tuyển sinh không chỉ là việc riêng của mỗi trường đại học mà là sân chơi chung của các trường đại học trong hệ thống, là trách nhiệm của toàn ngành, không chỉ là của hệ thống giáo dục đại học”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Nhiều yếu tố dẫn đến tuyển sinh kém
Báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, tuyển sinh năm 2022, những đổi mới trong quy chế tuyển sinh và hệ thống công nghệ đã mang lại những kết quả tích cực. Theo đó, thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất trong việc thực hiện thuận tiện các thủ tục trên hệ thống trực tuyến, đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực.
Theo bà Thuỷ, các cơ sở đào tạo được cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất. Tỷ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các trường tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố.
Bộ GD-ĐT có dữ liệu đầy đủ, kịp thời và tin cậy về tuyển sinh của tất cả cơ sở đào tạo, phục vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời hỗ trợ các trường điều chỉnh chiến lược và phương thức tuyển sinh.
Vụ trưởng Giáo dục Đại học đã đưa ra số liệu thí sinh trúng tuyển và nhập học đại học, nhập học cao đẳng ngành giáo dục mầm non đã thể hiện kết quả rất khả quan.
Cụ thể, tổng số thí sinh nhập học toàn quốc là 521.263 đạt 83,39%, cao hơn số nhập học của năm 2021, 2020. Trong số 330 cơ sở đào tạo, có 194 cơ sở đào tạo (58,67%) có tỷ lệ nhập học đạt trên trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số nhập học của toàn quốc.
Về tỷ lệ tuyển sinh theo các lĩnh vực đào tạo, lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý dẫn đầu với 24,54%, tiếp đến là các lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin (11,79%), Công nghệ kỹ thuật (9,18%), Nhân văn (8,68%), Sức khỏe (6,35%),… Một số lĩnh vực có tỷ lệ tuyển sinh thấp như Khoa học tự nhiên (0,44%), Toán và thống kê (0,40%), Dịch vụ xã hội (0,36%).
Về các tồn tại, hạn chế trong mùa tuyển sinh 2022, Bộ GD-ĐT đánh giá, một số cơ sở đào tạo đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển. Một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học, ví dụ phương thức Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với với phỏng vấn để xét tuyển (0,01%), phương thức Chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển (0,13%),…
Bên cạnh đó, vẫn còn một số thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển; gặp một số khó khăn trong truy nhập Hệ thống nộp lệ phí trực tuyến. Một số trường xét tuyển nhưng không báo cáo đầy đủ kết quả lên Hệ thống theo quy định. Việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong xét tuyển ở một số nơi còn chưa kịp thời gây bức xúc cho thí sinh và xã hội.
Về xét tuyển sớm, việc thí sinh phải đăng ký xét tuyển, xác nhận nhập học tại cơ sở đào tạo và trên Hệ thống đã dẫn tới một số nhầm lẫn, sai sót của thí sinh. Thí sinh mới đủ điều kiện trúng tuyển tại cơ sở đào tạo nhưng không đăng ký xét tuyển trên Hệ thống; có một số trường hợp chưa đảm bảo công bằng với xét tuyển bằng kết quả thi THPT…
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, thống kê số liệu tuyển sinh cho thấy, phần lớn cơ sở đào tạo đã tuyển được số lượng đạt tỷ lệ cao so với chỉ tiêu, nhưng cũng có một số nơi tuyển sinh khó khăn, nhất là ở một số lĩnh vực và ngành đào tạo. Cụ thể, trong 3 năm liền, 4 lĩnh vực Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.
Bộ GD-ĐT đánh giá, các cơ sở đào tạo tuyển sinh kém chủ yếu do một số nguyên nhân: chưa đủ uy tín, thương hiệu để hấp dẫn thí sinh, do vị trí địa lý, sự cạnh tranh khi chỉ tiêu hàng năm tăng, lĩnh vực đào tạo thí sinh ít có nhu cầu theo trào lưu xã hội, ngành đào tạo hẹp, ngành mới thí điểm đào tạo, ngành thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.
Tuyển sinh 2023 sẽ rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1
Theo Bộ GD-ĐT, mùa tuyển sinh năm 2023 là năm áp dụng điểm ưu tiên bắt đầu có hiệu lực. Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần. Thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo cần phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển; đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển, từ đó loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả. Bên cạnh đó, có phương án đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Phải đưa đúng, đủ, chính xác thông tin thí sinh trúng tuyển sớm theo quy định; nghiên cứu sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT làm điều kiện sơ tuyển.
Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1. Đồng thời, tiếp tục nâng cấp Hệ thống áp dụng công nghệ để hạn chế các nhầm lẫn của thí sinh; tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh, hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển, đơn giản hoá giao diện đăng ký xét tuyển.
Bộ GD-ĐT sẽ bổ sung chức năng để các cơ sở đào tạo cập nhật kết quả điểm đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (nếu có) lên Hệ thống. Các cơ sở đào tạo có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển, giảm thiểu tối đa việc phải tổ chức xét tuyển sớm.
Bên cạnh đó, việc đăng ký xét tuyển (thí sinh đăng ký xét tuyển theo mã xét tuyển/ngành) cũng sẽ được đơn giản hóa, giảm tối đa nhầm lẫn. Thí sinh cung cấp thông tin, minh chứng về đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên ngay khi đăng ký dự thi; điểm tiếp nhận bố trí cán bộ rà soát các thông tin, minh chứng.
Về công tác xét tuyển sớm, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ nâng cấp Hệ thống, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh trong đăng ký xét tuyển (thí sinh đăng ký xét tuyển trên Hệ thống theo mã xét tuyển/ngành). Đồng thời, đăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm.